Bài viết là chia sẻ của Peter Rothbart sống tại Washington. Anh từng là kỹ sư hàng không vũ trụ và hiện đang là một chuyên gia nghiên cứu về thẻ tín dụng. Trang Insider đã đăng tải những chia sẻ của Peter Rothbart trong lĩnh vực tài chính, cách kiếm tiền, tiết kiệm và đầu tư. Bài viết dưới đây là cách Peter Rothbart ngừng tiết kiệm bằng mọi cách với lối sống tằn tiện, thay vào đó anh đề cao sự cân bằng giữa tiền bạc và thời gian.
Tôi muốn tiết kiệm tiền bao nhiêu thì tôi lại càng quan tâm đến việc tiết kiệm thời gian bấy nhiêu. Tiền đến và đi, nhưng thời gian chỉ có đi. Đó là tài nguyên quý giá nhất của cuộc đời mỗi người, không thể tái tạo và tôi ngày càng bảo vệ nó.
Tôi đã từng cố gắng tiết kiệm tiền mà không suy nghĩ nhiều về thời gian đã đầu tư. Nhưng trong khi tôi vẫn đặt mục tiêu cắt giảm chi phí hợp lý, giờ đây tôi thực hiện một cách tiếp cận cân bằng hơn. Đặt lại các ưu tiên của mình đã giúp tôi loại bỏ một số thái độ và thói quen phản tác dụng về thời gian và tiền bạc, đồng thời khiến tôi cảm thấy tốt hơn về cách mình quản lý cả hai.
Peter Rothbart
Người Mỹ thích mặc cả. Chúng tôi chờ đợi trong hàng dài chỉ vì nghĩ rằng sẽ mua được món đồ giá rẻ. Chúng tôi khoe khoang với bạn bè về điều đó. Mặt khác, mọi người sẽ khen nếu tôi mất nửa giờ để so sánh giá cả, bởi đó được gọi là một "người mua sắm thông minh".
Tôi đã lãng phí thời gian bằng vô số cách để cố gắng tiết kiệm từng đồng. Tôi đã lái xe ra đường rồi tìm kiếm chỗ mua xăng rẻ hơn, tìm kiếm chỗ đậu xe miễn phí để tránh phải trả tiền, chuyển qua một máy ATM đúng ngân hàng thay vì cây ATM của ngân hàng khác có liên kết để tránh phí rút tiền, đi mua sắm ở cửa hàng (cả trực tuyến và trực tiếp) để tìm giá tốt nhất, đặt chuyến bay chuyển tiếp thay vì chuyến bay thẳng đắt tiền hơn,...
Cho dù những quyết định này có hiệu quả hay không, cách tiếp cận của tôi vẫn còn thiếu sót vì tôi không nhìn thấy một bức tranh toàn cảnh. Tôi có xu hướng chỉ nhìn vào số tiền mà mình đã tiết kiệm được, nhưng không tính đến thời gian đã sử dụng và bất kỳ rắc rối hoặc sự thất vọng nào được thêm vào trong quá trình này. Khi tôi bắt đầu nhìn thấy tất cả các chi phí liên quan, tôi nhận ra rằng tiết kiệm tiền có thể khá tốn kém nếu bạn làm sai cách. Để thay đổi hành vi của mình, tôi phải bắt đầu định giá thời gian rõ ràng hơn.
Mọi người nói rằng thời gian là tiền bạc, nhưng điều đó đặt ra câu hỏi: Bao nhiêu? Mọi người đánh giá thời gian khác nhau và để giúp tôi quyết định cách sử dụng thời gian của mình, tôi đặt một số tiền cụ thể cho thời gian. Đối với tôi, hiện tại, số tiền đó là 60 đô la (1,5 triệu) mỗi giờ. Trung bình, tôi sẵn sàng đánh đổi thời gian của mình để kiếm hoặc tiết kiệm được số tiền đó, nhưng tỷ lệ này chỉ mang tính hướng dẫn hành vi chứ không mang tính quyết định, vì vậy tỷ lệ này linh hoạt tùy theo hoàn cảnh.
Có một số tiền trong đầu giúp tôi nhanh chóng đánh giá liệu một cơ hội kiếm tiền hoặc tiết kiệm tiền có đáng giá hay không. Nếu tôi không kiếm được gần 1,5 triệu mỗi giờ, có lẽ tôi không quan tâm. Đổ xăng tại một trạm xăng cách đó 10 phút sẽ giúp tôi tiết kiệm được 5 đô la (124 nghìn đồng)? Không xứng đáng với chuyến đi. Đó là cách tôi áp dụng.
Cách này cũng có tác dụng ngược lại giúp tôi quyết định xem mình có nên tiêu tiền để tiết kiệm thời gian hay không. Nếu một chuyến bay thẳng đắt hơn 50 đô la (1,2 triệu) nhưng nó giúp tôi không phải chờ đợi tới ba giờ thì tôi sẽ lựa chọn. Nhưng nếu có một phòng chờ sân bay thoải mái, nơi có thể làm việc hiệu quả, thì tôi sẽ suy nghĩ khác.
Để điều chỉnh lại một câu phát ngôn quen thuộc: Tiết kiệm được một phút là kiếm được một phút. Giống như trước đây tôi đã tìm cách cắt giảm tiền bạc, giờ đây tôi tìm cách cắt giảm giờ, phút và giây. Nhiều chiến lược tôi sử dụng để tiết kiệm thời gian không làm tốn bất kỳ chi phí tài chính nào.
Tôi trả tiền cho một số biện pháp giúp tiết kiệm thời gian, nhưng với mức giá rõ ràng là đáng giá theo mức lương hàng giờ mà tôi đã đặt cho mình. Tôi sẵn sàng tự mình sửa chữa nhà cửa hoặc các công việc khác nếu nó giúp tôi tiết kiệm được nhiều tiền, nhưng tôi sẵn sàng trả cao hơn mức lương của mình để tránh những công việc mà tôi cực kỳ không thích.
Ưu tiên thời gian hơn tiền bạc đã giúp tôi trau dồi các phương pháp có lợi để hoàn thành công việc nhanh chóng thay vì tốn kém thời gian tiết kiệm vụn vặt và khiến tôi cảm thấy tốt hơn về mối quan hệ của mình với cả hai nguồn lực. Đây là vài ví dụ:
Tôi không tập trung vào những quyết định nhỏ nhặt: Quyết định mua chiếc xe hơi hay chiếc tủ lạnh đáng để suy nghĩ, còn mua khăn giấy thì đừng tốn quá nhiều thời gian. Tôi đã đưa ra một quy tắc rằng không được phép dành quá vài giây để suy nghĩ về những món đồ không cần thiết có giá dưới 20 đô la (500 nghìn đồng). Tôi không sử dụng đồng hồ bấm giờ, nhưng khi thấy mình đang lưỡng lự trước một món ăn hàng ngày như bơ đậu phộng tôi lập tức dừng lại và đưa ra quyết định.
Tôi chọn thứ đủ tốt: Tôi vẫn sẵn sàng mua sắm khi thấy hợp lý (và tôi đã tính toán thời gian cần thiết), nhưng một khi tôi tìm thấy mức giá hài lòng, sẽ hoàn thành thay vì so sánh ở mọi nơi như lúc trước. Có thể có một mức giá tốt hơn ở đâu đó, nhưng tiếp tục tìm kiếm sẽ khiến bạn mất thời gian hơn. Số tiền tiết kiệm có thể chẳng đáng bao nhiêu, thay vào đó bạn hãy dùng thời gian đó để làm việc và kiếm tiền.
Tôi không đắn đo về các quyết định bản thân: Một khi tôi đã mua hàng, tôi sẽ cố gắng quên nó đi trừ khi có lý do thuyết phục mình nên xem xét lại. Giá cả hàng tiêu dùng thay đổi liên tục, và những đợt giảm giá cũng thế. Bây giờ tôi coi việc mua hàng của mình như những giao dịch đã hoàn thành và không còn bận tâm đến chúng nữa.
Theo Insider