Thời gian qua, trên địa bàn cả nước, một số đối tượng đã sử dụng chiêu trò thành lập hàng loạt công ty, doanh nghiệp nhưng không hoạt động sản xuất kinh doanh, mà chỉ để mua, bán trái phép hóa đơn nhằm thu lợi bất chính, tiếp tay cho hành vi trốn thuế và chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước, đặc biệt sau thời điểm 1/7/2022, tất cả các doanh nghiệp, đơn vị bắt buộc phải áp dụng hóa đơn điện tử. Lợi dụng điều đó, tình trạng trạng gian lận về hóa đơn ngày càng phức tạp dưới nhiều hình thức đã gây tác hại, không những thất thu cho ngân sách nhà nước mà còn khiến cho công tác quản lý nhà nước về tài chính gặp nhiều khó khăn.
Mới đây, sau nhiều tháng điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ vừa triệt phá đường dây mua bán trái phép hóa đơn điện tử, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức với doanh số hóa đơn điện tử lên đến 25.000 tỉ đồng. Những tờ hóa đơn khống được nhóm đối tượng tự tạo ra để bán cho những đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu mua về sử dụng. Nếu là hóa đơn viết tay như trước đây, số lượng có thể chất đầy căn phòng làm việc của cơ quan điều tra, vì giá trị tiền trên hóa đơn khống đã phát hành trong vụ án là lớn nhất từ trước đến nay.
Qua điều tra, cảnh sát xác định, các đối tượng đã thông qua mạng Zalo để mua 228 công ty có người đại diện theo pháp luật đều sử dụng giấy tờ giả ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước sau đó thiết lập mạng lưới các đối tượng trung gian khoảng trên 400 người tìm kiếm các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu và bán hóa đơn giá trị gia tăng điện tử khống. Qua vụ án này, cơ quan điều tra tiếp tục cảnh báo về lỗ hổng trong việc phát hành hóa đơn điện tử hiện nay để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội.
Thượng tá Bùi Quang Khoa - Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an tỉnh Phú Thọ - cho biết: "Quy định của Nhà nước cho phép thành lập doanh nghiệp trực tuyến qua trang web. Do đó, các đối tượng sử dụng giấy tờ giả dễ dàng thành lập doanh nghiệp ma. Sử dụng giấy tờ giả khiến việc đấu tranh của cơ quan chức năng để làm rõ hành vi phạm tội gặp rất nhiều khó khăn".
Để hợp thức thủ tục thanh toán qua ngân hàng cho các hóa đơn đã bán, 2 đối tượng cầm đầu đã thành lập nhiều công ty tài chính và sử dụng mạng xã hội, Zalo hoạt động, dùng sim rác đăng ký ứng dụng Intenet Banking để "bơm tiền" cho các đối tượng trung gian làm thủ tục thanh toán "quay vòng". Đối với các hóa đơn cần hồ sơ chứng minh nguồn gốc như: đất, cát, sỏi, gỗ, xăng dầu, thực phẩm..., đối tượng đã tự mua 32 con dấu giả của các cơ quan có thẩm quyền để thiết lập các hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa ghi trên các hóa đơn khống. Vì thế, khám xét nơi ở của các đối tượng, Công an tỉnh Phú Thọ đã thu giữ 228 con dấu của các doanh nghiệp bán hóa đơn và 32 con dấu giả các cơ quan chức năng là tang vật hỗ trợ các đối tượng phạm tội.
Theo cơ quan điều tra, đây là chuyên án đấu tranh mua bán hóa đơn khống có doanh số lớn nhất cả nước từ trước đến nay. Hiện cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam 5 đối tượng và đang tiếp tục mở rộng điêu tra, truy xét làm rõ những doanh nghiệp nào, đối tượng nào… đã tiếp tay cho ổ nhóm phạm tội kể trên để tiêu thụ và sử dụng số hóa đơn khống mà chúng đã phát hành.