Từ chuyện phụ huynh tranh cãi có nên lùi giờ vào lớp: "Đừng để áp lực học hành lấy mất tuổi thơ con"

Dương, Theo Trí thức trẻ 09:38 29/10/2022
Chia sẻ

Câu chuyện có hay không nên lùi giờ vào lớp cho học sinh vẫn đang là chủ đề gây tranh cãi trên mạng xã hội.

Những ngày vừa qua, "thời gian vào học của học sinh" là chủ đề được nhắc đi nhắc lại trên hàng loạt diễn đàn cộng đồng. Trước đó, việc nhiều đơn vị nhà trường sắp xếp thời gian vào học từ 6h45 - 7h sáng đã vấp phải luồng ý kiến trái chiều từ phụ huynh và học sinh. Nhiều ý kiến cho rằng, với khung giờ vào học quá sớm, học sinh sẽ khó khăn để ngủ đủ giấc, ăn uống đầy đủ, từ đó ảnh hưởng đến sức khoẻ và khả năng tiếp thu kiến thức của các em.

Đáng chú ý, mới đây, Sở Giáo dục - Đào tạo TP. Hồ Chí Minh đã quyết định lùi giờ học đối với học sinh tất cả các cấp. Theo đó, giờ vào học buổi sáng của học sinh mầm non và tiểu học không sớm hơn 7h30; học sinh THCS không sớm hơn 7h15; học sinh THPT không sớm hơn 7h. Ngoài ra, các trường từ mầm non đến THPT phải xây dựng kế hoạch để mở cửa trường đón học sinh từ 6h30 mỗi ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho những phụ huynh cần đưa con đến trường sớm để đi làm.

Ngay lập tức, quyết định này đã gây nên nhiều luồng ý kiến tranh luận trên mạng xã hội. Một lần nữa, câu hỏi "Có nên lùi giờ học cho học sinh?" lại trở thành chủ đề bàn tán nhận về nhiều hưởng ứng từ cả phụ huynh, học sinh, thầy cô và các chuyên gia giáo dục.

Dưới đây là một vài ghi nhận của chúng tôi về ý kiến của phụ huynh về quyết định lùi giờ vào lớp của học sinh:

Nhiều ý kiến trái chiều của phụ huynh về giờ vào học của học sinh tiểu học

Học sinh "kêu trời" vì thiếu ngủ, ăn vội bữa sáng để kịp đến trường

Mới đây, trong một cuộc khảo sát được thực hiện ở hội nhóm dành cho phụ huynh có hơn 102 ngàn thành viên với chủ đề: "Theo bạn, giờ vào học buổi sáng của học sinh nên là mấy giờ?", có đến hơn 86% chọn phương án 8h sáng. Bên cạnh đó, có 9% phụ huynh chọn đáp án 7h30, 2% chọn đáp án khác và chỉ 3% chọn đáp án là 7h. Đây chỉ là một trong nhiều cuộc khảo sát trên các diễn đàn của phụ huynh về chủ đề lùi giờ học. Theo đó, phần đông phụ huynh đều tán thành phương án nên cho học sinh đi học vào khung giờ 7h30 - 8h sáng là hợp lý.

Cũng theo các cuộc khảo sát, học sinh luôn trong tình trạng thiếu ngủ, không kịp ăn uống đầy đủ bữa sáng là hai nguyên nhân chính khiến phụ huynh đồng tình với quyết định lùi giờ học. Tình trạng này kéo dài thường xuyên khiến phụ huynh lo ngại có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ, sự phát triển chiều cao cũng như khả năng tiếp thu kiến thức của con em.

Từ chuyện phụ huynh tranh cãi có nên lùi giờ vào lớp: Đừng để áp lực học hành lấy mất tuổi thơ con - Ảnh 2.

Học sinh không ngủ đủ giấc, ăn sáng trong tình trạng vội vã là hai nguyên nhân chính khiến phụ huynh tán đồng ý kiến nên lùi giờ học khoảng 15 - 30 phút (Ảnh minh hoạ)

Theo khuyến cáo từ nhiều tổ chức Y tế, trẻ trong độ tuổi từ 6 - 13 tuổi phải ngủ tối thiểu 7-8 tiếng/ngày. Thời gian ngủ khuyến cáo từ 9 - 11 giờ mỗi đêm cho lứa tuổi này. Tuy nhiên, rất đông phụ huynh phản ánh con em phải dậy từ 5-6h sáng mới kịp chuẩn bị đi học. Trong khi đó, nhiều em không thể đi ngủ trước 10h đêm bởi lịch trình học thêm kéo dài, áp lực bài tập về nhà lớn.

Cô bạn Thanh Mai (Hà Nội) chia sẻ: "Mỗi lần về quê, mình thức đến 2-3h sáng thì đứa em học cấp 2 cũng phải học đến tận 1h. Tuy nhiên, sáng mình được ngủ đến 8-9h thì 6h sáng nó đã phải dậy để ăn sáng, vệ sinh cá nhân, chuẩn bị đồ đi học. Bởi giờ học là 7h kém. Cô chủ nhiệm thì phạt trực nhật theo cấp số nhân. Ai đi học muộn thì phạt trực nhật 10 buổi/lần nên nó áp lực chuyện dậy sớm học hành ghê lắm".

Nhà cách xa trường, giờ vào học của con quá sớm nên chị Trúc Hà (TP. Hồ Chí Minh) luôn phải gọi hai con trai học lớp 3 và lớp 6 dậy từ 5h sáng mỗi ngày để chuẩn bị đi học. Chị tâm sự: "Bố mẹ là người trưởng thành, quen dậy sớm nên còn thấy đỡ vất vả. Chứ hai đứa con trai mới học lớp 3 và lớp 6 nhà mình thì coi buổi sáng không khác nào cực hình. Bởi hầu hết buổi tối các con đều phải thức quá 10h để làm bài tập, tính ra không đêm nào con ngủ đủ 7 tiếng. Với thời gian ngủ nghỉ quá hiếm hoi, gia đình cũng không biết điều này có ảnh hưởng đến quá trình phát triển chiều cao của các con không nữa".

Từ chuyện phụ huynh tranh cãi có nên lùi giờ vào lớp: Đừng để áp lực học hành lấy mất tuổi thơ con - Ảnh 3.

"Rất khó để gọi con dậy đi học từ 5-6h sáng vào mùa đông" - một phụ huynh ở Hà Nội cho biết (Ảnh minh hoạ)

Đi kèm với khung giờ học sớm, hệ quả là nhiều học sinh không đủ thời gian ăn sáng. Để đối phó với tình trạng này, các em đành chấp nhận ăn bữa sáng qua loa, tranh thủ ăn sáng trên đường đi học, hoặc vào canteen mua đồ ăn sau giờ ra chơi tiết một...

Chị Trúc Hà chia sẻ về tình trạng ăn sáng của hai con trai: "Biết con không ngủ đủ giấc, nên sáng nào cũng vậy, mình cố gắng nấu bữa ăn tinh tươm nhất có thể, hôm thì mua bánh mì, hôm chuẩn bị xôi, hôm chuẩn bị phở, cháo… Nhưng có nhiều đêm con thức khuya học bài, sáng hôm sau dậy trễ không kịp ăn sáng, chỉ vội nhét chiếc bánh nguội để vào cặp".

Cô Bùi Xuân (giáo viên Tiểu học, Hà Nội) cho biết xung quanh ngôi trường cô đang giảng dạy xuất hiện nhiều cửa hàng bán đồ ăn chế biến sẵn vào buổi sáng. Các hàng quán này thu hút lượng khách rất đông bởi nhu cầu mua đồ ăn để học sinh mang vào lớp ăn sau khi đến trường tương đối lớn. Cô chia sẻ thêm: "Có 1/3 học sinh lớp tôi thường không ăn sáng ở nhà và mua đồ ăn cạnh cổng trường. Phần lớn các em thường ăn sáng trước khi bắt đầu giờ học đầu tiên, hoặc ăn ngay sau khi hết tiết một. Nhìn học sinh ăn sáng trong cảnh vội vã vì nhà xa khiến giáo viên rất xót".

Từ chuyện phụ huynh tranh cãi có nên lùi giờ vào lớp: Đừng để áp lực học hành lấy mất tuổi thơ con - Ảnh 4.

Nhiều học sinh mất tập trung trong giờ học vì thiếu ngủ, ăn sáng không đầy đủ (Ảnh minh hoạ)

Cũng theo cô Xuân, tình trạng học sinh mất tập trung, giảm năng lực học tập do thiếu ngủ đã là vấn đề mà nhiều thầy cô đau đầu trong các năm gần đây. "Học sinh tiểu học rất dễ mất tập trung trong quá trình học tập. Nhiều trường hợp thiếu ngủ, các em dễ nằm gục luôn xuống bàn học, lơ đễnh trong giờ học, bất chấp cả thầy cô đang réo gọi bên tai".

Chị Trúc Hà cũng bày tỏ lo ngại về tình hình sức khoẻ của hai cậu con trai sau thời gian dài thiếu ngủ, ăn sáng qua loa mỗi ngày: "Thực sự rất lo. Bữa sáng quan trọng nhất nhưng con ăn bữa được bữa không. Buổi tối nào giục con ngủ sớm trước 22h30 thì con đỡ, chứ nhiều hôm thấy con đi học về trông 'bơ phờ' vì thiếu ngủ. Tình hình kéo dài mấy tháng liền, rất khổ con và các bạn chung cảnh ngộ. Với thời gian ngủ nghỉ ít, ăn sáng thiếu điều độ, gia đình rất lo ngại sự phát triển chiều cao của con bị ảnh hưởng".

Từ chuyện phụ huynh tranh cãi có nên lùi giờ vào lớp: Đừng để áp lực học hành lấy mất tuổi thơ con - Ảnh 5.

Học sinh liên tục ngáp trên xe bố mẹ khi phải đi học từ sáng sớm (Ảnh minh hoạ)

Lùi giờ học xuống 15 - 30 phút: Vẫn còn nhiều ý kiến phản đối

Bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình với việc lùi giờ vào học, nhiều phụ huynh và giáo viên cho hay giờ học hiện nay là hợp lý. Theo đó, nhiều người cho rằng giờ học của học sinh còn chịu chi phối bởi nhiều yếu tố như giờ đi làm của công nhân viên chức, tình hình ùn tắc giao thông, chương trình dạy học của nhà trường... do đó việc điều chỉnh không thể diễn ra trong một sớm một chiều.

Hơn nữa, quy định về giờ học đã được hình thành từ nhiều năm nay. Do đó, chỉ cần cha mẹ và con cái nỗ lực sắp xếp mọi thứ thành thói quen, học sinh có thể thích nghi với việc dậy sớm đi học.

Anh Khánh Nam, một dân văn phòng ở TP. HCM nhận định: "Tôi phản đối việc lùi giờ học. Đơn cử như trường hợp gia đình tôi, con chưa thể tự đến trường. Bố mẹ đèo con đi học rồi lại phải chạy sang nơi làm việc để chấm công, điểm danh. Các con được lùi giờ học, nhưng bố mẹ nào được lùi giờ làm. Chưa kể, thời gian vào học muộn hơn còn khiến bố mẹ đi dễ gặp cảnh tắc đường, càng tốn thời gian hơn".

Cùng quan điểm là chị Phương Anh (Hà Nội): "Nếu các con lùi giờ học, liệu giờ tan tầm của học sinh có trùng với giờ đi lại của dân văn phòng? Như vậy cảnh tắc đường sẽ xảy ra, bố mẹ lại càng khó khăn để đi đón con, di chuyển giữa các nơi".

Từ chuyện phụ huynh tranh cãi có nên lùi giờ vào lớp: Đừng để áp lực học hành lấy mất tuổi thơ con - Ảnh 6.

Giờ vào học của học sinh còn phụ thuộc vào giờ đi làm của cha mẹ

Trước đó, trường Tiểu học Nguyễn Thi (quận 11, TP. Hồ Chí Minh) đã từng vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ phụ huynh khi chuyển thời gian học từ 7h sáng lên 8h. Theo phụ huynh, khung giờ học này quá muộn, gây khó khăn việc đưa đón và khoảng thời gian "trống" trước khi vào học ở trường quá nhiều có thể kéo theo những hệ lụy cho học sinh nếu không được quản lý chặt chẽ...

Lùi giờ học không phải chìa khoá giải quyết hết vấn đề

Lùi giờ học xuống khung giờ 7h30 - 8h sáng là nguyện vọng hiện đang được nhiều phụ huynh đồng thuận nhất. Thế nhưng, vẫn có không ít ý kiến bày tỏ rằng quyết định "lùi giờ học" không phải chìa khoá để giải quyết hết vấn đề của học sinh.

"Lùi giờ học có làm cho học sinh bớt áp lực học hành và học tập hiệu quả hơn?", một phụ huynh ở Hải Phòng bày tỏ quan điểm. Anh nhận định thêm: " Lùi giờ học có thể giúp học sinh được dậy muộn, nhưng chưa chắc đã khiến các em được đi ngủ sớm nếu còn nhiều áp lực bài vở. Trên thực tế, nếu tình trạng học sinh còn phải thức quá 12h đêm thì kể cả cho lùi giờ học lên 8-9h sáng cũng không có tác dụng đến sức khoẻ và tình hình học tập của các em".

Từ chuyện phụ huynh tranh cãi có nên lùi giờ vào lớp: Đừng để áp lực học hành lấy mất tuổi thơ con - Ảnh 7.

Lùi giờ học có thực sự nâng cao được sức khoẻ học sinh khi các em vẫn còn đang có nhiều áp lực bài tập?

Theo nhận định của nhiều phụ huynh, cải cách giờ vào học chỉ thực sự hiệu quả khi được song hành cùng nhiều biện pháp khác như giảm áp lực học tập, tăng cường hoạt động nâng cao sức khoẻ học đường...

Anh Nam Hải (Hải Phòng) nêu quan điểm: "Khi một quyết định được đưa ra sẽ luôn có ý kiến trái chiều thôi. Lùi giờ hay không, không phải vấn đề quan trọng. Bởi để vừa ý cho hàng triệu phụ huynh về một khung giờ học thì khó lắm, chúng ta phải tự sắp xếp thời gian và chăm lo sức khoẻ cho con cái thôi. Trên hết các phụ huynh nên để con có thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Giảm bớt áp lực học hành và tăng cường hoạt động sức khoẻ. Đừng để áp lực học hành lấy mất tuổi thơ con!".

Tổng hợp

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày