Tình yêu đồng tính ở phim Việt cứ phải đầy bi kịch, chia lìa?

Phúc Du, Theo Trí Thức Trẻ 14:20 23/09/2017

Chúng ta bảo xã hội đã cởi mở hơn với người đồng tính, nhưng thực tế vẫn còn rất xa lạ. Tiêu biểu như phim đồng tính, được mấy phim có kết cục đoàn viên?

Chủ đề tình yêu đồng tính từ lâu đã được xem như một dòng phim đặc biệt trong điện ảnh. Tất nhiên Việt Nam cũng không ngoại lệ. Bắt đầu bằng những vai diễn "bóng lộ" với mục đích gây hài, dần dà phim Việt đã xuất hiện những người đồng tính bình thường hơn, nhiều góc độ được khai thác hơn.

Phim đồng tính Việt sẽ không tồn tại nếu không bi kịch, chia lìa!? - Ảnh 1.

Chị Hội của "Để mai tính" - một nhân vật LGBT nổi bật của phim Việt

Năm 2015, nhà nước Việt Nam thay đổi điều luật trong việc kết hôn đồng tính. Cụ thể, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 bỏ quy định "cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính" nhưng có quy định cụ thể: "không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính" (khoản 2 Điều 8). Tức là những người đồng tính có thể kết hôn với nhau nhưng nếu có tranh chấp hôn nhân sẽ không được bảo vệ.

Tuy chưa thực sự rõ ràng nhưng việc bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người đồng tính đã gây ra một làn sóng ủng hộ khá mạnh lúc bấy giờ. Nhiều người thay avatar với hình ảnh cầu vồng lục sắc (biểu tượng của cộng đồng LGBT), nhiều phát ngôn rất hay ho ra đời, cảm giác như cộng đồng LGBT sắp bước qua một trang mới.

Hòa với không khí nhộn nhịp đó, điện ảnh cũng có những sự xê dịch. Nhiều bộ phim đề cập đến tình yêu đồng tính hoặc tập trung thẳng vào tình yêu đồng tính ra đời. Nhưng nhìn lại một lượt, dường như chúng ta vẫn chưa dám cho những người đồng tính một cái kết đẹp trên màn ảnh.

Phim đồng tính Việt sẽ không tồn tại nếu không bi kịch, chia lìa!? - Ảnh 2.

Năm 2011, phim Hot Boy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con Vịt của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng ra mắt trong sự ngạc nhiên và nghi ngờ của số đông vì đề cập thẳng thừng đến tình yêu và nạn mại dâm đồng giới. Lúc đó nhận thức của xã hội về cộng đồng LGBT còn chưa rõ ràng, rất nhiều người vẫn kì thị và bĩu môi khi nhắc đến vấn đề này. Trên hoàn cảnh đó, bộ phim thực sự đã tạo ra một cái nhìn cởi mở hơn với khán giả. Sau khi phim công chiếu, nhiều người thừa nhận đã hiểu hơn về tình yêu giữa những người đồng giới, không đơn thuần chỉ có xác thịt. Cũng như cộng đồng LGBT đã thoải mái thể hiện mình hơn trước.

Tuy nhiên, với những khán giả đã tiếp xúc với nhiều bộ phim đồng tính trên thế giới, khi đó lại có chút hụt hẫng vì họ nghĩ rằng Vũ Ngọc Đãng sẽ là người tiên phong mở ra một tương lai với những "happy ending" cho phim đồng tính Việt. Nhưng rốt cuộc, Khôi và Lam sau khi có một tình yêu đẹp thì vẫn không thể bên nhau. Tất nhiên có thể lý giải lý do họ xa nhau vì những vấn đề mang tính hòa hợp và cuộc sống nhưng vẫn nhận ra được rằng ở thời điểm đó, chưa ai dám thực sự mở ra một cái kết viên mãn cho tình yêu đồng giới.

Phim đồng tính Việt sẽ không tồn tại nếu không bi kịch, chia lìa!? - Ảnh 3.

Đến Hot Boy nổi loạn 2, dù cuối cùng nhân vật Long và Cuội đã ở bên nhau, gầy dựng một hạnh phúc đơn sơ nhưng Lam vẫn phải nhận một kết cục cay đắng. Thậm chí, người mà anh tìm kiếm là Khôi cũng đã mất. Đối với những người quan tâm đến bộ phim này, chắc chắn họ đã hụt hẫng ít nhiều khi đạo diễn cho Lam đi thêm một vòng lớn để tìm lại hạnh phúc nhưng cuối cùng vẫn là số không. Rõ ràng ở thời điểm mà suy nghĩ về đồng tính đã thay đổi nhiều, nhiều người mong ngóng một "happy ending" hơn nhưng kết quả vẫn là một bi kịch.

Trao đổi với đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, anh cho biết cái kết bi ấy là kết quả tất yếu cho những việc Lam đã làm chứ nó không được viết ra vì chủ đích tạo bi kịch. Tuy nhiên, việc nhân vật cứ nhất định phải gặp bi kịch rồi xa nhau, trong khi phim về tình yêu đồng tính vốn đã ít, khiến không ít người nghĩ rằng phim Việt vẫn chưa thực sự cởi mở.

Phim đồng tính Việt sẽ không tồn tại nếu không bi kịch, chia lìa!? - Ảnh 4.

Phim Lô Tô nói về những người giả gái hát hội chợ, có khai thác về sự kì thị của gia đình nhưng rốt cuộc đến cuối phim, nhân vật của Hữu Châu vẫn phải trở lại làm con trai để chủ hôn cho con gái

Hay lấy ví dụ phim Tao không xa mày vừa ra rạp. Bộ phim này có hướng đề cập đến tình yêu đồng giới theo cách rất dung dị, đơn giản, bỏ hết những chi tiết về sự kì thị nhưng rốt cuộc cả hai nhân vật chính vẫn không thể ở bên nhau vì cuộc sống, vì nhiều thứ. Nhưng cũng đừng vội trách biên kịch hay đạo diễn nhát tay, đã không dám thẳng thừng viết ra một kết cục viên mãn bởi có khi trong vô thức, họ đã không thực sự mạnh mẽ để làm điều đấy một cách rất bản năng. Những cái nhìn kì thị, những câu đánh giá nặng lời luôn kinh khủng mà không phải ai cũng đủ can đảm bỏ ngoài tai.

Phim đồng tính Việt sẽ không tồn tại nếu không bi kịch, chia lìa!? - Ảnh 5.

Gần đây, dự án web drama đam mỹ do Duy Khánh bỏ tiền đầu tư My Sky - Bầu trời của Khánh bị nhiều khán giả "report" đến mức phải giới hạn độ tuổi người xem dù phim không có những cảnh nóng táo bạo. Đây là minh chứng khá rõ ràng cho việc khán giả đại chúng Việt Nam vẫn chưa thực sự mở lòng với phim đồng tính.

Phim đồng tính Việt sẽ không tồn tại nếu không bi kịch, chia lìa!? - Ảnh 6.

Nhìn qua nước bạn một chút, Trung Quốc chẳng hạn, ta cũng sẽ thấy thực trạng không sáng sủa hơn là mấy. Web drama Thượng Ẩn năm vừa rồi dù chỉ phát sóng trên internet nhưng vẫn bị cắt bỏ những cảnh nóng. Thậm chí, sau khi cặp đôi nam chính được ủng hộ quá nhiệt liệt thì cả hai bị cấm xuất hiện cùng nhau và dự án phim phần 2 cũng không được cấp phép quay.

Thực sự là một khó khăn rất lớn nếu có chỉ thị của nhà nước nhưng các nhà làm phim ở Trung Quốc vẫn không bỏ cuộc. Không được phát cảnh nóng thì họ sẽ không quay cảnh nóng hoặc bỏ đi khi phát hành. Quan trọng là ngoài Thượng Ẩn vẫn có rất nhiều phim đồng tính khác được thực hiện mà nội dung đơn thuần chỉ xoay quanh chuyện tình yêu.

Phim đồng tính Việt sẽ không tồn tại nếu không bi kịch, chia lìa!? - Ảnh 7.

Chúng ta còn lâu mới bằng được Thái Lan - thiên đường của những phim đồng tính - nhưng nếu chúng ta cũng không có được sự dấn thân và ứng biến như của người Trung Quốc thì có lẽ tương lai cho những phim đồng tính bình thường sẽ không thể mở ra. Nếu muốn làm phim về đồng tính mà cứ phải bám vào những câu chuyện mang vấn đề xã hội, hay kết thúc là một bi kịch tan thương thì mãi mãi cái nhìn về người đồng tính trong phim ảnh sẽ rất nặng nề.

Những khán giả của dòng phim này, kể cả những khán giả bình thường đều cần nhiều hơn những bộ phim tình cảm đơn giản của những người đồng tính, không giật gân, không giết chóc, không bi kịch hóa và một kết thúc viên mãn. Vấn đề là những đạo diễn có dám "chịu chơi" hay không? Làm sao để những nhà đầu tư bị thuyết phục khi mà số đông khán giả vẫn còn chưa thực sự mở lòng với phim đồng tính, cũng như Luật kết hôn đồng tính cũng chưa thực sự ủng hộ vậy.

Phim đồng tính Việt sẽ không tồn tại nếu không bi kịch, chia lìa!? - Ảnh 8.

Chanon santinatornkul (Bank của Bad Genius) đóng khá nhiều phim có đề cập đến tình yêu đồng tính

Nhưng mà các bạn ơi, khán giả, số đông sẽ không thể tự nhiên mà hết kì thị! Phim ảnh chính là một trong những con đường tiếp cận văn hóa thuận lợi để xóa đi cái định kiến đó. Nếu không làm làm sao biết người ta có thay đổi hay không. Bất cứ một thói quen nào cũng cần thời gian nhưng quan trọng là phải có người tiên phong thay đổi.

Cũng không hẳn là chưa có ngoại lệ. Năm 2015, phim Yêu (đạo diễn Việt Max) dựa trên bộ phim Love of Siam của Thái đã có một cái kết đẹp hơn bản gốc khi hai nhân vật chính đã đến được với nhau. Hãy nhìn phản ứng của khán giả khi đó, gần như có rất ít sự phản đối. Bởi vì bộ phim, diễn xuất của diễn viên đã cho người ta thấy được tình yêu giữa họ là có thật. Mà tình yêu thì không có giới hạn, rào cản hay phân biệt giới tính. Thành công của Yêu chính là khiến khán giả đồng cảm với tình yêu mà không màng quan tâm nó có kì lạ hay không giữa hai cô gái.

Phim đồng tính Việt sẽ không tồn tại nếu không bi kịch, chia lìa!? - Ảnh 9.

Vì thế mà chúng ta cần nhiều hơn một phim Yêu, để vừa có thể góp phần thay đổi nhận thức, định kiến của số đông về người đồng tính; vừa xây dựng một tương lai dễ dàng hơn, thoải mái hơn cho những bộ phim về đồng tính không bi kịch, không nặng nề, chỉ đơn giản là một câu chuyện tình cảm nhưng rất nhiều câu chuyện tình cảm khác. Đừng để phim đồng tính Việt sẽ không thể tồn tại nếu không có những cuộc chia ly hay cái chết.