Phòng thí nghiệm dịch tả lợn châu Phi Quốc gia của Viện Nghiên cứu Thú y Cáp Nhĩ Tân thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc mới đây đã đăng tải một báo cáo trực tuyến trên Tạp chí “SCIENCE CHINA Life Sciences” cho hay, các biến thể mới của virus dịch tả lợn châu Phi tại nước này được phát hiện sau một cuộc điều tra dịch tễ học và giám sát trong vòng nửa năm, từ tháng 6 - 12/2020 tại 5 tỉnh gồm: Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh, Nội Mông và Thiểm Tây.
Kết quả cho thấy, đã tồn tại ít nhất 4 loại biến thể trở lên của virus gây ra dịch tả lợn châu Phi. Mặc dù khả năng gây bệnh của biến thể thấp hơn hẳn loại virus độc lực mạnh điển hình nhưng vẫn tồn dư lượng độc lực rõ rệt và có khả năng lây truyền rất mạnh. Các loại biến thể này rất có thể đã lây lan rộng trong đàn lợn, khiến lây nhiễm kéo dài thành mãn tính, thậm chí tử vong.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, tình trạng này gây trở ngại lớn cho việc chẩn đoán sớm và tạo ra thách thức mới trong việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi, cần hết sức coi trọng cũng như hoạch định và thực thi các sách lược ứng phó.
Trung Quốc xuất hiện dịch tả lợn châu Phi hồi tháng 8/2018 và kéo dài tới tận năm 2020. Đã có hàng triệu con lợn tại nước này chết vì dịch, gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi, khiến giá thịt lợn tại Trung Quốc tăng vọt.
Dịch tả lợn châu Phi không lây sang người, nhưng virus gây bệnh có thể ẩn mình vài tháng trong thịt lợn đã qua xử lý và thậm chí vài năm trong thịt lợn đông lạnh.