Có một dạo, giới trẻ Việt Nam từng bị "lậm" một loạt những câu nói tán tỉnh siêu khéo như: "trà sữa là trà đổ vào sữa hay sữa đổ vào trà? Điều đó không quan trọng, quan trọng là tớ "đổ" ấy rồi" hay đại loại thế. Những tưởng đây chỉ là câu nói đùa, mượn một thức uống "vạn người mê" để tán tỉnh và bắt chuyện với người mình thích, nhưng phía bên kia bán cầu, đặc biệt là với những người bạn Anh Quốc, đây là một vấn đề cực kì… nghiêm túc.
Vấn đề tưởng chừng "huề vốn" lại là chuyện "sống còn" với người Anh.
Anh Quốc, một đất nước được biết đến với văn hoá uống trà cực kì phát triển với con số tiêu thụ trà hơn 60 tỷ tách mỗi năm, theo như tổ chức Tea and Infusions. Như vậy có nghĩa là mỗi người Anh trung bình uống 900 cốc trà mỗi năm. Sở thích uống trà in hằn trong đời sống hằng ngày, từ bữa sáng với cốc trà cho đến bữa trưa, bữa trà nhẹ giữa giờ làm việc, tiệc trà chiều hay bữa khuya cùng bánh ngọt và trà. Thậm chí, câu cửa miệng của người Anh mỗi khi nói về sở thích của mình cũng là "that’s my cup of tea" – "đó là tách trà của tôi". Thành ngữ "cup of tea" được dùng để chỉ một điều, một món mình yêu thích.
Mỗi người Anh uống trung bình 900 tách trà mỗi năm!
Chính vì tình yêu sâu đậm với trà, mà người Anh đã sáng tạo ra rất nhiều nguyên tắc khi uống, đồng thời xem mọi vấn đề liên quan đến trà là việc quan trọng, trong đó bao gồm việc… đổ trà vào sữa hay đổ sữa vào trà. Chuyện này có thời đã từng trở thành đề tài tranh luận tiêu điểm trong cộng đồng người Anh, đến mức các trang báo chính thống như The Guardian hay Telegraph đều phải dành một bài để đưa tin về nó.
Trang The Guardian thậm chí còn phải dựa vào khoa học để đưa ra câu trả lời, sợ rằng mâu thuẫn này có khả năng sẽ dẫn đến… một cuộc nội chiến Anh phiên bản 2.0 (phiên bản 1.0 là vào năm 1642, cho những ai không biết). Và, bạn thử đoán xem, câu trả lời cho cuộc tranh luận này là thế nào? Sữa trước hay trà trước đây?
Câu trả lời là: sữa trước. Nghĩa là bạn phải cho sữa vào tách trà trước, sau đó mới đổ trà nóng từ bình vào chung.
Theo khoa học, sữa phải được cho vào cốc trước rồi mới đến nước trà nóng.
Tiến sĩ Staphley của đại học Loughborough đã chứng minh rằng việc cho sữa vào tách sau trà là không đúng, bởi nó có thể khiến cho sữa không đạt được độ nóng hài hoà. Sự không hài hoà này khiến các protein trong sữa biến chất và bị vón cục, ảnh hưởng đến hương vị và có thể dẫn tới lớp màng mỏng thường thấy phía trên.
Song, những tưởng rằng cuộc tranh luận đã đến hồi kết thúc, nó vẫn tiếp diễn. Bởi vì trường hợp này lại khác với trà túi lọc. Nếu để túi trà ngâm trong sữa trước, phần sữa sẽ làm nguội nước nóng và dẫn đến lá trà không chín được. Vậy nên nếu bạn pha trà tươi, hãy để sữa trước, còn nếu sử dụng trà túi lọc thì, đấy lại là một vấn đề còn cần bàn luận.
Mặt khác, khoa học đôi khi cũng phải "chịu thua" trước sự ảnh hưởng của Hoàng gia, khi phe "trà trước" đã nhanh chóng chia sẻ lại ý kiến của một quản gia của hoàng tộc Anh - Grant Harrold. Ông Harrold đã có kinh nghiệm phục vụ Nữ Hoàng cũng như các thành viên hoàng gia trong các bữa trà chiều và chia sẻ lại một cách chắc chắn: trà phải vào trước. Chưa bao giờ có tiền lệ sữa vào trước trà tại cung điện Buckingham!
Nguyên tắc tại cung điện Buckingham: trà luôn đi trước.
Chuyện này ngoài hương vị còn có liên quan đến văn hoá và lịch sử lâu đời của Anh Quốc. Nhiều người cho rằng việc cho sữa vào tách trà trước là để nước trà nóng không làm rạn nứt tách. Chính vì thế mà chuyện này chưa bao giờ có trong các gia đình quý tộc Anh - nơi trà cụ đều có chất lượng cao nhất và không bao giờ sợ nứt, vỡ khi tiếp xúc với nước nóng. Theo như ông Harrold, đây cũng là một thói quen liên quan đến giai cấp kể từ thế kỷ 18.
Việc trà trước hay sữa trước còn có thể là điều phân biệt giai cấp ở Anh Quốc.
Cho đến hiện tại, cuộc tranh luận này vẫn còn tiếp diễn, và nước Anh vẫn tạm thời chia làm hai phe: phe trà trước, và phe sữa trước. Bởi vậy, nếu có định tán tỉnh anh chàng/cô nàng người Anh nào, ta tốt nhất không dùng câu "đổ trà vào sữa hay sữa vào trà", bởi không khéo có thể dẫn ra cả cuộc tranh luận hằng tiếng đồng hồ ấy chứ!