Tôi từng thất bại liên tiếp rồi suýt mất tất cả vì thói quen trì trệ trước khi tìm ra 5 giải pháp "vàng" này cho bản thân

Phạm Như, Theo Trí Thức Trẻ 19:55 09/11/2019

Trì trệ - một câu chuyện không của riêng ai và những điều người trẻ nên biết.

Giống như bao người trẻ thời hiện đại, tôi có thói quen trì hoãn mọi thứ: Email không muốn gửi, những cuộc gọi không muốn thực hiện, những câu chuyện bị phớt lờ, đến nhà cũng không buồn quét dọn...

Mà thường xuyên và tệ hại hơn là tôi đã không tự ý thức "kéo" mình lại, cố gắng hoàn thành chúng, ngược lại, tôi "nỗ lực" lảng tránh những điều tôi không muốn làm, những điều khiến tôi phát phiền mỗi khi thức giấc. Trong khi đó, không phải do tôi chưa sẵn sàng đâu, thậm chí tôi còn cẩn thận note chúng vào danh sách những việc cần làm của mình cơ!

Đọc đến đây, bạn có thấy bản thân mình trong đó không? Những việc đang bị delay có xuất hiện trong đầu của bạn? Nếu có, thì hãy cẩn thận, vì thói quen này có thể khiến bạn trượt dài và rơi vào trạng thái trì trề cực độ.

Có không ít các nghiên cứu đã giải thích về tâm lý của trạng thái này, nhưng chính xác những gì chúng ta nên làm thì vẫn còn rất mơ hồ.

Dưới đây là một vài cách có thể giúp bạn ngưng trì hoãn và hoàn thành mọi việc ngay hôm nay:

Cứ bắt tay vào làm thôi!

Tác giả, doanh nhân James Clear đã phát triển một kỹ thuật có tên là "phương pháp 2 phút". Trong cuốn sách Thói quen nguyên tử (Atomic Habits) của mình, Clear đưa ra nguyên tắc: Nếu đang cố gắng áp dụng bất cứ thói quen mới nào, hãy thực hiện nó trong hai phút!

Kết quả sẽ vô cùng kinh ngạc! Khi đó, những mục tiêu lớn hơn bỗng dưng trở thành nhiệm vụ vô cùng đơn giản. Ông viết: "'30 phút tập yoga' trở thành 'lấy chiếc thảm tập ra,' việc học trong lớp' trở thành 'mở sách mở vở', 'chạy bộ 3km' trở thành 'thắt dây giày chạy'". Ông gọi đó là "thói quen cổng vào".

Ý tưởng nhằm đơn giản hoá mọi thứ hết sức có thể giúp bạn dễ dàng bắt đầu làm việc gì đó. Trong một phút, bất cứ ai cũng có thể thiền, đọc một trang sách hoặc cất bộ quần áo sao cho gọn gàng. Và như đã thảo luận, đây là một phương pháp cực kỳ hiệu quả bởi một khi bạn đã bắt đầu làm điều đúng đắn, việc tiếp tục thực hiện nó sẽ diễn ra suôn sẻ hơn nhiều.

Chỉ là thay đổi thói quen thôi, đâu phải là một thử thách quá ghê gớm. Những bước sau đó có thể khó khăn hơn chút, nhưng hai phút đầu tiên - bước khởi động - nên dễ dàng. Điều bạn cần là hãy ghi nhớ "thói quen cổng vào" này, nó sẽ dẫn dắt và giúp bạn làm việc năng suất một cách tự nhiên.

Tôi từng thất bại liên tiếp rồi suýt mất tất cả vì thói quen trì trệ trước khi tìm ra 5 giải pháp vàng này cho bản thân - Ảnh 1.

Đôi khi cầu toàn quá lại thành hỏng việc!

Ngưng cầu toàn

Nghe thì có vẻ nghịch lý phải không? Nhưng đúng vậy, trong trường hợp này, ngưng cầu toàn đôi khi chính là giải pháp!

Voltaire, một nhà văn và triết học người Pháp đã viết: "Sự hoàn hảo là kẻ thù của cái tốt"

Giám đốc điều hành của Facebook, Sheryl Sandberg chia sẻ trong cuốn sách "Lean In: Women, Work And The Will To Lead" rằng: "Việc hoàn thành mọi thứ còn tốt hơn là sự hoàn hảo"

Bạn thấy đấy, cả hai cùng đưa ra quan điểm: đôi khi cầu toàn quá lại thành hỏng việc. Vì vậy, đừng để bản thân bị cuốn vào sự hoàn hảo và loay hoay không biết nên làm gì, bắt đầu như thế nào cho thật tốt, hãy cứ làm việc không ngừng nghỉ cho đến khi bạn hoàn thành nó!

Hãy biết tự yêu thương mình nhưng đừng nhẫm lẫn với việc nuông chiều bản thân!

Nghiên cứu cho thấy rằng tự cho phép bản thân nghỉ ngơi và chấp nhận sai sót của chính mình không chỉ là bước đầu tiên để cải thiện sức khoẻ và tinh thần, mà cũng là cách để đưa bản thân vào kỷ luật, từ đó làm việc năng suất hơn. Nó có vẻ mâu thuẫn với những lời khuyên và những cuốn sách "self-help" rằng quyết tâm và kỷ luật thép là chìa khóa dẫn đến thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times, Kristin Neff, phó giáo sư phát triển con người tại Đại học Texas ở Austin, một nhà nghiên cứu tiên phong về lòng tự trọng cho biết: "Sau khi nghiên cứu, tôi đã phát hiện ra lý do lớn nhất mà mọi người không thích ‘rộng lượng với bản thân’ là bởi họ sợ rằng họ sẽ trở nên tự ái. Họ tin rằng sự phê bình gay gắt là điều giúp mình lập lại trật tự. Hầu hết mọi người đã hiểu sai!". Gay gắt quá đôi khi dẫn đến việc mất niềm tin vào bản thân và mất đi động lực.

Nghiêm khắc, nhưng cũng đừng quên tự yêu thương mình, tránh nhầm lẫn với việc quá buông thả và nuông chiều bản thân là được!

Dẹp mấy lý do của bạn đi!

Nếu bạn thấy mình bị phân tâm bởi những thứ như mạng xã hội, những việc ít quan trọng hay bất cứ điều gì làm bạn mất tập trung khi phải làm những việc cần thiết và thử thách hơn, hãy bắt đầu học cách quản lý nó.

Nếu bạn là người dành quá nhiều thời gian cho Facebook, Instagram hoặc mua sắm online, và điều đó ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như năng suất làm việc của bạn, hãy sử dụng những phần mềm như Freedom hoặc SelfControl để hạn chế các trang web đó. Hãy tự giác tắt điện thoại và đặt nó xuống.

Ban đầu, nếu gặp khó khăn trong việc sắp xếp những việc ít quan trọng thì hãy thử nhờ hay bàn giao chúng cho đồng nghiệp, hay thậm chí chi trả cho người giúp mình hoàn thành những việc đó để chú tâm vào mục tiêu lớn hơn. Khi đã tạo lập được thói quen tập trung vào các ưu tiên khẩn cấp nhất và hoàn thành chúng, bạn sẽ tự biết cách xử lý đống việc còn lại.

Tự thưởng cho bản thân

Đừng đang dang dở việc lại quay sang lướt Facebook, chat với bạn bè, xem một video ca nhạc hay một bộ phim… Tuy rằng đây là những việc bạn thực sự yêu thích, nhưng đây không phải là lúc.

Thay vì mất tập trung, hãy khuyến khích bản thân làm việc năng suất cho đến khi bạn hoàn thành các ưu tiên của mình. Đến đây, bạn có thể thoải mái thư giãn rồi đó!

*Bài chia sẻ của tác giả Frances Bridges trên Forbes - một cây viết về đời sống với nhiều lời khuyên bổ ích, đặc biệt là cho phái đẹp.