Trịnh Công Sơn: Phiên bản thanh xuân ngắn gọn và cảm xúc hơn của Em Và Trịnh

Dạ Nguyệt, Theo Trí Thức Trẻ 19:40 11/06/2022

So với Em Và Trịnh, Trịnh Công Sơn chỉ tập trung khắc họa tình yêu và những biến cố thời cuộc của người nhạc sĩ tài hoa khi còn trẻ.

Lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, một bộ phim ra rạp cùng lúc hai phiên bản là Trịnh Công Sơn và Em Và Trịnh. Trịnh Công Sơn là phiên bản ngắn chỉ 90 phút và tập trung vào khoảng thời gian trai trẻ của người nhạc sĩ đa cảm. Do đó, tác phẩm đã thoát được một số điểm yếu của Em Và Trịnh, đồng thời mang đến một câu chuyện gãy gọn và nhiều cảm xúc hơn.

Khác với Em Và Trịnh, nội dung Trịnh Công Sơn mở màn khi Trịnh Công Sơn (Avin Lu) mê mẩn giọng hát của nữ ca sĩ Thanh Thúy (Nhật Linh) ở Sài Gòn vào cuối thập niên 1950. Anh sáng tác cho người đẹp ca khúc Ướt Mi nhưng vẫn không được cô chấp nhận tình cảm. Lúc này, Trịnh Công Sơn quyết định quay về Huế và đem lòng yêu mến nàng Bích Diễm (Lan Thy). Những tình tiết còn lại không có nhiều điểm khác biệt với phiên bản 136 phút.

Trịnh Công Sơn: Phiên bản thanh xuân ngắn gọn và cảm xúc hơn của Em Và Trịnh - Ảnh 1.

Nội dung gãy gọn, cảm xúc

Phiên bản Trịnh Công Sơn đã cắt bỏ hoàn toàn tuyến truyện của Trịnh Công Sơn lúc về già do Trần Lực thể hiện cùng "nàng thơ" người Nhật là Michiko Yoshii (Nakatani Akari). Toàn bộ nội dung phim chính là những đoạn hồi tưởng của nhạc sĩ trong phiên bản Em Và Trịnh được ghép nối lại với nhau và thêm vào những đoạn dẫn truyện. Nhờ đó, tác phẩm thoát khỏi sự lan man khi phải theo dõi hai tuyến truyện cùng diễn ra song song.

Bối cảnh phim và âm nhạc vẫn là điểm nhấn của Trịnh Công Sơn khi xứ Huế thơ mộng những năm 1960 được tái hiện một cảnh nên thơ qua những con đường rợp lá bay hay tòa tháp cổ có tiếng chuông ngân. B’lao (Bảo Lộc) thì hoang sơ, hùng vĩ và buồn miên man như nỗi nhớ nàng Dao Ánh (Hoàng Hà). Sài Gòn chỉ xuất hiện thoáng qua nhưng thấy rõ được sự xô bồ của thành đô vào những năm cuối chiến tranh.

Trịnh Công Sơn: Phiên bản thanh xuân ngắn gọn và cảm xúc hơn của Em Và Trịnh - Ảnh 2.

Đặc biệt, bộ phim có thêm nhiều cảnh quay để nói về nỗi đau và sự cô đơn của Trịnh Công Sơn sau mỗi cuộc tình dang dở. Nếu mỗi ca khúc trong Em Và Trịnh chỉ kéo dài vài chục giây khiến khán giả chưa đủ "đã" thì Diễm Xưa, Mưa Hồng, Còn Tuổi Nào Cho Em có thời lượng dài hơn trong Trịnh Công Sơn với giai điệu da diết và phần hình ảnh nên thơ. Những đoạn dẫn truyện cũng phần nào giúp người xem thấy được sự kết nối trong câu chuyện đời của ông.

Day dứt giữa tình yêu và thời cuộc

Một điểm khác biệt khác giữa Trịnh Công SơnEm Và Trịnh chính là phần ý nghĩa phản chiến đã trở nên rõ nét hơn. Nhóm bạn của Trịnh Công Sơn là Ngô Kha (Samuel An), Bửu Ý (Hà Quốc Hoàng), Định Công (Việt Hưng) và Văn Đỗ (Din Phạm) có nhiều đất diễn hơn cho thấy rõ tác động của thời cuộc. Họ từng là nhóm bạn thân thiết để rồi kẻ trở nên điên dại vì trốn quân dịch, người trở thành nhà giáo cách mạng.

Nếu như trong Em Và Trịnh, việc Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ phản chiến chỉ xuất hiện trong lời nói của Akari một cách gượng gạo thì chi tiết đã mang nhiều ý nghĩa hơn trong Trịnh Công Sơn. Phim cho thấy sự day dứt của người nhạc sĩ trước biến động của thời cuộc. Những ca khúc của ông không đứng về phe nào và đề cao hòa bình, lên án sự tàn khốc của chiến tranh, bom đạn.

Trịnh Công Sơn: Phiên bản thanh xuân ngắn gọn và cảm xúc hơn của Em Và Trịnh - Ảnh 3.

Hình ảnh Trịnh Công Sơn nhìn thấy đất nước tan hoang, người chết phơi thây ngoài đồng, kẻ sống bồng bế nhau bỏ trốn bom đạn, người Việt giết hại lẫn nhau trên chính quê hương với nền nhạc bi ai của Ngày Dài Trên Quê Hương mang đến nhiều cảm xúc. Ông cũng chính là một trong những nhạc sĩ đầu tiên của miền Nam lên tiếng hòa hợp dân tộc với ca khúc Nối Vòng Tay Lớn trên đài phát thanh.

Thiếu vắng tuyến truyện của Michiko, Trịnh Công Sơn cũng mang đến cảm giác day dứt hơn Em Và Trịnh. Chàng nhạc sĩ trẻ theo đuổi nhiều cô gái, có một mối tình khắc cốt ghi tâm nhưng kết quả vẫn chỉ là cô đơn, buồn tủi. Phim khép lại với những hình ảnh những người anh yêu thương đã có một cuộc sống khác nơi xứ người, còn chàng Trịnh vẫn ở lại một mình với những ca khúc bi ai và nhuốm màu tiếc nuối trần gian.

Trịnh Công Sơn: Phiên bản thanh xuân ngắn gọn và cảm xúc hơn của Em Và Trịnh - Ảnh 4.

Vẫn còn đó một vài tiếc nuối

Tuy đã thoát khỏi những điểm yếu của Em Và Trịnh nhưng Trịnh Công Sơn cũng có những điểm chưa tốt riêng. Vì là những cảnh hồi tưởng ghép lại với nhau, phim trở nên rời rạc và như nhiều giai thoại về Trịnh Công Sơn chắp vá lại chứ không phải một câu chuyện hoàn chỉnh. Tác phẩm vẫn chưa thể hiện được hoàn cảnh sáng tác và cảm hứng đằng sau những ca khúc của Trịnh. Những chi tiết bổ sung chưa đủ sức nặng và chiều sâu để khán giả hiểu rõ hơn con người của Trịnh Công Sơn.

Trịnh Công Sơn: Phiên bản thanh xuân ngắn gọn và cảm xúc hơn của Em Và Trịnh - Ảnh 5.

Chấm điểm: 3,5/5

Trịnh Công Sơn là một bản dựng ngắn nhưng tập trung thẳng vào vấn đề chính cụ thể. Phim khắc họa rõ hình ảnh Trịnh Công Sơn trai trẻ với những ca khúc kinh điển về nỗi buồn, tình yêu và thời cuộc. Dẫu vậy, Trịnh Công Sơn nên làm sâu hơn nhiều vấn đề và suy nghĩ của người nhạc sĩ thì sẽ tốt hơn nhiều.

Trịnh Công Sơn: Phiên bản thanh xuân ngắn gọn và cảm xúc hơn của Em Và Trịnh - Ảnh 6.

Nguồn ảnh: Tổng hợp

https://kenh14.vn/trinh-cong-son-phien-ban-thanh-xuan-ngan-gon-va-cam-xuc-hon-cua-em-va-trinh-20220611162822151.chn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày