- Sao không “chơi” đường kia mà “chơi” đường này? – Bác sĩ hỏi khi khám cho người bệnh đồng tính nam mắc bệnh lây qua đường tình dục, viêm ở hậu môn.
- Ủa sao trai không ra trai, gái không ra gái vậy? – Cũng bác sĩ hỏi khi gặp các bệnh nhân chuyển giới.
- Đang khám trong phòng với bác sĩ thì nghe bên kia bức rèm ngăn giường bệnh các giọng thì thào "Ê tao đố mày nó con trai hay con gái?", “Con gái đó, tin được không?”, “Dị quá dị”.
- Vào phòng khám phụ khoa, nhân viên y tế quát: "Con trai hay con gái không rõ ràng vào đây làm gì, đi ra!", dù đã nói rõ là vô khám cho bản thân và bản thân có cơ quan sinh dục nữ cần khám.
- "Em phẫu thuật dưới chưa? Rồi em làm tình cách nào?" – một bác sĩ hỏi. Câu hỏi này không nhằm để hiểu tình trạng sức khỏe bệnh nhân.
- "Sao em để vậy chi vậy, khổ cha khổ mẹ, như thế này tại em hết, em quay về làm con gái đi cho dễ"- vẫn bác sĩ.
- "Con trai qua bên kia! Ủa mày con gái hả? Trời ơi ô môi mà nhìn như con trai!" (sau đó thì thầm "Vô đó rồi không biết có giở trò gì không trời?") - Cô lao công tỏ thái độ khi một bạn chuyển giới nam vào nhà vệ sinh (bạn phải vào nhà vệ sinh dành cho nữ vì có phòng kín).
- “Em nên quen thử trai/ gái đi! Thử đi biết đâu thích á!”- Bác sĩ khuyên.
- "Thứ bê đê dắt cái xe cũng không được à?" – đi khám xong, ra dắt xe, bị người giữ xe rủa.
- Hỏi tìm đường trong bệnh viện, thay vì chỉ đường cho đi thì bác bảo vệ giương mắt nhìn từ trên xuống dưới rồi hỏi: "Thanh niên hay con gái đây?".
- "Con chị bị như thế này là rối loạn nhiễm sắc thể rồi, phải qua tâm thần kiểm tra cho chắc, với để uống thêm hormones nữ tăng cường cho nó hết bệnh" - một chuyên viên khoa tâm lý bệnh viện tại Hà Nội nói. (Vâng, Hà Nội, khoa tâm lý tại bệnh viện, bạn không đọc nhầm đâu!).
- "Ở nhà bố em không tốt với gia đình nên em mới muốn làm con trai đúng không? Cái này là do em rối loạn hay bị ám ảnh vì bố thôi, chữa được!" - chuyên viên tâm lý khác nói.
- Bác lao công ở chỗ bạn mình làm luôn gọi tất cả mọi nhân viên là "con" nhưng từ khi biết bạn em là chuyển giới nam thì chuyển sang gọi riêng bạn đó là "con gái" mặc dù bạn mình đã nhiều lần phản ứng. Bác ương ngạnh "Mày là con gái thì bác gọi mày là con gái chứ có gì đâu, hề hề". Lâu dần, bạn mình bị stress và phải nghỉ việc.
CLIP: Bệnh viện Da liễu TP HCM tập huấn giao tiếp ứng xử với cộng đồng LGBT, xây dựng bệnh viện thân thiện:
“Tụi mình gặp quá nhiều những thái độ kỳ thị như vậy tại các bệnh viện công. Ngược lại, có những phòng khám và bệnh viện tư rất thân thiện và đối xử bình đẳng với tụi mình. Cho nên trong cộng đồng, anh chị em truyền tai nhau, nơi nào thân thiện thì sẽ chỉ đến nơi đó khám và điều trị”.
“Lâu lắm rồi mình không tới bệnh viện công nữa bạn ạ. Trừ phi sắp chết!”.
Nhiều bạn chuyển giới nam và nữ nói với chúng tôi như vậy.
“Nhiều khi chính các bác sĩ thì không kỳ thị, nhưng cộng đồng LGBT bị kỳ thị ngay từ khi gửi xe, từ nhân viên bảo vệ, từ nhân viên làm hồ sơ sổ sách. Gặp một người thì sẽ nghĩ nhiều người khác cũng vậy, gặp ở một bệnh viện thì cũng dễ nghĩ các bệnh viện khác cũng vậy. Thành ra nhiều bạn chuyển giới muốn tới bệnh viện để khám vì chi phí rẻ và tay nghề bác sĩ cao, có nhiều thuận lợi như được hưởng bảo hiểm y tế…
Còn ở bên ngoài chất lượng nhiều khi hên xui hoặc bị chém chi phí cao gấp cả chục lần, mà không dứt bịnh. Nhưng cứ nghĩ tới việc bị hỏi xói móc, bị nhìn ngó bình phẩm từ trên xuống dưới thì các bạn lại không vào” - Nguyễn Anh Phong, đại diện Mạng lưới người chung sống với HIV tại miền Nam, một gương mặt đầu đàn trong hoạt động hỗ trợ cộng đồng LGBT nói.
Cộng đồng LGBT và người ủng hộ diễu hành trong tháng tự hào VietPride 2015 - Nguồn ICS
Theo Báo cáo nghiên cứu trải nghiệm y tế và nhu cầu chuyển đổi giới tính của người chuyển giới ở Việt Nam do Viện nghiên cứu kinh tế, xã hội và môi trường iSEE thực hiện năm 2018 với 610 người chuyển giới tham gia khảo sát, những người đã từng trải nghiệm khám/chữa bệnh tại nước ngoài cho thấy họ hài lòng hơn hẳn những người trải nghiệm tại các cơ sở trong nước, đặc biệt tại các cơ sở công lập.
Kết quả phỏng vấn sâu của iSEE cũng cho thấy những người chuyển giới mong muốn có bệnh viện riêng hoặc khoa khám riêng ở Việt Nam với điều kiện nó được đảm bảo chuyên môn, được cấp phép của Bộ Y tế và được cấp các giấy tờ xác nhận đi kèm. Các giấy tờ đó sẽ được dùng để chứng minh tư cách người chuyển giới khi thay đổi giới tính trên giấy tờ nhân thân trong tương lai.
Cộng đồng chuyển giới nam và người ủng hộ diễu hành trong sự kiện VietPride 2019 - Nguồn ICS.
Hiện nay hầu hết các cơ sở y tế của Việt Nam không có giấy tờ chứng nhận thực hiện can thiệp y tế cho người chuyển giới mà chỉ coi đó là phẫu thuật thẩm mỹ hay phẫu thuật chỉnh hình, do vậy người chuyển giới lo không thể đáp ứng được yêu cầu giấy tờ để thay đổi nhân thân trong tương lai.
Nếu được cho phép, các phòng khám trong nước sẽ có thế mạnh là nhân viên y tế và khách hàng cùng chung văn hóa, ngôn ngữ và chi phí rẻ hơn nhiều so với đi nước ngoài.
Quote: Vào thời điểm 2017, Việt Nam có 300.000 người chuyển giới (tính trên tỷ lệ 0,3% đến 0 ,5% dân số. Tỷ lệ này do các nhà nghiên cứu đưa ra sau khi rà soát trên nhiều quốc gia-Winter và Conway, 2011).
Bệnh viện Da liễu TP HCM là bệnh viện chuyên khoa hạng I, trực thuộc Sở Y tế TP HCM, là tuyến cao nhất của TP HCM và các tỉnh phía Nam về bệnh da, bệnh phong và nhiễm khuẩn lây đường tình dục.
Gần đây, BV Da Liễu TP HCM thường xuyên tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân là người đồng tính, song tính và chuyển giới đến khám các bệnh lý da, nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục và chỉnh sửa khuôn mặt sau chuyển giới.
Cuối năm ngoái, hội thảo Đào tạo liên tục kỳ IV năm 2019 với chuyên đề “Chăm sóc da liễu cho cộng đồng LGBT” thu hút đông đảo bác sĩ da liễu, thẩm mỹ khắp nơi tham dự. Các bác sĩ cùng học và chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề liên quan đến da liễu, thẩm mỹ cho những người đồng tính, song tính và chuyển giới và cho biết họ rất quan tâm đến đối tượng khách hàng này.
Đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế của cộng đồng LGBT, Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Đăng Trọng Tường, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu TP HCM cho biết bệnh viện đang thực hiện nhiều hoạt động cụ thể để xây dựng bệnh viện thân thiện với cộng đồng LGBT.
“Đôi khi chỉ vì chưa hiểu nhau nên đôi bên có thể có những câu nói gây tổn thương cho cộng đồng LGBT. Do vậy tôi mong các nhân viên y tế và cộng đồng LGBT có nhiều dịp để trực tiếp trao đổi với nhau, giúp hiểu nhau đúng đắn hơn” - BS Tường bày tỏ.
Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Đăng Trọng Tường, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu TP HCM
Vào 19/6 tới đây, trong chuỗi hoạt động đồng hành cùng Afamily, BV Da liễu TP HCM sẽ tổ chức tập huấn về giao tiếp ứng xử với cộng đồng LGBT cho các nhân viên y tế trong bệnh viện.
Khách mời là các gương mặt hoạt động cộng đồng nổi bật như Jessica Huỳnh Nguyễn Tố An (thường gọi là Cà), Nguyễn Anh Phong (đại diện Mạng lưới VNP+ phía Nam), Nguyễn Thiện Trí Phong (ICS).
Trong hai ca liên tiếp từ 13h đến 16h 30, các anh chị nói trên và một số bạn trong cộng đồng LGBT tại TP HCM sẽ trực tiếp chia sẻ, trao đổi với các y bác sĩ Bệnh viện Da liễu TP HCM về giao tiếp ứng xử với cộng đồng LGBT, đặc biệt là cộng đồng người chuyển giới.
Đây là một trong số các hoạt động của Bệnh viện Da liễu. Sắp tới, vẫn trong chuỗi hoạt động kết hợp với Afamily, Bệnh viện sẽ tổ chức định kỳ hàng tháng các buổi tư vấn miễn phí cho cộng đồng LGBT về các vấn đề chăm sóc y tế thường gặp và quan trọng.
Đây là việc làm đáng khích lệ của Bệnh viện Da liễu TP HCM đối với cộng đồng LGBT nói chung và với xã hội nói riêng. Đặc biệt, trong tháng Tự hào LGBT (tháng 6 hàng năm), những hành động cụ thể này mang đến sự an tâm và động viên lớn lao cho cộng đồng LGBT và đóng góp thiết thực vào tiến trình vận động chính sách pháp luật bình đẳng cho cộng đồng LGBT.
Viện nghiên cứu Kinh tế, xã hội và môi trường iSEE: Bộ Y tế nên cho phép các bệnh viện hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn và có thể cả việc cung cấp, tiêm hormone cho người chuyển giới
Trước khi Luật chuyển giới được chính thức ban hành, Bộ Y tế nên có một quyết định cho phép các bệnh viện hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn và có thể cả việc cung cấp, tiêm hormone cho người chuyển giới để hạn chế rủi ro xảy ra với họ.
-Các cơ sở y tế, bệnh viện nên chú trọng vào việc đào tạo chuyên môn về chuyển đổi giới tính cho các bác sĩ, nhân viên y tế để xây dựng được môi trường thân thiện và đáp ứng được các nhu cầu y tế của người chuyển giới.
-Các cơ sở y tế, bệnh viện nên đầu tư và phát triển các dịch vụ tư vấn tâm lý cho người chuyển giới có nhu cầu sử dụng nội tiết tố và/hoặc phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Những dịch vụ này nên được xây dựng và phát triển theo hướng rộng rãi để người chuyển giới có thể dễ dàng tiếp cận không chỉ ở các cơ sở y tế, bệnh viện công lập trung ương mà còn ở các tuyến địa phương, cơ sở y tế và bệnh viện tư nhân. (iSEE).