Có bệnh là hỏi... Google? Thống kê đáng sợ chỉ ra rằng thói quen này nguy hiểm hơn bạn tưởng rất nhiều

J.D, Theo Helino 11:57 09/11/2019

Rất nhiều người có thói quen khi mắc bệnh lại đi hỏi Google, thay vì tìm đến bác sĩ. Và dĩ nhiên, đó là một sai lầm.

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, con người dần có xu hướng trở nên độc lập hơn. Cái gì không biết, ta lại tra trên mạng. Và thậm chí cả khi có bệnh, việc đầu tiên chúng ta làm không phải là đi kiếm bác sĩ, mà là hỏi ông Google đã.

Dám chắc rằng rất nhiều người cũng có thói quen này. Tuy nhiên, việc lệ thuộc vào "bác sĩ Google" có thể gây ra nhiều nguy hiểm hơn bạn tưởng. Bởi theo như một nghiên cứu mới đây thì cứ 5 người Mỹ lại có 2 người đã tự chẩn đoán sai cho bản thân, với các bệnh tình nguy hiểm hơn so với thực tế.

Có bệnh là hỏi... Google? Thống kê đáng sợ chỉ ra rằng thói quen này nguy hiểm hơn bạn tưởng rất nhiều - Ảnh 1.

Có bệnh vái tứ phương, nhưng sao lại vái anh "Google"

Cụ thể, đây là kết quả của cuộc khảo sát trên 2000 người do OnePoll - một website chuyên khảo sát của Mỹ thực hiện. Kết quả cho thấy 43% người tham gia thường xuyên tự tìm hiểu bệnh tình của mình trên mạng, để rồi đưa ra những chẩn đoán sai lệch.

Ngoài ra trong nghiên cứu, 65% người tham gia thường xuyên thực hiện thói quen này. Và có đến 74% cho biết họ cảm thấy lo lắng hơn sau khi làm điều đó. Nguyên do là bởi những lời khuyên về mặt y tế được tìm thấy trên Google chỉ đáng tin cậy trong chưa đầy 40% trường hợp mà thôi.

Có bệnh là hỏi... Google? Thống kê đáng sợ chỉ ra rằng thói quen này nguy hiểm hơn bạn tưởng rất nhiều - Ảnh 2.

Nhưng tại sao con người ta vẫn tin tưởng "bác sĩ Google" đến vậy? Theo thống kê, có đến 26% người tham gia không muốn đến bác sĩ, thậm chí 10% thường xuyên né tránh việc đó. Lý do được đưa ra chủ yếu là vì chi phí khám bệnh quá tốn kém tại Mỹ. Ngoài ra, một số người cho biết vì bác sĩ không chịu lắng nghe họ mô tả triệu chứng của mình, và 37% thì không thể sắp xếp lịch hẹn (do quá bận).

"Khảo sát này cho thấy có một số lượng người không nhỏ hiện đang sống với những triệu chứng bệnh hết sức tiêu cực, nhưng họ lại không hiểu và chẩn đoán sai về nó," - trích lời Robert Mordkin, giám đốc y tế của LetsGetChecked, công ty vừa hợp tác cùng OnePoll để đưa ra khảo sát trên.

Có bệnh là hỏi... Google? Thống kê đáng sợ chỉ ra rằng thói quen này nguy hiểm hơn bạn tưởng rất nhiều - Ảnh 3.

"Thực ra thì việc tự trau dồi kiến thức qua internet tại nhà là tốt, nhưng điều quan trọng là phải có các xét nghiệm khách quan."

Mordkin cho biết cuộc khảo sát cũng chỉ ra cách để khuyến khích mọi người đi khám hơn, khi có 47% cho biết họ sẵn sàng đi nếu như các bác sĩ đưa ra được lời giải thích hợp lý cho bệnh tình của họ. 46% thì mong muốn chi phí khám thấp hơn, còn 43% sẽ đi khám nếu lịch khám được linh hoạt.

Ngoài ra, cuộc khảo sát lần này còn nhằm tìm hiểu độ hiểu biết của các ứng viên về cơ thể người nói chung. Kết quả cho thấy 68% nghĩ rằng họ đủ hiểu biết về cơ thể mình, nhưng tiếc là thực tế không đúng như vậy. Chẳng hạn như khi hỏi tuyến giáp nằm ở đâu (vùng cổ, dọc theo khí quản), chỉ 45% trả lời đúng, mà chủ yếu cho rằng nó nằm ở sườn hoặc dưới vùng tim.

"Thực tế cho thấy quá nửa người trưởng thành tại Mỹ đang tìm đến Google khi có bệnh là rất đáng ngại. Đáng ngại hơn nữa là việc đặt lịch với bác sĩ có thể kéo dài cả tuần, thậm chí hàng tháng trời mới có thể tìm ra bệnh thật của mình. Điều này cho thấy chúng ta cần những giải pháp xét nghiệm khác nhanh chóng hơn, giúp người dân hiểu hơn về sức khỏe của mình." - Mordkin kết luận.

Tham khảo: Daily Mail