Tháng 11/1999, Kiatisuk Senamuang trở thành tân binh của CLB Huddersfield Town (lúc này đang chơi ở giải Hạng nhất). Với tư cách là cầu thủ có chất lượng chuyên môn và giá trị thương mại số một Đông Nam Á thời bấy giờ, Kiatisuk được kỳ vọng sẽ là người mở đường ra châu Âu
Nhưng thực tế thì không chỉ toàn màu hồng giống như tưởng tượng. Bất đồng về ngôn ngữ, khác biệt lớn về khí hậu, văn hóa,... đã khiến "Zico Thái Lan" trải qua khoảng thời gian khốn khổ ở xứ sở sương mù.
"3 tháng đầu mới tới Anh, tôi chỉ tập thể lực. Do phải tuân thủ chế độ như cầu thủ bản địa, ngày nào tôi cũng phải ăn gà luộc, khoai tây và đậu nướng", Kiatisuk kể lại với tờ Bangkok Post, "Tôi không hề hạnh phúc, ở đó quá lạnh và tôi thì rất nhớ nhà. Bóng đá Anh thực sự khó khăn và quá khó để thích nghi".
Ai đó có thể lấy lý do rằng sở dĩ Kiatisuk không thể hòa nhập với môi trường châu Âu là vì anh không được hỗ trợ những hành trang cần thiết trong thời điểm mà bóng đá Đông Nam Á vẫn còn khá "mông muội". Thế nhưng, với những trường hợp sau này, vấn đề của họ cũng không khác là bao.
Có thể nhìn vào các cầu thủ Việt Nam từng xuất ngoại cho gần gũi. Cách đây hơn chục năm, Lê Công Vinh từng nếm trải cảm giác lạc lõng khi sang Bồ Đào Nha. Ngay cả với lời giới thiệu của HLV Calisto, tiền đạo ghi nhiều bàn thắng nhất cho ĐT Việt Nam vẫn phải chấp nhận những ánh nhìn chẳng mấy thiện cảm từ đồng đội và HLV trưởng trong hơn 1 tháng đầu tiên.
Sau này, Công Phượng và Văn Hậu cũng cố gắng hiện thực hóa giấc mơ châu Âu. Thực tế, họ đã nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn từ ê-kíp của mình và cũng dễ dàng hòa nhập hơn trong thời đại thế giới phẳng. Có điều, họ lại không thể vượt qua nổi khoảng cách về thể chất và chuyên môn.
Không ai phủ nhận những nỗ lực và mơ ước vươn mình ra một môi trường hàng đầu thế giới. Nhưng để làm được điều đó, các cầu thủ Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng có quá nhiều bất lợi cần phải khắc phục. Từ thể hình, thể lực thua kém cho đến tư duy và trình độ chơi bóng khác biệt.
Khi nói về việc cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài chơi bóng, người hâm mộ hay có suy nghĩ rằng: "Chơi ở đội hạng dưới cũng được". Trên thực tế, càng chơi ở các hạng đấu thấp, thử thách lại càng khó khăn hơn. Bởi ở đó, trình độ chuyên môn không cao như những giải hàng đầu, người ta sẽ dựa nhiều hơn vào yếu tố thể chất và cầu thủ Việt Nam sẽ càng yếu thế hơn.
Chính vì vậy, việc lựa chọn được một CLB phù hợp trong một giải đấu vừa sức là cực kỳ quan trọng. Không những thế, hệ thống chiến thuật và thói quen sử dụng nhân sự của HLV trưởng cũng là yếu tố đóng vai trò quyết định Đây vừa là ý thức của cầu thủ, vừa là trách nhiệm của người đại diện.
Kiatisuk từng chỉ là tiền đạo số sáu trong một tập thể gần 40 người của Huddersfield. Công Vinh phải cạnh tranh với 26 cầu thủ khác ở Leixoes. Công Phượng gần như không có cơ hội ở Sint Truiden vì HLV không cần anh ở vị trí số 10, còn nếu đẩy anh ra cánh thì Phượng lại quá thất thế so với những cầu thủ vừa nhanh vừa khỏe khác.
Tương tự, Văn Hậu cũng chỉ có thể được đá ở đội trẻ Heerenveen phần vì còn quá trẻ, phần vì đội chính của CLB này vốn không sử dụng những hậu vệ cánh dâng cao (hay còn gọi là wing-back) trong khi đó mới là vị trí sở trường của cầu thủ sinh năm 1999.
Từng đó lý do để thấy nếu Quang Hải thực sự muốn ghi dấu ở châu Âu, anh cần phải đưa ra những lựa chọn sáng suốt. Chúng ta có cơ sở để tin tưởng Hải "con" sẽ làm được điều này vì anh là mẫu cầu thủ thông minh và cực kỳ bản lĩnh. Hơn thế, Quang Hải cũng biết cách linh hoạt trong phong cách thi đấu và phù hợp với nhiều hệ thống chiến thuật khác nhau. Đây có thể coi là một lợi thế đáng kể.
Ở Quang Hải còn có một nét rất riêng khác có thể đem đến hy vọng, đó là anh chưa bao giờ biết "sợ" thử thách. Chúng ta đã từng chứng kiến Quang Hải dám chơi bóng đúng nghĩa ngay cả khi phải chiến đấu với những đối thủ sừng sỏ nhất. Dường như, càng ở trong tình cảnh khó khăn, Quang Hải lại càng thể hiện được chất "ngông" và những gì tinh hoa nhất của mình.
Suy cho cùng, Quang Hải thành công ở nước ngoài chính là viễn cảnh mà người yêu bóng đá Việt Nam đều mong muốn. Vừa để nâng tầm một tài năng hiếm có, vừa để xóa đi cái dớp của cầu thủ Việt mỗi khi đi "xa nhà".