Từ phát ngôn gây tranh cãi của Jin (BTS), rốt cuộc ai mới là “người mở đường” chân chính cho Kpop?

KLinh, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 19/04/2019
Chia sẻ

Để biết ai là người mở đường cho Kpop, cần xét đến tầm ảnh hưởng của BTS và những nghệ sĩ này ở từng thị trường và các góc độ khác nhau.

Từ lâu cộng đồng mạng vẫn luôn có ý kiến trái chiều về quan niệm "người mở đường" cho Kpop ở các thị trường âm nhạc. Mới đây, Jin (BTS) còn gây tranh cãi trong chính cộng đồng fan nhóm khi cho rằng nhờ công mở đường của các tiền bối của nhóm mà họ có chỗ đứng hôm nay, đi ngược lại quan điểm của một số fan rằng BTS mới là người đặt nền móng cho thành công của họ và dọn lối cho những nghệ sĩ Kpop khác.

Từ phát ngôn gây tranh cãi của Jin (BTS), rốt cuộc ai mới là “người mở đường” chân chính cho Kpop? - Ảnh 1.

Jin gây tranh cãi trong cộng đồng fan BTS vì cho rằng chính các tiền bối khác đã có công mở đường chứ không phải nhóm

Nhưng nếu nhìn sâu hơn vào vấn đề, có thể thấy công mở đường cho Kpop chẳng thuộc về riêng ai. Qua từng thời kì, ở từng thị trường mà Kpop thống trị và nâng tầm ảnh hưởng như Hàn, Nhật, Mỹ mà vai trò này thay đổi. Ở một góc độ nào đó, BTS cũng có thể hoàn toàn được coi là người mở đường nhờ cống hiến của họ.

Người mở đường cho Kpop ở Hàn Quốc

Nhiều ý kiến cho rằng nếu không có Seo Taiji & Boys thì Kpop sẽ chẳng có ngày hôm nay. Nhóm ra mắt năm 1992, gồm 3 thành viên Seo Taiji, Lee Juno và Yang Hyunsuk. Thành công của họ được xem là dấu mốc mở đường cho sự ra đời của mô hình nhóm nhạc và văn hóa thần tượng.

Từ phát ngôn gây tranh cãi của Jin (BTS), rốt cuộc ai mới là “người mở đường” chân chính cho Kpop? - Ảnh 2.

Seo Taiji & Boys là nhóm nhạc Kpop đầu tiên

Sở dĩ Seo Taiji được coi là người mở đường cho Kpop tại chính quê hương Hàn Quốc bởi trước đó âm nhạc ở đất nước này bị kiểm soát nên không ai thử sức với những những dòng nhạc phổ biến trên thế giới như Hiphop, R&B,… Chính Seo Taiji & Boys là những người đầu tiên đưa Rap, Hiphop pha lẫn với Pop kiểu Mỹ lên sân khấu, các ca khúc của họ cũng nói về những vấn đề xã hội, tạo nên trào lưu hiện đại cho Hàn Quốc.

Mô hình hoạt động mới mẻ và âm nhạc tiên tiến của nhóm đã thổi một luồng gió mới vào âm nhạc Hàn Quốc thời bấy giờ, không những giúp họ trở thành 1 trong các nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng bậc nhất mà còn dọn đường cho sự ra đời của những nhóm nhạc thế hệ thứ nhất đình đám như H.O.T, Sechskies,…

Người mở đường cho Kpop ở Nhật Bản

Nhật Bản là thị trường âm nhạc lớn thứ 2 thế giới, tuy nổi tiếng khép kín nhưng là mảnh đất màu mỡ các công ty và nghệ sĩ Kpop vẫn luôn mong chinh phục vì lợi nhuận cao. Nhắc đến người mở đường ở thị trường này là nhắc đến BoA và DBSK.

BoA là đại diện sớm nhất của Kpop xuất hiện tại xứ sở Hoa anh đào. Ngay với album debut bằng tiếng Nhật "Listen to My Heart" (2002), cô đã đạt chứng nhận RIAJ dành cho sản phẩm tiêu thụ trên 1 triệu bản và được đón nhận nhiệt tình ở Nhật Bản. BoA cũng là nghệ sĩ nước ngoài duy nhất có 3 album doanh số trên triệu bản ở Nhật và là 1 trong 2 nghệ sĩ có 6 album liên tiếp có mặt trên Oricon – BXH uy tín nhất nước này kể từ khi debut.

Từ phát ngôn gây tranh cãi của Jin (BTS), rốt cuộc ai mới là “người mở đường” chân chính cho Kpop? - Ảnh 3.

BoA là người mở đường cho làn sóng Hallyu ở Nhật

Nếu BoA là nghệ sĩ solo Kpop đầu tiên bứt phá ở Nhật Bản thì tiếp nối cô, DBSK chính là người mở đường cho những nhóm nhạc sau này. Không giống như các thần tượng khác phát hành sản phẩm tiếng Nhật như phiên bản song song, DBSK quyết tâm gác lại hào quang ở Hàn, quyết tâm chinh phục thị trường này từ con số 0, thậm chí còn thay đổi cả tên gọi thành THSK để được công nhận như 1 nhóm nhạc Nhật đích thực.

Từ những concert vắng người, số lượng khán giả Nhật công nhận DBSK ngày một nhiều và tới tháng 7/2009, họ là nhóm nhạc Kpop đầu tiên được tổ chức concert ở Tokyo Dome – nơi được coi là "thánh đường" âm nhạc ở Nhật. Sau DBSK, ngày càng có nhiều nhóm nhạc được biểu diễn ở Tokyo Dome, khiến việc tiến vào các sân vận động mái vòm không còn là điều bất khả thi với nghệ sĩ Kpop.

Từ phát ngôn gây tranh cãi của Jin (BTS), rốt cuộc ai mới là “người mở đường” chân chính cho Kpop? - Ảnh 4.

Nhờ DBSK mở đường biểu diễn ở Tokyo Dome mà các nhóm nhạc Kpop khác có cơ hội tiến vào "thánh đường" âm nhạc ở Nhật

BTS và các nghệ sĩ tiền bối – ai mới là người mở đường ở US-UK?

Kpop đã manh nha xuất hiện ở thị trường US-UK từ công cuộc Mỹ tiến của các nghệ sĩ Kpop cuối những năm 2000. Tuy nhiên nếu các ca sĩ, nhóm nhạc tiền bối như Wonder Girls, PSY,… mở cánh cửa đến Mỹ nhưng rồi đóng lại ngay sau đó thì BTS lại một lần nữa mở được cánh cửa này, thành công lọt vào thị trường âm nhạc lớn nhất thế giới và giang rộng nó để tạo cơ hội cho các nhóm nhạc Kpop khác.

Wonder Girls, BoA, Se7en, Bi Rain là những nghệ sĩ từng Mỹ tiến, được biểu diễn ở một số sự kiện lớn và thậm chí lọt vào BXH Billboard nhưng sức ảnh hưởng của họ ở thị trường này không cao, thứ hạng các sản phẩm đều nhanh chóng "chìm nghỉm" chẳng nhận được phản ứng tích cực của công chúng.

Từ phát ngôn gây tranh cãi của Jin (BTS), rốt cuộc ai mới là “người mở đường” chân chính cho Kpop? - Ảnh 5.

Wonder Girls từng là nhóm nữ Kpop đầu tiên lọt vào BXH Billboard Hot 100 nhưng sau đó sự nghiệp Mỹ tiến không hề tiến triển

PSY có thể xem như người mang lại ảnh hưởng nhiều nhất ở Âu Mỹ trước BTS. Ca khúc "Gangnam Style" của anh đã trở thành hiện tượng, là MV tỉ view đầu tiên của 1 nghệ sĩ Hàn và đạt vị trí thứ 2 trên Billboard Hot 100 - thành tích cao nhất của các ca khúc Kpop trên BXH tính đến nay. Đáng tiếc là "Gangnam Style" lại không được nhìn nhận nghiêm túc ở góc độ âm nhạc mà được coi là sản phẩm giải trí, gây ấn tượng vì sự hài hước nhiều hơn. Những ca khúc khác của PSY về sau không thể vượt qua cái bóng của siêu hit này ("Daddy" còn chỉ đạt hạng 97 trên Hot 100), danh tiếng của nam ca sĩ cũng dần giảm sút tại xứ Cờ Hoa.

Từ phát ngôn gây tranh cãi của Jin (BTS), rốt cuộc ai mới là “người mở đường” chân chính cho Kpop? - Ảnh 6.

Cảnh cửa Mỹ tiến cũng đóng lại với PSY khi các ca khúc sau không vượt qua được "Gangnam Style"

Kể từ sau Wonder Girls, PSY,… sức ảnh hưởng của Kpop ở thị trường US-UK gần như chững lại cho đến khi BTS xuất hiện. BTS không nổi ở thị trường US-UK theo dạng "one hit wonder" (người gây tiếng vang với đúng 1 ca khúc) mà các thành tích của nhóm được duy trì liên tục từ năm 2017 đến nay, album sau đều phá kỉ lục của sản phẩm âm nhạc trước.

BTS không chỉ là nhóm nhạc Hàn đầu tiên nhận giải thưởng Top Social Artist ở lễ trao giải Billboard Music Awards mà còn 2 lần no.1 Billboard 200. Họ cũng xuất hiện trên những TV show lớn của Mỹ như Good Morning America, The Ellen DeGeneres Show hay mới nhất là Saturday Night Live. Điều này chứng tỏ nhóm có sức ảnh hưởng lớn, đủ để nhà đài mời lên những chương trình có tỉ suất người xem cao.

Từ phát ngôn gây tranh cãi của Jin (BTS), rốt cuộc ai mới là “người mở đường” chân chính cho Kpop? - Ảnh 7.

BTS "gây bão" ở Mỹ vì âm nhạc thứ hạng cao và ổn định, lại liên tục dành giải thưởng ở những lễ trao giải danh giá

Những "lần đầu tiên" của BTS đã khiến Kpop ở Mỹ được đánh giá cao hơn rất nhiều và tạo cơ hội cho những nghệ sĩ đồng hương. Sau BTS, rất nhiều nhóm nhạc như BLACKPINK, NCT 127,… được lên show Mỹ, kí hợp đồng với các hãng thu âm của nước này. Thứ hạng của họ trên Billboard cũng tiến xa vượt bậc.

Sức ảnh hưởng của Kpop ở quốc tế còn thể hiện ở bảng xếp hạng Social 50: cách đây 2 năm, chỉ có BTS "chinh chiến" cùng các sao ngoại nhưng tới năm 2018, tên tuổi các nghệ sĩ Kpop xuất hiện ngày càng nhiều. Nhờ đó mà GOT7 và EXO lần đầu được đề cử ở giải thưởng Top Social Artist thuộc lễ trao giải Billboard Music Awards năm nay.

Từ phát ngôn gây tranh cãi của Jin (BTS), rốt cuộc ai mới là “người mở đường” chân chính cho Kpop? - Ảnh 8.

Bảng xếp hạng Social 50 năm 2017 (trái) chỉ có mình BTS nhưng 1 năm sau đã xuất hiện các nhóm Kpop khác

Đến những nghệ sĩ Kpop kì cựu còn phải thừa nhận nhờ BTS, Kpop đã có chỗ đứng vững chắc ở Mỹ hơn trước rất nhiều. Sunmi (cựu thành viên Wonder Girls) – một trong những nhóm nhạc tiên phong Mỹ tiến khi được hỏi về công lao mở đường của cô cũng như Wonder Girls giúp Kpop có danh tiếng toàn cầu bây giờ đã nhanh chóng bác bỏ và khẳng định đó là nhờ BTS.

Từ phát ngôn gây tranh cãi của Jin (BTS), rốt cuộc ai mới là “người mở đường” chân chính cho Kpop? - Ảnh 9.

Sunmi từng thừa nhận công lao đặt nền tảng cho Kpop ở Mỹ của BTS

BTS còn được đánh giá cao hơn các nhóm nhạc tiền bối trong công cuộc đem Kpop ra thế giới khi không chỉ lọt vào top các BXH ở Mỹ, nhóm còn thâm nhập thành công vào thị trường Châu Âu khó tính. Năm 2018, nhóm làm nên lịch sử khi là nhóm nhạc Kpop đầu tiên lọt vào Top 40 BXH Single Chart của Anh. Với album mới nhất "Map of the Soul: Persona", BTS được dự đoán sẽ lập kỉ lục là nghệ sĩ Kpop đầu tiên đạt no.1 BXH Official Albums của xứ sở sương mù.

Từ phát ngôn gây tranh cãi của Jin (BTS), rốt cuộc ai mới là “người mở đường” chân chính cho Kpop? - Ảnh 10.

BTS có thể không phải là những người đầu tiên Mỹ tiến, nhưng thành tựu của họ đã tạo cơ hội cho các nghệ sĩ khác công phá thị trường US UK nên cũng chẳng ngoa khi nói 7 chàng trai là những người mở đường cho các nhóm nhạc cùng thời và thế hệ kế cận ở Âu Mỹ

Tạm kết

Tùy từng thời kì và thị trường âm nhạc mà Kpop lại có đại diện mở đường khác nhau. Nhưng trường hợp của BTS và các nghệ sĩ như Wonder Girls, PSY,… ở Âu Mỹ lại đặc biệt hơn vì chỉ khi 7 chàng trai nổi tiếng ở trời Tây, nhiều nhóm nhạc khác mới có cơ hội thâm nhập thị trường này. BTS có thể không phải những người đầu tiên đặt nền móng cho âm nhạc Hàn Quốc ở Mỹ, nhưng thành tựu của họ đã dọn dẹp những chông gai từng khiến đàn anh chịu thua để các nghệ sĩ cùng thời có bước đường bằng phẳng, thông thoáng hơn.

Dù có người đến trước, kẻ đến sau nhưng đặt trên những hệ quy chiếu khác nhau, những ca sĩ, nhóm nhạc nêu trên đều đã làm tốt vai trò "người mở đường" của mình. Bởi xét cho cùng, nhờ sự cống hiến của từng lớp nghệ sĩ mà âm nhạc Hàn Quốc mang một diện mạo mới và phổ biến toàn cầu như ngày hôm nay.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày