Tỷ lệ người trẻ mắc bệnh này ngày càng cao mà ít ai nhận thức được mình đang mắc bệnh

Đoan Trang, Theo Trí Thức Trẻ 19:24 15/04/2017

Căn bệnh này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sống mà nếu để quá nặng không chữa trị có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Bệnh suy giãn tĩnh mạch chân là tình trạng suy yếu chức năng của các tĩnh mạch ở chân cản trở việc lưu thông máu, gây ứ đọng máu ở phần thấp của chân và lan lên dần.

Căn bệnh này xảy ra ở cả nam và nữ, trong đó nữ chiếm đa số và đang ngày càng trẻ hóa. Nguy hiểm hơn là ít ai nhận biết được mình đang mắc bệnh vì triệu chứng bệnh dễ nhầm lẫn với mỏi chân, đau cơ, viêm khớp... Và khi để bệnh tình trở nặng thì việc điều trị bệnh sẽ vô cùng khó khăn.

Những ai có nguy cơ mắc bệnh?

Những người thường xuyên đứng một chỗ trong thời gian lâu, ngồi liên tục nhiều giờ mà không đi lại thư giãn, ít vận động, lười thể thao... đều có nguy cơ cao mắc bệnh. Đây là thói quen mà phần đông giới trẻ ngày nay đang mắc phải. 

Tỷ lệ người trẻ mắc bệnh này ngày càng cao mà ít ai nhận thức được mình đang mắc bệnh - Ảnh 1.

Một người bị giãn tĩnh mạch

Triệu chứng theo từng giai đoạn

Triệu chứng ban đầu: ngứa râm ran chân, mỏi chân, đau chân, nặng chân khi đứng lâu, ngồi nhiều. Tuy nhiên, nhiều người lại không chú tâm vì cứ nghĩ do mang giày chật hoặc đi cả ngày nên mỏi chân.

Triệu chứng tiếp theo: các mạch máu nổi rõ trên da thành từng búi, bị phù ở mắt cá hoặc bàn chân, khi mang  giày hoặc dép có cảm giác chật hơn bình thường. Không chỉ vậy, màu sắc da sẽ bị đổi, đen sậm hơn.

Triệu chứng ở giai đoạn nặng: xuất hiện vết loét trên chân, vết loét ngày càng to và sâu, kèm theo nhiều vết loét nhỏ bao quanh.

Tỷ lệ người trẻ mắc bệnh này ngày càng cao mà ít ai nhận thức được mình đang mắc bệnh - Ảnh 2.

Biến chứng nguy hiểm

Bệnh suy giãn tĩnh mạch chân nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tình trạng giãn to toàn bộ hệ tĩnh mạch chân, chân bị viêm loét, nhiễm trùng gây đau đớn và rất khó chữa.

Nặng hơn, thì bệnh dễ dẫn đến biến chứng như hình thành cục máu đông trong lòng tĩnh mạch giãn, có thể lan lên phổi gây tắc động mạch phổi, có thể dẫn đến tử vong.

Tỷ lệ người trẻ mắc bệnh này ngày càng cao mà ít ai nhận thức được mình đang mắc bệnh - Ảnh 3.

Bệnh có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng những cách sau:

- Kiểm soát cân nặng vì trọng lượng quá tải sẽ tạo áp lực lên đôi chân làm tăng nguy cơ  mắc bệnh.

- Nếu tính chất công việc bắt buộc ngồi nhiều thì sau 1 tiếng nên đứng dậy đi lại cho máu lưu thông. Đặc biệt, các bạn cũng cần tránh ngồi bắt chéo chân.

- Đừng mang giày quá cao và mặc quần quá bó sát để máu lưu thông dễ dàng hơn và hạn chế tắc nghẽn.

- Tập thể thao thường xuyên đặc biệt các môn đi xe đạp, bơi lội, đi bộ,… sẽ giúp cải thiện lưu thông máu ở chân, ngăn ngừa bệnh hiệu quả.