Nam công nhân N.V.T (36 tuổi, ngụ tại Cần Thơ) đang trong giờ làm việc thì bị mệt, yếu nửa người bên trái. Sau khi nghỉ ngơi, tình trạng cải thiện, bệnh nhân trì hoãn không đến bệnh viện thăm khám mà trở về nhà.
Tuy nhiên, sáng hôm sau khi tỉnh giấc, người bệnh đã bị liệt nửa người bên trái, nói khó. Gia đình vội chuyển đến bệnh viện cấp cứu thì được bác sĩ xác định bệnh nhân đã bị nhồi máu não bán cầu phải, tắc động mạch. Tình trạng đột quỵ đã quá giờ vàng nên không thể can thiệp.
Đó là một trong số hàng loạt trường hợp bị đột quỵ đang được Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, tiếp nhận điều trị từ sau Tết Nguyên đán đến nay. Là cơ sở điều trị đột quỵ - tim mạch lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ đang rơi vào tình trạng quá tải nghiêm trọng.
Ngày 17/2, bệnh viện cho biết, chỉ trong 7 ngày qua tại đây đã tiếp nhận thăm khám và cấp cứu cho 5.047 lượt bệnh. Số giường thực kê tại khoa cấp cứu của bệnh viện chỉ có 25 giường nhưng số bệnh nhân nhập viện cấp cứu mỗi ngày luôn gấp đôi số giường hiện có.
Đáng lo ngại hơn là số bệnh nhân cấp cứu, đột quỵ có xu hướng gia tăng trong cộng đồng. Nếu giai đoạn trước tết chỉ có khoảng 40 trường hợp nhập viện cấp cứu mỗi ngày thì từ sau tết đến nay, số ca bệnh cấp cứu trung bình trong ngày khoảng 50 trường hợp. Trung bình mỗi ngày tại đây đang điều trị cho 260 bệnh nhân nội trú. Bệnh viện chỉ có 100 giường kế hoạch, dù đã kê thêm 152 giường và tận dụng cả khu vực hành chính để làm nơi điều trị cho bệnh nhân nhưng vẫn không đủ đáp ứng.
Các bác sĩ can thiệp cấp cứu cho một trường hợp bị đột quỵ. Ảnh: Vân Sơn
“Tôi thực sự đau lòng khi thấy số lượng bệnh nhân đột quỵ gia tăng chóng mặt. Đặc biệt là nhóm bệnh nhân trẻ đột quỵ ngày càng nhiều, họ không chỉ mất đi tương lai mà còn để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội. Chúng tôi đang nỗ lực làm hết sức có thể để cứu được càng nhiều người bệnh càng tốt nhưng tình trạng quá tải đang trở thành rào cản lớn trong việc cứu chữa bệnh nhân”, TS.BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện quốc tế S.I.S Cần Thơ cho biết.
Bệnh viện Nhân Dân 115 (TPHCM) là nơi có Trung tâm Điều trị đột quỵ quy mô lớn nhất với 170 giường bệnh. Thực tế số giường bệnh trên không đủ đáp ứng trong bối cảnh số ca bệnh đột quỵ đến bệnh viện gia tăng. PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu não - Trung tâm Điều trị đột quỵ cho biết, bệnh đột quỵ có xu hướng tăng cao so với năm trước và ngày càng xuất hiện nhiều ở người trẻ tuổi.
“Khoa của chúng tôi ở mọi thời điểm luôn trong tình trạng đông bệnh nhân. Tuy nhiên, giai đoạn đầu năm 2023 số ca bệnh nhập viện tăng đang gây ra không ít áp lực. Trung bình mỗi ngày bệnh viện điều trị cho khoảng 180 trường hợp đột quỵ. Bệnh nhân đông trong khi số giường kế hoạch tại khoa chỉ có 170 giường nên không đủ đáp ứng, nhiều trường hợp phải nằm băng ca” - PGS Nguyễn Huy Thắng cho hay.
Nhiều trường hợp nhập viện cấp cứu khi đã trễ “giờ vàng”. Ảnh: Vân Sơn
BS Trần Văn Sóng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115 cho biết, số lượng người bệnh đột quỵ tại bệnh viện đang tăng theo từng năm. Nếu năm 2020 bệnh viện tiếp nhận khoảng 6.000 ca đột quỵ thì sang năm 2021 số lượng bệnh nhân đột quỵ đến bệnh viện khoảng hơn 10.000 ca. Đáng lo ngại hơn, trong năm 2022 số ca đột quỵ đến bệnh viện tăng đột biến lên hơn 14.000 ca. Dự báo, trong năm 2023 số lượng bệnh nhân đột quỵ còn tiếp tục tăng.
Theo TS.BS Trần Chí Cường, nguyên nhân gia tăng số ca bệnh dẫn tới quá tải bệnh nhân đột quỵ giai đoạn đầu năm đến nay là do hậu quả từ việc vui quá đà trong những ngày tết. Nhiều người đã buông thả, lạm dụng rượu bia, thuốc lá mà quên đi những nguy hiểm cho sức khỏe của mình. Đặc biệt, sau Tết Nguyên đán, tỷ lệ bệnh nhân đến bệnh viện trễ giờ vàng có xu hướng gia tăng. Nếu trước tết tỷ lệ bệnh nhân đến trong giờ vàng là 25% thì thời gian gần đây tỷ lệ đến trong giờ vàng chỉ đạt khoảng 15%.
“Lỗi thường gặp nhất khiến nhiều người bệnh nhập viện trễ mất đi giờ vàng để can thiệp là không nhận ra đột quỵ. Người bị đột quỵ thường nhầm lẫn với bệnh cảm, trúng gió hoặc có người biết bệnh nhân bị đột quỵ nhưng lại xử lý theo những cách trong dân gian như bấm huyệt, chích lể. Dấu hiệu điển hình khi bị đột quỵ, gồm: đột ngột méo miệng, đột ngột nói đớt, yếu liệt nửa người. Bệnh nhân gặp tình trạng trên cần đến bệnh viện có khoa điều trị đột quỵ càng sớm càng tốt”.
BS Đào Duy Khoa, khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM
Cùng quan điểm trên, PGS Nguyễn Huy Thắng cho rằng: “Lối sống là một trong những vấn đề đang tác động trực tiếp đến bệnh đột quỵ. Ngoài tỷ lệ hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia ở người trẻ tuổi ở mức cao thì còn một bộ phận thanh niên có sử dụng các chất gây nghiện, điều đó làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Mặt khác, áp lực từ công việc, cuộc sống đang tạo ra những căng thẳng, stress, con người ít có cơ hội vận động hoặc lười vận động dẫn đến các bệnh lý không lây. Ngoài ra những ảnh hưởng về sức khỏe trên nhóm bệnh nhân từng mắc COVID-19 cũng làm gia tăng nguy cơ của bệnh đột quỵ”.
Một phân tích khác của BS Đào Duy Khoa, khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM chỉ ra, bệnh đột quỵ đến từ 2 nhóm, gồm những nguy cơ có thể can thiệp được và nguy cơ không thể can thiệp được. Những nguy cơ không thể can thiệp được là vấn đề tuổi tác, người càng lớn tuổi thì khả năng mắc bệnh đột quỵ càng cao. Tiếp đến là yếu tố chủng tộc ở người da trắng là yếu tố tim mạch, người da vàng là vấn đề xơ vữa động mạch. Bên cạnh đó là các vấn đề liên quan đến gen và di truyền.
Phần còn lại của nguy cơ đột quỵ có thể can thiệp được đến từ lối sống, cộng đồng cần có chế độ ăn uống khoa học, hạn chế ăn nhiều dầu mỡ, không lạm dụng rượu bia và các chất kích thích, kiểm soát tốt các bệnh lý nền, tránh căng thẳng, tăng cường vận động… là những giải pháp phòng ngừa đột quỵ hiệu quả.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo chẩn đoán đột quỵ
BS Trần Văn Sóng - Phó giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115 cho biết, hiện nay, ngoài các phương pháp sử dụng thuốc tiêu sợi huyết, can thiệp nội mạch lấy huyết khối… Bệnh viện Nhân Dân 115 đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán bệnh đột quỵ. Trí tuệ nhân tạo giúp bác sĩ xác định được vùng thiếu máu, vùng nhồi máu, kéo dài thời gian can thiệp của bệnh nhân đột quỵ từ 6 giờ lên 24 giờ, mở ra cơ hội cho bệnh nhân có thể tiếp cận trung tâm y tế chuyên sâu. Trong số 50% bệnh nhân đến sau 6 giờ có cơ hội được can thiệp chuyên sâu, 48% trong số đó được điều trị thành công, nâng cao khả năng giúp người bệnh trở lại cuộc sống bình thường.