Thị trường game di động đang phát triển một cách chóng mặt, khi trong năm 2019 đã đạt doanh thu tổng cộng lên tới 68.5 tỷ USD theo trang Newzoo, và được dự đoán là sẽ còn tăng thêm 12% trong năm 2020 này. Game di động hiện nay cũng đã trở nên đa dạng hơn, không chỉ dừng lại ở những game dạng arcade đơn giản, mà còn là những tựa game online tương tác với đồ họa đẹp mắt, chả thua kém gì game máy tính, console.
Nhu cầu chơi game di động tăng lên, ai cũng muốn có một chiếc smartphone để trải nghiệm. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện tài chính dồi dào để 'sắm' các dòng sản phẩm cao cấp nhất với giá lên tới ngàn Đô, nên chỉ có thể tìm tới những lựa chọn trong tầm giá 2 - 3 triệu Đồng như Vsmart Star 4 vừa được ra mắt trong tháng này. Vậy trải nghiệm game trên một dòng máy tầm thấp như vậy liệu có tốt hay không, ta sẽ phải 'hi sinh' những điều gì?
Đầu tiên về màn hình - thứ ta dùng để tương tác với game, Vsmart Star 4 sở hữu tấm nền LCD IPS 6.1 inch độ phân giải HD+, với phần cắt hình giọt nước để đặt camera selfie. Màn hình này có ưu điểm màu sắc đậm đà, tránh được hiện tương bị ngả về xanh hay cam, độ sáng vừa đủ để dùng trong điều kiện trong nhà.
Ta sẽ không có tấm nền AMOLED với màu đen sâu và độ sáng cao, cũng như độ phân giải FullHD+ thường thấy trên những dòng máy gần với tầm giá 5 triệu Đồng, nhưng ngược lại đây cũng có thể là ưu điểm vì giảm được 'gánh nặng' xử lý cho CPU và GPU của máy, giúp trải nghiệm game 'mượt' hơn.
Cung cấp sức mạnh xử lý cho Vsmart Star 4 là chip Helio P35 với 8 nhân xử lý, được hỗ trợ bởi 2GB hoặc 3GB RAM và 32GB bộ nhớ trong (mở rộng được thêm nhờ cổng thẻ micro SD). Đây là một vi xử lý tầm trung, nên ta không thể đòi hỏi một hiệu năng 'vượt mặt laptop' như ở những dòng máy cao cấp được, nhưng nhờ vào việc loại bỏ tối đa những yếu tố 'rác' trong giao diện VOS 3.0 cùng màn hình HD+, sử dụng thực tế Star 4 không gặp các hiện tượng đứng hình khó chịu.
Điểm hiệu năng của vi xử lý Helio P35 của Vsmart Star 4
Trải nghiệm thực tế bằng game
Smash Hit
Ta sẽ đi từ dưới lên trên, thử từ những tựa game arcade ngoại tuyến đơn giản đến các game tương tác online 'khó nhằn' hơn. Game đầu tiên là Smart Hit, game với cách chơi đơn giản là nhấn để ném bóng, phá những chướng ngại vật cho tới khi hết bóng thì thôi. Đây là một game 3D, nhưng toàn bộ bản đồ đã được tải sẵn, nên Star 4 hoàn toàn có thể chơi được ở mức đồ họa trung, mức đồ họa không có nhiều nhược điểm so với mức 'cao' trừ việc các yếu tố kính thiếu đi đổ bóng, không ảnh hưởng quá nhiều tới trải nghiệm.
Plants vs Zombies 2
Plants vs Zombies cũng tương tự, mặc dù cũng có đồ họa khá sặc sỡ nhưng bản đồ game đã được tải sẵn, nên mọi thứ đều mượt mà. Trong những pha hành động 'căng thẳng' nhất, có nhiều zombie và các cây đều đang xả đạn thì máy có 'khựng' lại đôi chút, không phải vấn đề gì to tát.
Angry Birds 2
Angry Birds 2 có vẻ như nặng hơn, khi đôi lúc vẫn gặp hiện tượng đứng hình nhẹ, như lúc chim chạm vào những tòa nhà hay lúc các khối bom nổ quá nhiều. Lúc này ta có thể chuyển mức đồ họa xuống thấp hơn, hoặc cứ để nguyên để có hình ảnh đẹp hơn, vì cũng chả ảnh hưởng đến kết quả vì quan trọng nhất vẫn là lúc ngắm bắn mà thôi!
Liên Quân Mobile
Tới những game online với đồ họa nặng hơn, với Liên Quân Mobile máy sẽ tự động chỉnh xuống mức đồ họa 'Thấp', màn hình HD+ để tăng tần số làm tươi. Khá bất ngờ khi ta vẫn có thể bật chế độ FPS cao (60 fps) để có chuyển động tự nhiên, chính xác hơn. Trong game, trong những địa hình đơn giản như từ nhà tới bụi cỏ, máy hoàn toàn có thể giữ được 60 fps, ngược lại ở những pha đánh nhau nhiều người thì sẽ giảm xuống còn 50 - 55fps.
Ta có thể tăng 'độ đẹp' của game bằng cách nâng mức đồ họa lên mức trung, sau đó giảm tần số làm tươi xuống còn 30fps, nhưng theo tôi một game cần tương tác nhanh và tức thời như Liên Quân thì sẽ cần tính năng 60fps hơn.
PUBG Mobile
PUBG Mobile là một game bắn súng rất nổi tại Việt Nam cũng như Thế giới, lúc ra mắt chỉ nhắm tới những dòng máy cao cấp, nên tôi đã không đặt nhiều kỳ vọng vào việc có thể chơi được trên Vsmart Star 4. Trái với suy nghĩ này, PUBG lại khá mượt khi chơi trên máy ở mức thiết lập "Mượt" và Khung hình trung bình. Tần số làm tươi được suy trì trong khoảng từ 26 - 27 fps, đã rất đủ để chơi rồi.
Asphalt 9
Asphalt 9 là tựa game gây cho tôi nhiều bất ngờ nhất, khi nổi danh là một trong những game có đồ họa rất 'ảo diệu' nhưng cũng rất 'kén cấu hình', nhưng trong trường hợp này lại có thể chơi được trên một dòng máy chỉ 2.5 triệu Đồng như Star 4.
Tất nhiên rồi, ta sẽ phải đánh đổi một chút về độ đẹp đồ họa khi phải đặt ở mức 'Mặc định', nhưng nhờ đó mà các thao tác bật Nitro, drift, xoay lộn đều được thực hiện tốt, không giật. Trên xe sẽ xuất hiện một chút răng cưa ở những nơi có đường cong, nhưng một khi đã tập trung vào việc đua thì bạn cũng sẽ mau chóng quên nó đi thôi!
Vậy trở lại với câu hỏi ban đầu, smartphone giá rẻ như Star 4 liệu có đáng để ta đầu tư 'leo rank'? Qua những bài thử phía trên, ta thấy được máy có thể chơi tốt những game offline dạng arcade, và khi chuyển qua các game nặng hơn thì sẽ phải đặt mức đồ họa xuống thấp để có thể chơi được mượt mà. Nếu như bạn có thể chấp nhận được việc đánh đổi về mặt hình ảnh để đảm bảo tương tác (game-play), và không có một 'budget' cao hơn thì đây vẫn là một lựa chọn hợp lý.