Trong điện ảnh, bên cạnh những diễn viên kì cựu, một đối tượng diễn viên rất được chú ý, đó chính là các bé diễn viên nhí. Ở các em toát lên những sự thuần khiết và trong sáng, thậm chí có một chút bản năng trong diễn xuất. Suốt theo chiều dài lịch sử điện ảnh Việt Nam, đã có không biết bao nhiêu cái tên nhí vụt sáng, dù một vài lần hoặc là trở thành diễn viên chuyên nghiệp sau này.
Đó là diễn viên Lan Hương với vai diễn em bé Hà Nội trong bộ phim cùng tên vào năm 1974. Đó là một loạt những diễn viên thuộc thế hệ 8x, đầu 9x như Ngọc Trai, Anh Đào, Vũ Long trong Kính Vạn Hoa… Hay quen thuộc hơn, đó là thế hệ các diễn viên nhí có màn chào sân khi chỉ mới 9-10 tuổi như: Thanh Mỹ, Kim Thư, Ku Tin, Duy Anh… Gần đây nhất chính là sự xuất hiện của hai bé Hữu Khang và Chu Diệp Anh trong bộ phim Chú Ơi Đừng Lấy Mẹ Con.
Dàn diễn viên nhí của phim Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh
Cũng như bao diễn viên khác, khi các em nhận lời cho một vai diễn, ấy cũng là lúc đôi vai bé nhỏ của các em gánh thêm hàng ngàn những gánh nặng. Không chỉ là sự thử thách về sức khoẻ khi phải lăn lộn ở phim trường, lịch sinh hoạt bị đảo lung tung hết cả. Mà còn là sự thách thức với nỗ lực học tập văn hoá của các em khi thường xuyên phải nghỉ học để theo được lịch trình đoàn. Thế nhưng, khó khăn lớn nhất vẫn là gánh nặng đến từ truyền thông. Các em chưa thể nào đủ bản lĩnh để nhắm mắt làm ngơ trước những lời chê bai, thậm chí miệt thị đến từ những người lớn tuổi hơn mình.
Nếu nhận xét thì điểm thú vị của các em chính là sự hồn nhiên và chân thật trong diễn xuất. Cũng chính vì điều này mà nhiều khi các em không kiểm soát được nội tâm hay điều khiển được cơ mặt, biểu cảm hoàn hảo như mong muốn. Thế nhưng khoan ngợi khen hay chê bai, hãy thử nhìn lại nỗ lực của các em để bộ phim được hoàn thành. Đồng thời cũng phải nhận định rằng, việc các em đánh đổi tuổi thơ bình thường để sống với đam mê diễn xuất chính ra lại lợi bất cập hại.
Đi đóng phim là một thử thách với sức khoẻ
Đóng phim không phải câu chuyện đùa, càng không phải chuyện một hai người mà có thể du di lịch quay theo bất cứ thành viên nào (trừ khi có trường hợp bất khả kháng về thời tiết, sức khoẻ diễn viên…). Mỗi phút trên phim trường đều là tiền của biết bao đơn vị đổ ra nên không thể hoang phí được. Trong chia sẻ của rất nhiều diễn viên, để tuân theo đúng lịch quay và tiết kiệm chi phí họ và ekip phải chấp nhận cả tuần trời chịu cảnh màn trời chiếu đất, những giấc ngủ tranh thủ, những bữa ăn khẩn trương.
Bé Duy Anh trong phim Khi Con Là Nhà
Với người lớn, đó đã là điều khó khăn. Vậy với các em nhỏ, khi sức đề kháng còn kém, thể lực còn chưa đủ, và nhất là khả năng chịu đựng không nhiều, thử nghĩ xem phải cần bao nhiêu nỗ lực các em mới có thể hoàn thiện được vai diễn của mình? Đó là còn chưa kể đến khi đi quay ngoại cảnh, dù ở nhà có là lá ngọc cành vàng thì ra đến phim trường, các em vẫn phải dầm mưa dãi nắng, thậm chí đi chân đất trên những mặt đất đầy sỏi, côn trùng… Chắc chắn ekip vẫn có những phương án để bảo vệ sức khoẻ cho các em, nhưng thế nào thì vẫn phải đảm bảo được yêu cầu của bộ phim.
Các con lăn lộn với phim trường, ba mẹ vất vả với bài vở
Như đã nói ở trên, lịch quay là một chuyện rất quan trọng. Khi tham gia đóng phim, chắc chắn sẽ có nhiều ngày các em phải xin nghỉ học ở trường để hoàn thiện vai diễn. Và để cho học lực bản thân không bị đuối quá so với các bạn, các em buộc phải học gián tiếp. Sẽ có những giáo viên đủ thời gian và đủ tận tâm để kèm riêng các em sau giờ lên lớp, hoặc đa phần các em sẽ phải tự học, hoặc học qua lời giảng của ba mẹ.
Nhưng hãy nhìn vào thực tế giáo dục xem. Thử hỏi mỗi ngày chúng ta lại tiếp nhận thêm biết bao kiến thức và phương pháp học tập mới? Những điều ba mẹ đã từng được học cách đây cả chục năm cho đến hiện tại là không đủ để truyền đạt được cho các con nếu như không phải người theo chuyên ngành sư phạm, giáo dục. Và như vậy, khi các con đang lăn lộn với từng góc máy, ba mẹ vừa phải lo công việc tại văn phòng, rồi lo cho sức khoẻ của những thiên thần nhí, đồng thời cũng phải "học lại" theo sách giáo khoa để sau còn dạy để con mình, đảm bảo được kiến thức của con sẽ theo kịp các bạn khi quay lại trường học.
Bé Hà My và bé Minh Khang trong Cô Gái Đến Từ Hôm Qua
Bản lĩnh của các em trước lựa chọn: Hoàn thiện học vấn hay đi theo tiếng gọi đam mê
Đã có những diễn viên nổi lên từ khi còn nhỏ, rồi mải chạy show mà lơ đãng việc học dẫn đến bỏ học hoặc bị buộc thôi học. Điển hình và quen thuộc nhất với khán giả có lẽ là Angela Phương Trinh. Từ một cô lớp trưởng có thành tích học tập tốt suốt những năm cấp 1, việc học của Trinh sa sút nhanh chóng vì mải đi diễn.
Bảng điểm của Angela Phương Trình thời còn đi học
Thế mới thấy, việc ba mẹ đốc thúc các diễn viên nhí học hành cũng chỉ được phần nào. Điều cốt yếu vẫn ở quyết định của các em. Tiếp tục hoàn thiện những năm học phổ thông rồi lên cao hơn với mức điểm tốt, khá hay trung bình, hoặc bỏ ngang để đi theo tiếng gọi đam mê là chuyện không thể nào ba mẹ có thể ép các em được. Trong khả năng của mình, ba mẹ chỉ có thể động viên và giải thích cho các em điều gì là quan trọng, đồng thời giúp các em cân bằng được quỹ thời gian và năng lượng của mình.
Khán giả hãy nghiêm khắc, chứ đừng cay nghiệt với các em!
Dù là ai, dù ở lĩnh vực nào, trước khi muốn giỏi thì vẫn phải đi qua giai đoạn học hỏi và thay đổi bản thân. Không thể ngay ở những bước đầu tiên đã hoàn hảo được. Hiểu được điều này, hy vọng khán giả hãy dùng cái nhìn nghiêm khắc để đánh giá các diễn viên nhí, chứ đừng cay nghiệt với các em. Nghiêm khắc để chỉ cho các em rằng chúng cần sửa ở đâu, cần ý thức bản thân như thế nào. Nghiêm khắc không có nghĩa là chê thẳng rằng "diễn chán thế", "diễn chán chẳng ai gọi đi đóng phim nữa đâu"… Bởi các em còn quá nhỏ, bản lĩnh đối mặt với truyền thông hoàn toàn bằng không. Khi người lớn nói "chẳng ai gọi đi đóng phim nữa", chúng sẽ hoàn toàn tin như thế thật. Nếu không được ba mẹ "hoá giải" tâm lý, lũ trẻ sẽ chỉ đối diện với những thông tin đó một cách tiêu cực, mà điển hình như Hữu Khang – cậu bé Nhện đáng yêu trong Chú Ơi Đừng Lấy Mẹ Con. Chỉ vì một tin nhắn tình cờ xem được trong điện thoại của ba mà cậu đã suy sụp tinh thần, khóc nguyên một đêm để rồi phải nhập viện.
Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ vừa xót cho bé Hữu Khang, vừa bức xúc trước thái độ của khán giả
Có thể sẽ có ý kiến cho rằng, Hữu Khang chỉ là một trường hợp hy hữu. Thế nhưng chẳng phải, chỉ cần một trường hợp tiêu cực trong hàng tỉ trường hợp tích cực xảy ra thì đều khiến các bậc làm cha mẹ phải đắn đo hay sao. Bố mẹ nào cũng vậy, dù có nghiêm khắc với các con ra sao, thì cũng không thể phủ nhận rằng họ yêu và luôn muốn bảo vệ con trước những điều không hay của cuộc sống. Chẳng bố mẹ nào chấp nhận chuyện con trải qua đủ mọi khó khăn để hoàn thành vai diễn, rồi nhận lại những lời cay nghiệt đến từ những người không có chuyên môn. Rồi đây, sẽ có bao nhiêu bố mẹ đắn đo khi được nhận lời đề nghị để con tham gia đóng phim?
Với những đứa trẻ, nghiêm khắc sẽ giúp chúng trưởng thành. Còn cay nghiệt chỉ làm thui chột đi tài năng và bào mòn sự tự tin của chúng. Là người lớn, hãy cư xử để hành động tỉ lệ thuận với sự phát triển của não bộ, đừng chỉ làm những đứa trẻ to xác!
Tạm kết
Khi các nhà sản xuất và đạo diễn quyết định lựa chọn diễn viên nhí là một phần trong tác phẩm của mình, cũng là khi họ hy vọng nhận được sự đón nhận công bằng và văn minh từ khán giả. Bởi để các em lên phim, lợi cho phim một thì hại cho các em mười phần. Cả ekip, gia đình, thậm chí chính các em cũng thấu hiểu điều này. Khi đã trở thành gương mặt của công chúng, các em không thể được sống đúng với lứa tuổi của mình như bao bạn bè khác: sẽ phải ý tứ hơn, giữ hình ảnh hơn và cả ngàn chuyện khác bị kéo theo. Nhưng các em vẫn lựa chọn những cái hại đó để cống hiến hết mình cho khán giả, thì các em không đáng bị chỉ trích cay nghiệt như vậy!