''Tôi là bác sĩ bé đầu bự!'' và câu chuyện gia đình xúc động của chàng bác sĩ đồng hành cùng những bệnh nhi đặc biệt

Văn Tiên - Clip: Di Anh, Trần Thành - Ảnh: Viết Thanh, Theo Tổ quốc 07:59 27/06/2023
Chia sẻ

''Tôi có một ước mơ là sẽ không có một bệnh nhân nào bị bỏ lại'', nói đoạn, BS Lê Quang Mỹ nhìn bức ảnh của một em bé não úng thủy, trầm ngâm.

15h chiều, sau ca trực tại khoa Ngoại Thần kinh, BV Nhi đồng 2, BS Lê Quang Mỹ quay về căn nhà nhỏ của mình, tạm nghỉ một chút trước khi bước vào buổi tư vấn online cho các bậc phụ huynh.

Vòng quay công việc từ bệnh viện đến phòng khám, rồi cả những hoạt động sinh hoạt khoa học, đoàn thanh niên, hội thầy thuốc trẻ, thiện nguyện, quản trị chung cư… cứ thế xoay quanh cuộc sống của vị bác sĩ trẻ. Căng thẳng, quá tải thì có nhưng để từ bỏ thì không, hơn 7 năm qua, BS Mỹ đã dành tất cả sự nhiệt thành, tâm huyết của mình cho bệnh nhi, nhất là những đứa trẻ não úng thủy.

Clip: Câu chuyện gia đình xúc động của chàng bác sĩ đồng hành cùng những bệnh nhi đặc biệt

Ước mơ viết tiếp từ nỗi nhọc nhằn của cha mẹ

''Nói đến cơ duyên làm bác sĩ thì không có cơ duyên nào hết. Khi đó mình chỉ biết cố gắng học. Cha mẹ cứ nói nhà mình khó khăn nên dặn mấy anh em mình cố gắng học để sau này khỏi làm nông cực khổ. Học là cách duy nhất mình có thể làm để bù đắp phần nào sự khổ cực của cha mẹ. Đó là động lực lớn nhất giúp mình vượt qua những khó khăn, cám dỗ của cuộc sống cũng như thời tiết khắc nghiệt của Tây Nguyên để bám lấy con chữ. Mẹ nói 'cha mẹ không sợ nghèo, cha mẹ chỉ sợ con dốt, con hư. Mỗi thành tích của bọn con là một liều thuốc bổ cho mẹ''', BS Lê Quang Mỹ mở đầu cuộc trò chuyện.

Tôi là bác sĩ bé đầu bự! và câu chuyện gia đình xúc động của chàng bác sĩ đồng hành cùng những bệnh nhi đặc biệt - Ảnh 2.

Sinh ra từ làng kinh tế mới vùng nông thôn Đắk Lắk, không chỉ riêng BS Mỹ mà với rất nhiều bạn bè đồng trang lứa, hai từ đại học thi thoảng mới được nhắc tới như một giấc mơ xa vời chứ nói gì tới việc đậu trường y thành phố. Điều may mắn nhất, dù gia đình xảy ra biến cố về kinh tế, khó khăn chất chồng nhưng cha mẹ luôn dành mọi điều kiện tốt nhất có thể để lo cho các anh em ăn học. Nhớ lại thời điểm những năm cuối cấp, dù sống chung một nhà nhưng những lần BS Mỹ được gặp cha mẹ chỉ đếm trên đầu ngón tay.

''Cha mẹ mình thường xuyên không có ở nhà, mẹ về lúc anh em mình đã ngủ say và mẹ đi khi bọn mình còn chưa tỉnh giấc. Có quá nhiều biến cố xảy ra lúc đó, đến mức khi nhận được tin báo đậu vào trường y, tương lai vẫn là một thứ gì đó rất mơ hồ đối với mình. Mình chỉ có thể hình dung ra cuộc sống sinh viên qua bối cảnh của bài hát Cây Đàn Sinh Viên và không hề có sự chuẩn bị nào cho việc đậu đại học'', BS Mỹ xúc động.

''Cha mẹ quyết định làm một cái tiệc ở quê có thầy cô, bạn bè để mừng mình đậu đại học. Mình không hề muốn tổ chức buổi tiệc đó nhưng mình nghĩ nó cần thiết giúp cha mẹ có thêm động lực để tiếp tục chiến đấu trên một chặng đường vẫn còn rất dài ở phía trước. Buổi tiệc đó, không phải dành riêng cho mình, cha mẹ mới là người xứng đáng hơn''.

Chàng thanh niên trẻ chia tay gia đình và bắt đầu hành trình học đại học ở TP.HCM với hành trang là vài bộ quần áo, vài cuốn tập và một bao gạo mang theo. Đó là quãng thời gian vô cùng khó khăn, giờ nghĩ lại anh thấy bên cạnh ý chí không từ bỏ, bản thân cũng đã quá may mắn vì vượt qua nó.

Tôi là bác sĩ bé đầu bự! và câu chuyện gia đình xúc động của chàng bác sĩ đồng hành cùng những bệnh nhi đặc biệt - Ảnh 3.

''Lúc đó, bước ra cổng trường mình không biết hướng nào là nhà, giờ cơm không còn hình bóng của mẹ mà là những hộp cơm bụi, cứ vậy nước mắt tự nhiên rơi. Nhớ nhà cùng việc khóc một mình trở thành người bạn đồng hành với mình trong suốt mấy năm đầu ở TP.HCM'', BS Mỹ nói.

Thành tích học tập vì nhiều lý do, thường dưới mức kỳ vọng. Mãi đến năm thứ 5, khi đi làm thêm ở phòng khám quốc tế, kiếm được những đồng tiền đầu tiên từ việc học ngành y, BS Mỹ mới trải nghiệm cảm giác được sống với cái nghề mình đang học và bắt đầu có niềm tin cuộc sống ở thành phố.

''Nội trú là một giấc mơ của tất cả sinh viên y khoa nhưng riêng bản thân mình thì giấc mơ đó có lẽ không hề tồn tại. Có một giấc mơ khác được mình đeo đuổi suốt những năm tháng trên ghế trường y là làm sao cho cuộc sống gia đình bớt khó khăn, cả nhà được đoàn tụ, hạnh phúc. Dù kết quả học tập năm thứ 6 rất tốt, nhưng điểm tổng kết 6 năm học chỉ gần đủ để mình tham dự kỳ thi nội trú. Một chút buồn, một cái hít thật sâu và rồi bước tiếp, vì cuộc sống vẫn tiếp diễn và mình cần tiếp tục cuộc hành trình'', BS Mỹ trải lòng.

Khi lằn ranh giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau một tích tắc

Ngày 10/2/2014, hành trình mới lại bắt đầu với BS Mỹ khi trúng tuyển vào BV Nhi đồng 2. Đây cũng chính là môi trường giúp BS Mỹ chạm tới động lực nghề nghiệp, học hỏi và trau dồi bản thân.

''May mắn lớn nhất mà mình có được chính là được học tập và làm việc tại Nhi đồng 2. Mình thích con nít, cảm thấy những đứa trẻ luôn có một năng lực đặc biệt, sự phát triển của trẻ cũng rất đa dạng, thu hút mình không ngừng tìm hiểu về nó.

Nhờ chương trình đào tạo trẻ tại BV Nhi đồng 2, mình được trang bị nền tảng kiến thức nhi khoa cơ bản ngay từ khi mới về bệnh viện. Đó là nền tảng để mình tiếp tục phát triển khi tham gia các học bổng ngắn hạn ở nước ngoài sau đó. Cô giáo mình, PGS.TS.BS Đoàn Thị Ngọc Diệp căn dặn từ ngày đầu về bệnh viện: Thầy của cô dạy, bác sĩ ngoại là bác sĩ nội biết mổ. Cô sẽ theo sát các bác sĩ ngoại để các em được học hành thật kỹ, sau này giúp được nhiều bệnh nhân'', BS Mỹ nói.

Đối với một bác sĩ trẻ, lần đầu tiên cầm dao mổ, BS Mỹ cũng bị ngộp, tay chân run lẩy bẩy dù rằng chỉ thực hiện những thao tác đơn giản. Nhờ có sự hỗ trợ của các đàn anh, chỉ vài tuần sau đó, BS Mỹ vượt qua nỗi sợ về mặt tâm lý và bắt nhịp với công việc tại khoa Ngoại Thần kinh, nơi lằn ranh giữa sự sống và cái chết đôi khi chỉ cách nhau một tích tắc. Đến năm 2016, sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề và kết thúc đợt tập huấn về não úng thủy tại Châu Phi, BS Mỹ chính thức đảm nhiệm vai trò chính trong một ca phẫu thuật về não.

''Lần đầu tiên đứng trước một ca phẫu thuật đặt ống dẫn lưu cho bé não úng thủy với vai trò là phẫu thuật viên chính, áp lực lớn hơn hàng trăm ca mổ phụ trước đó. Đêm đó mình mất ngủ, đến lúc mổ xong cứ bồn chồn lo lắng không biết bệnh nhân mình có ổn không. Chỉ khi tới sáng hôm sau, nhìn thấy bệnh nhân thức tỉnh và dần hồi phục, mình mới bắt đầu nhẹ nhõm. Lúc này, mình mới hiểu được ý nghĩa của câu mà bác sĩ trưởng khoa, cũng là thầy của tụi mình ghi trong phòng: Đã coi lại bệnh nhân sau mổ chưa'', BS Mỹ chia sẻ.

''Trước đây, mình thường nhớ đến những ca thành công. Nhưng hiện tại, những ca thất bại mới khiến mình suy nghĩ và mất ngủ. Khi quyết định làm bác sĩ, là mình đã chọn chiến đấu cho sự phục hồi của người bệnh. Vì vậy, khi sức khỏe của bệnh nhi chưa cải thiện, đầu mình phải suy nghĩ tại sao? Tại sao lại chưa làm được'', BS Mỹ trải lòng.

Gần 10 năm làm nghề, sai sót với BS Mỹ là điều không thể tránh khỏi. Trong đó, những nhận định sai vẫn luôn là nỗi ám ảnh với vị bác sĩ trẻ.

Tôi là bác sĩ bé đầu bự! và câu chuyện gia đình xúc động của chàng bác sĩ đồng hành cùng những bệnh nhi đặc biệt - Ảnh 4.

''Tưởng tượng như mình đứng ở ngã ba đường, lẽ ra rẽ phải mới đúng nhưng mình quyết định rẽ trái. Và trong tích tắc, mình đã mất bệnh nhân… Có người nói với mình, bác sĩ, nhất là bác sĩ phẫu thuật thần kinh là người được giao phó trách nhiệm đứng canh cửa sinh tử.

Thất vọng với chính bản thân mình, cảm giác giống như mình đang cố gắng cầm chặt một cái gì đó rất quan trọng trong tay rồi bị tuột mất, không thể giữ lại được'', BS Mỹ nghẹn giọng.

Chúng ta đã quen thuộc với bộ phim Fast & Furious, vừa nhanh và nguy hiểm. Nhưng đối với ngoại thần kinh, nhất là trong những ca mổ cấp cứu xuất huyết não, u não… Fast nhưng không thể furious, nhanh nhưng phải chính xác và an toàn nhất có thể. Những lúc đó, buộc các bác sĩ phải luôn trong trạng thái sẵn sàng, tỉnh táo bởi tính mạng bệnh nhân gần như phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định từ bác sĩ.

''Có những ca bệnh cấp cứu phải phẫu thuật khẩn cấp lúc nửa đêm, kết thúc mũi khâu lúc trời chạng vạng sáng, toàn ê-kíp mệt rã rời. Nhưng thứ đang sợ nhất không phải là sự mệt mỏi về thể xác mà chính là người bệnh không qua khỏi hoặc diễn tiến nặng hơn. Sự thất vọng bao trùm lên tất cả, còn mình vẫn phải đứng dậy, đối diện với gia đình để thông báo tin xấu và đôi khi cả những lời phê bình từ đồng nghiệp. Đối mặt với nó là điều không dễ dàng, nhưng để tiếp tục làm nghề, mình phải biết cách vượt qua nó. Cách của mình là luôn trong tư thế sẵn sàng và nỗ lực hết sức trong từng ca bệnh'', BS Mỹ chia sẻ.

Tôi là bác sĩ bé đầu bự! và câu chuyện gia đình xúc động của chàng bác sĩ đồng hành cùng những bệnh nhi đặc biệt - Ảnh 5.

Tôi là ''bác sĩ bé đầu bự''

7 năm được mọi người gọi với cái tên thân thương ''bác sĩ bé đầu bự'', BS Lê Quang Mỹ mong rằng mọi người hiểu rõ hơn về bệnh lý não úng thủy, từ đó giúp các con có thêm nhiều cơ hội để được phát hiện, chữa trị.

Não úng thủy là bệnh lý thần kinh phải điều trị suốt đời, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm thần kinh của bệnh nhân nên việc đi đứng, nói chuyện của các bé sẽ phát triển chậm hơn trẻ bình thường. Dù vậy, việc phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị đúng phương pháp sẽ mang lại rất nhiều cơ hội cho bệnh nhi có được chất lượng cuộc sống gần như bình thường.

''Nhiều gia đình không biết thông tin về bệnh nên việc phát hiện trẻ bị não úng thủy rất muộn. Khi đó, điều trị sẽ không đạt được hiệu quả tối đa. Đến khi bé xuất viện về nhà, việc trao đổi với gia đình bệnh nhi cũng gặp nhiều khó khăn. Mình thấy được điều đó nên song song với việc điều trị, mình lập ra Fanpage 'Bác sĩ bé đầu bự' để làm sao giúp gia đình có trẻ mắc não úng thủy sớm phát hiện, nhận diện để điều trị đúng phác đồ, được theo dõi thường xuyên.

Thông qua nền tảng trực tuyến và dễ sử dụng này, mình muốn chia sẻ thông tin cơ bản, cập nhật về bệnh lý não úng thủy và khi được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, các bé hoàn toàn có khả năng sống rất tốt. Đây cũng là nơi kết nối, tạo ra những nhóm bệnh nhân để các phụ huynh cùng hỗ trợ lẫn nhau bất chấp khoảng cách địa lý, thời gian. Mình cũng hy vọng giải pháp này sẽ lan tỏa đến các đồng nghiệp trẻ để càng ngày càng có thêm nhiều cầu nối tới bệnh nhân'', BS Mỹ nói.

Giai đoạn đầu khi mới chập chững bước vào giảng đường y khoa, gia đình là động lực chính để BS Mỹ cố gắng, cùng cha mẹ đưa gia đình qua giai đoạn khó khăn. Nhưng khi trực tiếp chứng kiến một bệnh nhi não úng thủy được nhân viên y tế phát hiện ở những ngôi nhà nằm sâu trong rừng, đưa tới bệnh viện điều trị, chăm sóc và nhìn thấy sự phục hồi, BS Mỹ đã tìm thấy mối liên kết đặc biệt - sự nhiệm màu của y khoa có thể mang lại.

''Khi gia đình bắt đầu trở lại với nhịp sống, mình đã bắt đầu ước mơ cùng người bệnh. Mình ước dù cho lý do đó là gì, sẽ không có một bệnh nhân nào bị bỏ lại khi còn có khả năng điều trị. Tất nhiên để làm được điều đó không hề dễ dàng, cần phải có sự chung tay của tất cả mọi người với chủ lực là những thầy thuốc vững tay nghề, cùng sự phối hợp của người bệnh, sự góp sức của cả cộng đồng và các công cụ hỗ trợ, trong đó quan trọng nhất là các nền tảng công nghệ kết nối trực tuyến'', BS Mỹ tâm sự.

7 năm không phải là quãng thời gian quá dài đối với một đời người nhưng chừng ấy thời gian đã đủ cho BS Lê Quang Mỹ hiểu và cảm nhận rõ hơn về những em bé đầu bự. Xuất phát từ tình yêu thương dành cho con nít, sự mong mỏi của một người bác sĩ để giúp những bệnh nhi vượt qua đau đớn về bệnh tật, BS Mỹ hiểu rằng để đi được một chặng đường dài nhất cùng với trẻ não úng thủy, chuyên môn bản thân phải liên tục phát triển và luôn lắng nghe những nguyện vọng, nhu cầu của người bệnh, từ đó tìm cách hỗ trợ phù hợp nhất.

Vậy nên lâu lâu trên Fanpage của ''Bác sĩ bé đầu bự'', lúc thì thấy BS Mỹ chia sẻ tâm sự, an ủi bệnh nhân, lúc thì đi kêu gọi hỗ trợ về mặt tài chính, tìm kiếm những mối liên hệ cần thiết để việc điều trị của bệnh nhân được tốt nhất.

Tôi là bác sĩ bé đầu bự! và câu chuyện gia đình xúc động của chàng bác sĩ đồng hành cùng những bệnh nhi đặc biệt - Ảnh 6.

Tất cả những việc mà BS Lê Quang Mỹ đã và đang làm đều mong muốn thực hiện ước mơ không để bệnh nhân nào bị bỏ lại. Hành trình đó thật vui vì mỗi ngày khi BS Mỹ lại gặp thêm nhiều đồng nghiệp, bạn bè, đối tác công nghệ, truyền thông dưới sự định hướng của Bộ Y tế.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày