"Trẻ trâu" phá hoại YouTube sẽ không còn nữa, tất cả là nhờ update kịp thời đúng đắn này

Quang Huy, Theo VNReview 11:25 08/09/2019

Các chủ sở hữu kênh sẽ phải "tự tay" chấp thuận các bản dịch phụ đề video do cộng đồng đóng góp một cách thủ công thì chúng mới được hiển thị công khai.

YouTube đã thay đổi quy định về đóng góp nội dung của cộng đồng sau khi công cụ này bị sử dụng sai mục đích nhằm tiến hành một chiến dịch quấy rối quy mô lớn. Theo quy định mới, các bản dịch được cộng đồng đóng góp cho video sẽ không được xuất bản công khai trên trang cho tới khi chủ sở hữu kênh chấp thuận một cách thủ công. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp ngăn chặn những người dùng "troll" có ý định lạm dụng công cụ này để quấy rối hoặc quảng bá bản thân trên các kênh YouTube phổ biến.

Tính năng dịch phụ đề video dựa vào đóng góp của cộng đồng trước đó từng được kỳ vọng sẽ là một phương thức giúp cho các kênh có lượng fan hoạt động tích cực có thể nhờ vào "lực lượng" này để làm phong phú thêm các bản dịch nội dung của video sang nhiều ngôn ngữ. Chẳng hạn, các fan Việt Nam có thể sẵn sàng chuyển ngữ các tựa đề và phần mô tả video của YouTuber mình thích sang tiếng Việt, giúp cho kênh video của "thần tượng" có thể tiếp cận dễ dàng hơn tới các khán giả ở nước mình mà không cần đến sự hỗ trợ của YouTube hay chủ sở hữu kênh.

Trẻ trâu phá hoại YouTube sẽ không còn nữa, tất cả là nhờ update kịp thời đúng đắn này - Ảnh 1.

Theo hệ thống cũ, các chủ kênh có thể tự mình kiểm tra lại các bản dịch được đóng góp nếu muốn, và cũng có thể vô hiệu hoá tính năng dịch thuật dựa vào cộng đồng đối với một số video hoặc nhóm video cụ thể. Song, đa số các nhà sáng tạo nội dung không cảm thấy có gì nguy hại từ tính năng này và thường đơn giản kích hoạt nó để cho phép các bản dịch được đăng tải "thoải mái" mà không qua kiểm duyệt.

Tuy nhiên, cũng chính vì kẽ hở này trong chính sách của YouTube cũng như những nhà sáng tạo nội dung, mà nhiều video của các kênh quốc tế đã bị người dùng đến từ Việt Nam sửa đổi tiêu đề và phần mô tả tiếng Việt bằng những thông tin quảng cáo cho Facebook cá nhân hay các trang web, trêu đùa hay thể hiện bản thân… Cụ thể, hàng loạt video của DJ Alan Walker đã bị sửa tiêu đề thành các trang web bán hàng trực tuyến, đường link đến trang Facebook cá nhân của một người. MV Sugar của nam ca sĩ Maroon 5 cũng bị sửa tên thành "Ồ hố" theo cách gọi chữ "đường" của chương trình Táo quân 2019. Một MV của YouTuber PewDiePie cũng trở thành nạn nhân của trào lưu thiếu ý thức này.

Trẻ trâu phá hoại YouTube sẽ không còn nữa, tất cả là nhờ update kịp thời đúng đắn này - Ảnh 2.

Hình ảnh một số video ca nhạc quốc tế bị người dùng đến từ Việt Nam đổi tên thông qua công cụ đóng góp bản dịch cộng đồng của YouTube. Ảnh: Zing News

Trước thực trạng trên, nhiều chủ sở hữu kênh như PewDiePie, Maroon 5 hay Alan Walker đã khoá hoàn toàn chức năng nhận bản dịch tiếng Việt, khiến nhiều video nổi tiếng có tới cả trăm bản dịch sang các ngôn ngữ khác nhau nhưng lại thiếu… tiếng Việt.

YouTube có vẻ như đã nhận thức nguy cơ bị lạm dụng của hệ thống này ngay từ khi mới ra mắt. Từ năm 2017, YouTube đã cảnh báo các nhà sáng tạo nội dung một cách cụ thể về tầm quan trọng của việc kiểm soát các nội dung do cộng đồng đóng góp. "Mặc dù đa số những người đóng góp nội dung đều có thiện ý giúp đỡ, song đôi khi, tình trạng lạm dụng cũng có thể xảy ra," đội ngũ YouTube cảnh báo. "Bạn nên thường xuyên kiểm tra lại các bản dịch nhằm tránh trường hợp các đường link spam và ngôn ngữ tục tĩu xuất hiện trong các bản dịch video của mình."

Lần này, vấn đề không chỉ dừng lại ở hành động spam hay sử dụng ngôn từ tục tĩu, mà đã tiến thêm một bậc, trở thành sự xúc phạm, quấy rối. Sau khi đăng tải một đoạn clip nói về tình trạng lạm dụng diễn ra trong các bản dịch video của PewdiePie, một YouTuber có biệt danh là JT đã trở thành mục tiêu của một chiến dịch quấy rối quy mô lớn. Một tuần trước, JT cho biết các bản dịch tựa đề video có nội dung quấy rối đã lan rộng xuất hiện ở nhiều kênh YouTube lớn khác, thậm chí "lấn át" cả các bản dịch chính xác.

JT đã quyết định báo cáo vấn đề này với tài khoản Twitter chính thức của YouTube là @teamyoutube, song các nhân viên của trang chia sẻ video lớn nhất thế giới chỉ đơn giản đề nghị anh gắn cờ vi phạm đối với các bản dịch có nội dung xúc phạm để họ kiểm duyệt lại.

"Vậy các anh muốn tôi phải báo cáo vi phạm với từng bản dịch tựa đề của từng video một hay sao?" JT phản hồi. "Tại sao các anh không khắc phục vấn đề này từ tận gốc… chẳng hạn như bắt buộc các chủ sở hữu kênh phải phê duyệt từng bản dịch một trước khi chúng được đăng tải công khai?" Một vài ngày sau, có vẻ như YouTube đã nhận ra sự "logic" của yêu cầu này.

Trẻ trâu phá hoại YouTube sẽ không còn nữa, tất cả là nhờ update kịp thời đúng đắn này - Ảnh 3.

Trong một đoạn video "ăn mừng" đăng tải ngày 1/9, YouTuber JT đã chia sẻ thông tin về sự thay đổi trong chính sách của YouTube và gửi lời cảm ơn tới các fan vì đã góp phần gây sức ép buộc trang chia sẻ video này phải thay đổi. "Thực lòng mà nói, tôi đã kỳ vọng chính YouTube sẽ có đội ngũ phê duyệt các tựa đề này cho chủ kênh," anh cho biết trong video. "Nhưng thôi ít nhất họ đã có động thái khắc phục nhất định, và tôi không muốn liên quan đến chuyện này nữa."