Ngày 16/7, TAND TP. HCM xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp quyền tác giả truyện tranh "Thần đồng đất Việt" giữa nguyên đơn là ông Lê Phong Linh (Lê Linh), bị đơn là Công ty Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh. Đây là phiên toà phúc thẩm được mở theo đơn kháng cáo của bị đơn.
Trước đó ngày 12/6, phiên toà phúc thẩm cũng đã bị hoãn theo đề nghị từ phía bị đơn với người đại diện là Luật sư Nguyễn Vân Nam. Vụ án tranh chấp dân sự gây chú ý dư luận khi ngày 18/2, TAND quận 1 đã tuyên án sơ thẩm hoạ sĩ Lê Linh là tác giả duy nhất của bộ truyện tranh "Thần đồng đất Việt". Qua đó buộc công ty Phan Thị chấm dứt việc tạo ra và sử dụng 4 hình tượng nhân vật trong bộ truyện, đồng thời phải xin lỗi và bồi thường cho ông Lê Linh.
TAND TP. HCM xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp quyền tác giả truyện tranh "Thần đồng đất Việt"
Cũng tại Toà sơ thẩm, HĐXX xét thấy Phan Thị là chủ sở hữu 4 hình tượng trên nên có quyền làm tác phẩm phát sinh từ tập 79 trở về sau. Tuy nhiên bị đơn không có quyền cắt xén tác phẩm, làm các hành động gây phương hại đến uy tín tác giả.
Ngoài ra, khi đối chiếu quy định của pháp luật, việc Phan Thị tiếp tục sáng tác các tập truyện (từ tập 79) là hành vi sửa chữa tác phẩm, không được sự đồng ý của tác giả. Mặt khác, khi ông Linh là đồng tác giả thì việc làm này là xâm phạm quyền nhân thân.
Trong phiên toà ngày hôm nay, cả nguyên đơn là ông Lê Linh và bị đơn là ông Nguyễn Vân Nam (đại diện cho công ty Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh) đều có mặt và có những tranh cãi lý lẽ riêng.
Trình bày về đơn kháng cáo, ông Nguyễn Vân Nam đề nghị toà phúc thẩm công nhận công ty Phan Thị tự do sử dụng quyền tài sản, có quyền phát triển đối với hình tượng 4 nhân vật trong truyện tranh Thần đồng Đất Việt là Trạng tí, Sửu ẹo, Dần béo, Cả mẹo (Tí, Sửu, Dần, Mẹo). Bên cạnh đó ông Nam cũng muốn toà phúc thẩm phải sửa toàn bộ bản án sơ thẩm theo hướng bác bỏ toàn bộ yêu cầu từ phía nguyên đơn.
Về phần của bà Phan Thị Mỹ Hạnh, ông Nam đề nghị sửa một phần bản án sơ thẩm. Cụ thể, giữ nguyên hiệu lực của các Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả do Cục Bản quyền tác giả đã cấp cho nguyên đơn và bà Hạnh đối với 4 hình tượng nhân vật trên.
Ngoài ra, bị đơn cho rằng toà sơ thẩm chỉ xem xét sơ sài về vụ án, không áp dụng đúng các qui định pháp luật cho vấn đề thẩm quyền giải quyết vụ án. Cụ thể, không triệu tập Cục bản quyền tham gia với tư cách người liên quan, không công bố tài liệu, chứng cứ cho người có quyền và nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại tòa.
Ông Lê Phong Linh (Lê Linh)
Bị đơn kháng cáo vì trong giải quyết tranh chấp tác quyền toà sơ thẩm đã có những nhận định, lý giải không phù hợp với các chứng cứ và tình tiết khách quan, không công bằng trong việc xem xét, đánh giá các chứng cứ có trong vụ án.
Đại diện của bị đơn cho rằng phong cách vẽ của ông Linh là nét vẽ dày và cứng; còn hình vẽ trong Thần đồng Đất Việt linh động, tinh nghịch được cách điệu, dễ thương với những nét vẽ mảnh mang dấu ấn của cá nhân tác giả là bà Hạnh. Vì vậy việc ông Linh yêu cầu công ty Phan Thị chấm dứt tạo ra và sử dụng các "biến thể" từ các nhân vật là không có căn cứ. Bởi theo ông Nam, đây gọi là "biến thể" khác nhau đó chính là tác phẩm phái sinh.
Phía bị đơn cũng viễn dẫn Điều 39 Luật Sở hữu trí tuệ cho rằng ông Linh không được phép yêu cầu như trên vì toàn bộ quyền tài sản trong đó có quyền làm tác phẩm phái sinh đã được chuyển quyền sở hữu cho công ty Phan Thị.
Ngoài ra, việc nguyên đơn cho rằng bị Phan Thị xâm phạm quyền nhân thân là không đúng vì đơn vị này không sửa chữa, cắt xén nhân vật, không làm mất sự toàn vẹn của tác phẩm, không gât tổn hại đến danh dự và uy tín của ông Linh.
Đáp lại phần tranh luận của bị đơn, luật sư của nguyên đơn cho rằng Toà án quận 1 đã giải quyết đúng thẩm quyền vì đây là vụ án phi lợi nhuận, ông Linh chỉ muốn được công nhận là tác giả duy nhất của tác phẩm mà bản thân đã sáng tác. Theo luật sư, đây là vụ án tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ và phía Cục Bản quyền đã có văn bản được bổ sung trong hồ sơ vì vậy phiên toà hôm nay không cần thiết phải có đại diện của đơn vị này.
Ông Nguyễn Vân Nam (đại diện cho công ty Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh)
Luật sư của nguyên đơn cũng cho rằng ông Linh là người vẽ các nhân vật thông qua các bản phác họa gốc, có đăng ký bản quyền tác giả trên các cuốn truyện của tập 24, 37. Khi được nêu ý kiến tại toà, ông Linh cũng tố bà Hạnh đã bịa đặt về việc ông vẽ theo ý tưởng của bà này.
Theo ông Linh, ông còn giữ bản gốc phác thảo và chỉ nộp cho toà bản photo. Ông Linh cũng cho rằng mình chính là người sáng tạo ra một số truyện khác và vừa vẽ vừa viết kịch bản.