Đó là câu chuyện diễn ra vào tối 27/7/2015 tại SVĐ Mỹ Đình trong trận giao hữu giữa đội tuyển Việt Nam và Manchester City (Anh).
Gần 40.000 người hâm mộ có mặt tại SVĐ quốc gia cùng cầu thủ hai đội và hàng triệu khán giả xem truyền hình đã phải chờ thêm gần 15 phút so với giờ bóng lăn. SVĐ không mất điện, trọng tài cũng không đột nhiên bị ốm, tất cả phải chờ đợi các quan chức của Việt Nam đọc những văn bản dài thườn thượt.
Cầu thủ Việt Nam khởi động lại ở giữa sân trong khi các quan chức vẫn đang phát biểu.
Thời gian bị trễ chính xác là 14 phút tính từ thời điểm 20h00. Với nhiều người, 14 phút ấy dài bằng cả một trận đấu. Trong khi đó, những cầu thủ đến từ xứ sở sương mù thì không hiểu phần lớn nội dung vừa phải nghe.
22 cầu thủ trên sân thì quá nửa phải thực các động tác khởi động lại một lần nữa để làm nóng người tạo nên một hình ảnh lộn xộn. Thủ môn Joe Hart, đội trưởng của Man City, thì nói điều gì đó với trọng tài trước khi cười rạng rỡ. Anh cười to hơn khi Lê Công Vinh, đội trưởng đội tuyển Việt Nam, đáp lời.
Sau hình ảnh ấy, cả truyền thông Anh và Việt Nam đều đặt những dòng tiêu đề đầy tò mò cho hành động của Joe Hart. "Tại sao Joe cười nhiều đến vậy?", "Vì sao anh ta trông bối rối đến thế?" hay "Công Vinh đã nói gì với Joe Hart?" là những câu hỏi lần lượt được đặt ra.
Khoảnh khắc thủ môn Joe Hart trò chuyện với đội trưởng Lê Công Vinh.
Có một nguồn tin nói về chuyện này như sau. Joe Hart hỏi Công Vinh rằng: "Những người ở trên bục kia nói lâu quá. Không biết họ có thấy chúng ta đang mệt mỏi không?".
Công Vinh đáp lời: "Hãy bình tĩnh. Tôi nghĩ bạn nên khởi động lại từ đầu vì những bài phát biểu dài hơn vẫn còn ở trước mắt".
Thế rồi, Joe Hart thốt lên: "Trời ơi! Đáng lẽ bạn nên nói với tôi sớm để còn chuẩn bị một cái đệm để nằm nghỉ trên sân". Câu nói ấy khiến những cầu thủ và cả trọng tài đứng gần đó bật cười.
Câu chuyện ấy giờ vẫn trở thành một huyền thoại về "nạn kính thưa" ở Việt Nam. Trận đấu giữa ĐTQG và Man City được xem là cách quảng bá nhanh nhất vấn nạn ấy tới nước Anh và thế giới.
Những thủ tục rườm rà khiến trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Man City mất hay ngay từ đầu. Ảnh: Thuỵ Miên - T.Phạm.
Phát biểu dài dòng và tặng hoa cho các cầu thủ không phải phong cách tổ chức phổ biến trên thế giới. Chính vì vậy, những gì diễn ra trong trận đấu dĩ nhiên trở thành một dấu ấn đối với báo chí phương Tây.
Trang tin BBC bình luận rằng "thật lãng phí tiền bạc khi tặng hoa cho người chơi vì rõ ràng họ không thể giữ chúng. Chắc giờ đống hoa đang trong thùng rác rồi". Chưa hết, trong lần hiếm hoi một trận đấu của bóng đá Việt Nam được hãng tin lớn của thế giới tường thuật, họ đã để lại những dòng bình luận vừa hài hước vừa mỉa mai.
"14h03 (giờ Anh, tức 20h03 giờ Việt Nam). Trận đấu có cách bắt đầu khá thú vị. Vâng, tôi đang đề cập đến "cách bắt đầu" vì trận đấu vẫn chưa diễn ra nữa. Các cầu thủ vẫn đứng trên sân gần 5 phút rồi. Trong lúc đó, một người đeo kính, hình như là chủ tịch ngân hàng nào đó ở Việt Nam vừa phát biểu rất dài, và tất nhiên không ai trong chúng ta hiểu cả vì ông ấy nói bằng tiếng Việt.
Joe Hart trông có vẻ bối rối lắm.
14h06. Bây giờ lại đến một người khác từ Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Ông này cũng đeo kính và ông ta bắt đầu nói. Nói rất nhiều luôn. Các cầu thủ vẫn đứng xếp hàng trên sân. Chắc còn lâu nữa trận đấu mới bắt đầu…".
Vẻ mặt lộ rõ vẻ chán nản của ngôi sao Raheem Sterling.
Không chỉ BBC, tờ Daily Mail nổi tiếng cũng góp tiếng nói: "Các học trò của Manuel Pellegrini đã phải đứng hơn 15 phút sau màn giới thiệu và phát biểu của các quan chức Việt Nam trước trận đấu. Sau đó, họ còn nhận được hoa từ BTC nữa".
Trong khi đó, tờ The Mirror thì đưa trận đấu này vào nhóm những cuộc đối đầu kỳ lạ nhất trong lịch sử.
Sự khác biệt về văn hoá và phong cách làm việc khiến báo chí Anh càng thắc mắc là tại sao phải làm những điều không cần thiết như vậy trong một trận cầu quá chênh lệch về trình độ. Chung cuộc đội tuyển Việt Nam để thua Man City với tỷ số 1-8.
Đội tuyển Việt Nam thua chung cuộc 1-8 trước Man City. Người ghi bàn duy nhất cho đội tuyển Việt Nam là Văn Quyết. Ảnh: EPA - Reuters.
Tiền vệ Phạm Đức Huy từng chia sẻ rất tâm đắc với bài phát biểu khai mạc V.League 2020 của ông Trần Anh Tú, chủ tịch HĐQT VPF, trước trận Hà Nội FC gặp Nam Định ở vòng 1 trên SVĐ Hàng Đẫy vào ngày 7/3.
"Kết nhất quả khai mạc của chú Tú. Cầu thủ hưng phấn hơn hẳn", Huy râu chia sẻ.
Bài phát biểu có nội dung thế này: "Kính thưa ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao,
Kính thưa ông Trần Quốc Tuấn, Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn bóng đá Việt Nam,
Kính thưa đại diện nhà tài trợ,
Kính thưa người hâm mộ đang theo dõi trên truyền hình cả nước,
Thay mặt Công ty cổ phần bóng đá việt nam - VPF, Ban điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam 2020, tôi xin tuyên bố khai mạc giải bóng đá vô địch quốc gia LS 2020.
Xin chân thành cảm ơn".
Tính ra, bài phát biểu kéo dài đúng 40 giây. Nhiều người hâm mộ và cả các phóng viên tác nghiệp trực tiếp tại sân cũng ngỡ ngàng vì phần phát biểu khai mạc kết thúc quá nhanh. Thậm chí, nhiều người còn không rõ ông Tú vừa phát biểu gì.
Tuy nhiên, sau những bài học về "nạn kính thưa", phần phát biểu của ông Tú được hưởng ứng rất lớn. Suy cho cùng, trận đấu bóng đá là sân khấu của các cầu thủ. Những thủ tục như phát biểu khai mạc vẫn nên diễn ra nhưng cần bóp chặt thời gian để tránh gây nhàm chán cho cả người xem lẫn cầu thủ. Những tiểu tiết như thế này cũng góp phần đem lại tính chuyên nghiệp cho bóng đá và sự tôn trọng từ người ngoài đối với Việt Nam.