"Nóng" nhất những ngày gần đây là thông tin Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM quyết định lùi giờ học đối với học sinh các cấp từ mầm non đến THPT. Theo đó, giờ vào học buổi sáng của học sinh mầm non và tiểu học không sớm hơn 7h30; học sinh THCS không sớm hơn 7h15; học sinh THPT không sớm hơn 7h.
Trước quyết định này, nhiều phụ huynh vui mừng ủng hộ, khi học sinh sẽ ngủ đủ giấc, được chăm lo bữa sáng tốt hơn và có thêm thời gian nghỉ ngơi. Tuy nhiên, cũng không ít phụ huynh cho rằng, đây chỉ là giải pháp tạm thời.
Việc học sinh ngủ không đủ giấc có thể là do lối sống không lành mạnh của phụ huynh. Ngoài ra, học thêm cũng là nguyên nhân, học sinh phải về nhà lúc hơn 21h rồi sau đó phải làm bài tập về nhà, học bài thì sẽ kéo dài tới tận 0h. Thay vì giải quyết phần gốc, đổi giờ học mới chỉ giải quyết phần ngọn.
Ảnh minh họa.
Bàn về vấn đề này, chị Vương Mỵ, (quận Bình Thạnh, TP.HCM), có hai con đang học tại trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa và THPT Năng khiếu TP.HCM đã có những chia sẻ nhận được nhiều đồng tình từ phía phụ huynh và học sinh:
"Tuổi thơ tôi ngày xưa, học 1 buổi, về làm bài tập luôn. Đêm trước khi đi ngủ thì học thuộc bài, để vở dưới gối, sáng mai dậy đọc lại vài lần là thuộc làu. Buổi còn lại giúp bà nội nấu cơm, làm bánh, nhặt gạo, sàng gạo, xay bột, học cách nhặt các loại rau, ngọn bí thì tước sao để hết sơ, rau ngót thì nắm tuốt, phân biệt đoạn rau nào già, đoạn nào non, quét nhà thì miết nhẹ nhàng, không hất đuôi chổi để đỡ văng bụi...
Hết việc nhà thì tụ tập hàng xóm nhảy dây, đá cầu, ô quan, chơi năm mười, nấu đồ hàng, túm quần áo màu mè bày trò đóng kịch, hát múa nghêu ngao. Hết hàng xóm thì tới bạn học, đi tắm suối, hái trái cây, bắt cá. Rồi tham gia các chương trình đoàn đội, tập nghi thức, tập đánh trống đội, giải mật thư, học các tín hiệu Morse, Semaphores, kéo nhau lên đồi chặt tre dựng lều, cắm trại... Quá chừng niềm vui và kỹ năng mềm. Chỉ biết vui và tận hưởng, không hề có khái niệm 'áp lực học hành', ấy thế mà vẫn học sinh giỏi đều đều, vẫn lãnh thưởng không thiếu mùa nào.
Bây giờ, việc thay đổi giờ vào học của các con, mục đích là gì? Giảm tải lưu lượng xe vào giờ cao điểm? Hay cho các con ngủ thêm chút cho có sức khỏe?
Hầu hết con em ở thành phố đều do cha mẹ chở đi học. Chỉ 1 số nhà gần trường, đường ít xe lớn mới dám cho con tự chạy xe. Còn nơi đất chật người đông, người lớn chạy xe máy ra đường, về đến nhà, vào đến sân nhà mới thở phào là đã an toàn. Chấp nhận cho con tự đi xe, để va chạm, để khôn lên, đồng nghĩa chấp nhận rủi ro, không phải ai cũng can đảm lựa chọn.
Vì vậy, phương án đổi giờ 30 phút, đối với TP.HCM, tôi thấy không khả thi. Giờ học sớm chút thì cha mẹ đưa đến rồi quay đi làm, lùi giờ con đi học muộn thì không ai đưa đi. Lệch 2-3h thì hãy lệch, và có xe buýt riêng từng khu, chuyên chở học sinh đi học và đón về thì hãy làm.
Hơn nữa, lùi giờ học không phải chìa khóa giải quyết vấn đề. Thay vì đứa trẻ nào cũng như thần đồng, bắt giỏi đều các môn, tỉ lệ học sinh giỏi phải chiếm bao nhiêu % thì mới đạt chỉ tiêu, thì hãy giảm bớt đi.
Mỗi đứa trẻ đều có 1 thế mạnh riêng, học các môn đúng sở trường và phát huy tốt, các môn còn lại bỏ được thì bỏ, không được thì đủ điểm trung bình, hiểu bài là được. Thầy cô nên nở nụ cười với các em khối A có điểm khối D vừa đủ và ngược lại.., đừng áp lực cho các em bằng thái độ quát mắng khó chịu, thậm chí vùi dập. Các thầy cô là người ươm mầm tương lai, mầm cây nào thì phát triển thành cây đấy. Việc của mình là yêu thương và chăm sóc, đừng ép cây mía thành bonsai, đừng ép cây liễu thành cây tre.
Học đủ. Để ngoài kiến thức ra các em còn vui chơi, phát triển thể chất, trí não ở những kỹ năng khác, cái đó mới chính là cái để các em tồn tại và phát triển sau này. Cho các em làm quen dần với các kỹ năng khác như chạy xe đạp, xe máy, bơi lội, khiêu vũ, cắm trại...
Cái chúng tôi cần là giảm tải chương trình, bớt thành tích. Còn việc thay đổi 15-30p vào học, thực sự chẳng có giá trị gì nhiều cả".
Thầy Đặng Hoàng Dư, giáo viên dạy Toán ở quận Gò Vấp, TP.HCM:
Việc lùi giờ học từ 7h sang 7h30 phút chỉ là biện pháp tạm thời để học sinh có thêm thời gian vào buổi sáng. Thay vì vậy, tại sao học sinh không đi ngủ sớm trước 23h mà phải thức tận 0h, 1h sáng, có khi hơn nữa? Nguyên nhân do đâu?
Theo tôi, biện pháp hay nhất là cấm gây áp lực cho học sinh; cấm cho bài tập quá nhiều về nhà cho học sinh, hạn chế tối đa những bài thuyết trình bằng powerpoint… lâu lâu chỉ 1 hay 2 bài.
Bớt bài tập về nhà, đừng áp đặt quá nhiều nhiệm vụ cho học sinh khi các con phải học rất nhiều môn và học quá khuya để hệ lụy là sáng ngủ dậy trễ. Thiết nghĩ rằng: Làm giáo dục hãy đặt mình ở vị trí học sinh để quyết định.