Uống nhầm chất tẩy rửa, bệnh nhân bị bỏng, hẹp thực quản

Linh Chi, Theo VTV 22:10 27/08/2019

Nhập viện cách đây 4 tháng, nam thanh niên 20 tuổi ở Đà Nẵng uống nhầm chất tẩy rửa và được điều trị. Tuy nhiên, hóa chất gây bỏng, hình thành sẹo làm hẹp lòng thực quản.

Uống nhầm chất tẩy rửa, bệnh nhân bị bỏng, hẹp thực quản - Ảnh 1.

Bệnh nhân T.V.N (20 tuổi, trú tại Đà Nẵng) đến khám tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng trong tình trạng nuốt khó, nuốt nghẹn, đặc biệt là các thức ăn cứng. Kết quả nội soi dạ dày và chụp X-quang thực quản có cản quang cho thấy: bệnh nhân bị hẹp khít thực quản đoạn cổ, kéo dài một đoạn 20mm.

Khai thác tiền sử bệnh, bệnh nhân cho biết: Cách đây khoảng 4 tháng anh có uống nhầm chất tẩy rửa và đã điều trị. Tuy nhiên, chính hóa chất này đã gây bỏng thực quản và qua thời gian đã hình thành sẹo làm hẹp dần lòng thực quản, cản trở lưu thông, vận chuyển thức ăn dẫn đến khó nuốt.

Các bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân nhập viện và giải pháp điều trị bằng nội soi nong hẹp thực quản bằng bóng.

Tiến hành can thiệp, các bác sĩ thấy: tình trạng hẹp khít và hẹp ngay đoạn thực quản cao. Trải qua 1 giờ, ekip nội soi đã thực hiện nong thực quản thành công. Hiện sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, nuốt được dễ dàng, không có các dấu hiệu nguy hiểm.

Theo ThS.BS Nguyễn Anh Tuyến, Trưởng Khoa Nội II, bỏng thực quản là tình trạng thực quản bị tổn thương, có thể dẫn đến thủng thực quản do tác động của nhiệt hoặc các hóa chất ăn mòn. Bệnh có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn do nuốt hoặc uống nhầm hóa chất có tính acid, kiềm mạnh.

Bỏng thực quản có thể chỉ gây tổn thương nhẹ lớp niêm mạc lòng thực quản dễ lành nhưng cũng có thể gây di chứng hẹp thực quản, thủng thực quản. Nong thực quản là phương pháp điều trị thích hợp nhất cho hẹp thực quản do sẹo sau bỏng.

Để phòng tránh nguyên nhân gây ra bỏng thực quản, người dân cần đặc biệt lưu ý:

- Đối với trẻ em: cần làm nguội đồ ăn, thức uống trước khi cho trẻ ăn. Giữ trẻ em tránh xa, không tiếp xúc với các loại hóa chất, chất tẩy rửa…

- Cất giữ hóa chất cẩn thận để tránh nhầm lẫn (có nhãn, chai đựng riêng biệt, dễ phân biệt, hoặc cất nơi riêng).

- Trong trường hợp uống nhầm chất gây bỏng thì nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để được cấp cứu và điều trị kịp thời, giảm biến chứng và tỷ lệ thương tật do bỏng gây ra.