Vì sao đôi khi bạn cảm thấy “mệt” khi phải nói chuyện với bố mẹ?

Mai Lâm, Theo Nhịp Sống Kinh Tế 06:02 12/11/2018
Chia sẻ

Những người còn có thể ngồi xuống nói chuyện cùng bố mẹ đều rất hạnh phúc và may mắn.

Tối nay tôi ngồi ngoài phòng khách nói chuyện với bố mẹ hơn hai tiếng, lúc quay về phòng riêng, đột nhiên cảm thấy mệt mỏi vô cùng, đầu nặng như chì, sức cùng lực kiệt.

Tôi đã tốn rất nhiều sức lực cho cuộc nói chuyện dài này, tuy rằng chỉ là nói chuyện ngẫu hứng, không có chủ đề nào cả. Từ chuyện gặp gỡ bạn cũ, những dự định trong tương lai cùng cách nhìn nhận về những vấn đề xã hội, nghĩ tới đâu thì nói tới đó, chỉ là có một điều: Cho dù tôi có nói bất cứ vấn đề gì, đều phải bắt đầu kể từ điểm bắt đầu, chứ không giống như khi nói chuyện với người bạn cùng tuổi, chỉ vừa nhắc tới, đối phương đã hiểu ngay ý.

Bố mẹ không giống vậy. Có lẽ do môi trường và tầm nhìn cuộc sống, khi tôi kể bất cứ chuyện gì, tôi đều phải kể tường tận cặn kẽ mọi chi tiết. Ví dụ như nói tới phần mềm đặt xe, bạn nhất định phải nói đó là thứ gì, sử dụng như thế nào, có ưu thế gì, giới thiệu tường tận chẳng khác gì một nhân viên kinh doanh phát triển thị trường. Có người sẽ hỏi: Nếu như bố mẹ không dùng phần mềm đặt xe, tại sao bạn phải nói cho họ biết chứ?

Đây chính là vấn đề tồn tại. Người là con như bạn muốn nói cho bố mẹ biết, một mặt vì muốn bố mẹ có thể cùng mình tận hưởng thế giới ngoài kia, mặt khác là lúc bạn đang nói với bố mẹ về vấn đề khác, có nhắc tới điều này. Bố mẹ sẽ hỏi tôi mỗi năm chạy qua chạy lại nhiều thành phố như vậy có sợ không, không biết đường thì phải làm sao, tôi đành phải nói ra cái phần mềm đặt xe đó, rồi bắt đầu giới thiệu một lượt. Thế nhưng tôi không hề hỏi lại bố mẹ, xem rằng họ có thực sự có muốn tìm hiểu cái phần mềm đó không. Rốt cuộc bọn họ lắng nghe là vì bản thân có hứng thú với công việc hay chỉ vì lo lắng cho an toàn của con gái, hoặc là có cả hai nguyên nhân.

Năm nay về nhà, tôi có một cảm giác rất rõ chính là: Gần như chẳng có ai giục tôi kết hôn nữa, toàn bộ áp lực mà tôi cảm nhận được gần như xuất phát từ nghề nghiệp mà tôi lựa chọn, mà trùng hợp trong mặt này, tôi lại vô cùng kiên định, thế nên tôi phải tốn rất nhiều sức lực để giải thích cho bố mẹ tôi hiểu.

Trong cuộc đời mình, đưa ra bất cứ lựa chọn gì, tôi đều có một tiêu chuẩn, đó chính là: liệu lựa chọn này có thể thực sự khiến bản thân trưởng thành hơn hay không. Tôi chính là kiểu người chỉ hận không thể khắc dòng chữ "sống đến già, học đến già" lên người, trưởng thành, trưởng thành, đến già rồi, tôi vẫn muốn mình phải trưởng thành. Tôi không thể nào chấp nhận được cuộc sống tĩnh lại, mà phải không ngừng thách thức và vươn lên, kiên định đầu tư vào bản thân chính là chuyện đáng làm nhất trên đời này, cũng chính là cách thức tạo dựng cảm giác an toàn đầy hữu hiệu. Chỉ có làm như vậy, tôi mới có thể càng già càng đáng tiền, càng già càng trân quý.

Bố mẹ đồng ý với suy nghĩ của tôi, nói rằng rất ủng hộ. Thế nhưng khoảng vài phút sau, khi quay lại vấn đề lựa chọn nghề nghiệp, họ vẫn bất giác đưa ra quan điểm của bản thân. Khi không khí bắt đầu trở nên căng thẳng, tôi liền hỏi bố: "Nếu như con đi theo con đường mà bố vạch ra, bố cảm thấy con có vui vẻ không?" Ông lặng người đi vài giây, sau đó nói: "Con sẽ không vui vẻ."

Vì sao đôi khi bạn cảm thấy “mệt” khi phải nói chuyện với bố mẹ? - Ảnh 1.

Vậy chẳng phải xong rồi sao, nguyện vọng lớn nhất của bố mẹ không phải là để con cái được vui vẻ hay sao? Tôi lai nói với họ: "Con không có chí hướng lớn lao, không muốn kiếm thật nhiều tiền, hoặc leo lên được địa vị nào đó, con chỉ muốn vừa có thể nuôi sống được bản thân, vừa có thể trưởng thành không ngừng, lại có thể tận hưởng niềm vui cuộc đời. Bố mẹ thấy đấy, mục tiêu của chúng ta đều giống nhau, chỉ là cách thức thực hiện mục tiêu khác nhau thôi."

Bố mẹ mỉm cười, thực ra chưa chắc đã thực sự tán đồng quan điểm của tôi. Không thể nói họ đã lạc hậu, con người đều đang tiếp tục trưởng thành, người đi trước thường dễ bị thế hệ sau vượt qua. Tuy rằng tôi mới chỉ hai mươi mấy tuổi, thế nhưng trong nhiều vấn đề, tôi đã không quá hiểu rõ, nhìn không thấu lắm. Tôi luôn cảm thấy đối với rất nhiều bậc cha mẹ mà nói, bố mẹ tôi chỉ như đang biểu lộ thái độ của họ chứ không phải ép buộc tôi phải thực hiện, như vậy tôi đã nên cảm ơn rồi, họ đã làm đủ tốt rồi.

Yêu thương là một môn học cả đời của chúng ta. Mỗi một năm, cảm nhận của bạn đều sẽ khác đi. Thế nhưng bạn sẽ biết rằng: Trên thế gian này chỉ tình yêu là có hạt, cho dù nó có biến đổi thế nào đều sẽ cắm rễ trong trái tim bạn, khiến cho nhiều vấn đề trở nên không còn phân biệt nặng nhẹ nữa. Bố mẹ học được nhiều điều ở con cái, ngược lại chúng ta cũng có thể nhìn thấy bản thân trong bố mẹ.

Những người còn có thể ngồi xuống nói chuyện cùng bố mẹ đều rất hạnh phúc và may mắn. Nói ra thì có rất nhiều người đã mất cha mất mẹ từ khi còn bé, lại có một số người bố mẹ hoàn toàn không có thời gian nói chuyện tâm sự cùng con cái, cả ngày bị cuốn theo việc kiếm kế sinh nhai, đến sau cùng chẳng biết nói gì cùng con cái. Đương nhiên vẫn còn nhiều đứa trẻ hoàn toàn không cho cha mẹ cơ hội để nói chuyện cùng nhau! Có thể ngồi tâm sự một lúc, chúng ta đều sẽ cảm thấy rất vui, có thể sẽ tranh cãi, nhưng sau cùng vẫn là cảm giác tốt đẹp.

Ngoài kia, chúng ta nói rất nhiều lời, đều cảm thấy rất mệt mỏi, là vì khách sáo, vô vị, lặp đi lặp lại, tiêu hao năng lượng. Còn ở trong nhà, nói chuyện với bố mẹ, chúng ta cảm thấy mệt là vì chúng ta luôn nghiêm túc, tranh luận, thành tâm thành ý, cũng thận trọng dè dặt. Thế nhưng đây cũng là một cách nuôi dưỡng tình cảm, cũng không ngừng nhắc nhở bạn: Bạn đến từ đâu và nên đi về đâu.

* Nội dung trích từ cuốn sách "Mong Em Thật Hung Dữ Cũng Hãy Thật Dịu Dàng" tác giả Soa Y.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày