Trong thời đại truyền thông mạnh mẽ hiện nay, sự “sành điệu” hay thời trang được xem như cách đánh giá địa vị xã hội của 1 người. Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi nhiều người đặc biệt là các bạn trẻ sử hàng hiệu như một cách để khẳng định tính cách và đôi khi là phô trương sự giàu có của họ. Và có một cụm từ để chỉ điều đó là “văn hoá flex”.
Hiểu một cách đơn giản, văn hóa flex là việc sở hữu xa xỉ phẩm để chứng tỏ độ giàu có của bản thân - bạn có thể mua được những món đồ đắt tiền. Bên cạnh đó, mặc đồ từ nhãn hiệu cao cấp cũng thể hiện địa vị của người sở hữu chúng.
Văn hóa flex nghe có vẻ giống một khái niệm mới, nhưng về cơ bản nó chỉ là một cái tên mới để chỉ chủ nghĩa tiêu dùng phô trương. Thể hiện sự vượt trội của bản thân với những người đồng trang lứa bằng cách mua hàng hóa hoặc dịch vụ mang lại sự giàu có, sành điệu và địa vị xã hội của một người.
“Tôi nghĩ cách mà các thương hiệu cao cấp giúp người trẻ thể hiện địa vị xã hội và hình ảnh chỉn chu của bản thân là động lực để họ khao khát sở hữu chúng. Đôi lúc quyết định sự thành công của họ”, Yakshini Shangkar, một sinh viên 19 tuổi, cho biết.
Yakshini tin rằng những món đồ xa xỉ này có thể đại diện cho thứ mà giới trẻ luôn mơ ước có được từ khi còn nhỏ. Từng khao khát các sản phẩm này, người trẻ có thể cảm thấy mình đã đạt được một dạng thành công khi cuối cùng họ cũng có thể sở hữu được thứ mình mong muốn.
Các yếu tố khác có thể góp phần vào làm cho văn hoá flex phổ biến hơn là mong muốn được người khác công nhận và FOMO (sợ bỏ lỡ). Khi còn trẻ, chúng ta đôi khi cố gắng hòa nhập và nhận được sự đồng tình từ những người xung quanh, ngay cả khi điều đó có nghĩa là ăn mặc theo một phong cách nhất định - đôi khi không phải điều ta thích.
Thêm vào đó là sự cường điệu với các mặt hàng phiên bản limited (giới hạn) như giày thể thao, được coi là những “tác phẩm nghệ thuật” được đánh giá cao theo thời gian. Điều đó khiến giới trẻ đổ xô đi mua để thể hiện bản thân mình dù giá cao hơn rất nhiều so với bản thường mà chất lượng vẫn vậy.
Một trong những câu hỏi lớn nhất mọi người đặt ra là làm thế nào những người trẻ đang đi học vẫn có thể mua được hàng hiệu. Trong hầu hết các trường hợp, có vẻ họ đã đi làm thêm rất nhiều và tích luỹ để có thể tự mua những món đồ này.
Điều thú vị là phần đa người trẻ được phỏng vấn trong bài này đều không phản đối việc chi tiêu vào những món hàng xa xỉ, nếu lý do mua hàng là chính đáng.
Valerie Foo, 19 tuổi, hiện đang là sinh viên cho biết: “Không sao khi chúng ta muốn làm cho mình hạnh phúc và đối xử tốt với bản thân bằng cách mua những món đồ yêu thích. Nhưng không phải khi nào, mình có đủ tài chính đủ tốt để chạy theo văn hoá flex”.
Haziq Darwisy, 22 tuổi, cũng có quan điểm tương tự. Chàng sinh viên cho rằng, tiêu nhiều cũng không sao. Hầu hết mọi người chi tiêu cho những thứ này để tự thưởng cho bản thân hoặc chiều chuộng những người thân yêu của họ.
“Mình nghĩ vấn đề ở đây có thể là lý do đằng sau việc chi tiêu - đôi khi là để khoe khoang trên mạng xã hội hay vì sự chân thành? Việc vung ra một số tiền lớn như vậy nên được suy nghĩ thấu đáo - Bạn có thật sự cần nó? Bạn đã muốn nó bao lâu rồi? Khi nào bạn sẽ sử dụng món đồ đó? Những phần thưởng dành cho sự kiện quan trọng như lần nhận lương đầu tiên, sinh nhật,... là những lý do chính đáng để chi tiêu".
Mặc dù không có gì sai khi tiêu tiền của riêng mình cho những thứ bạn thích, nhưng một bộ phận giới trẻ tin rằng điều quan trọng là phải biết khi nào mình nên dừng lại. Nếu việc mua hàng xa xỉ chỉ khiến bạn rơi vào tình thế không mong muốn về tài chính, có lẽ bạn nên cân nhắc việc tạm dừng những chi tiêu đó.
Trong khi có những người mua hàng hiệu với mục đích duy nhất là "flex", cũng có một bộ phận thực sự ủng hộ những thương hiệu xa xỉ này. Những người này trông chờ các nhà thiết kế và cập nhật bộ sưu tập theo mùa cũng giống như cách fan hâm mộ bóng đó theo dõi các trận đấu mà đội họ yêu thích thi đấu.
Chẳng hạn như chuyên gia thể hình Muhammad Aqil, 23 tuổi, người tin rằng chi tiêu cho các thương hiệu xa xỉ là phần thưởng cho sự chăm chỉ của mình hơn là để khoe khoang. “Tôi thích chi tiêu cho các thương hiệu cao cấp vì tôi đánh giá cao chất lượng cũng như kiểu dáng từ các nhà thiết kế nổi tiếng. Ngoài ra còn có cảm giác hài lòng khi tôi làm việc chăm chỉ cho một điều gì đó giống như thành tựu vậy”.
Việc sử dụng các thương hiệu xa xỉ không phải lúc nào cũng vì văn hoá flex. Trên thực tế, một số người sở hữu chúng như một sự đánh giá cao đối với những thương hiệu này hoặc như một phần thưởng cho chính họ. Vì vậy, nếu sở hữu một thương hiệu xa xỉ khiến bạn hài lòng thì bạn không cần phải cảm thấy tồi tệ khi phô trương nó.
Mặt khác, đừng lo lắng rằng bản thân đang bị bỏ lại khi không thể mua những món hàng xa xỉ. Chuyện người khác đang mặc hay mua gì không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn. Sắm những thứ bản thân thích và hãy hạnh phúc theo cách bạn cảm nhận chứ không phải từ ánh nhìn từ người khác.
Ảnh: Tổng hợp