Dù xã hội đã cởi mở hơn rất nhiều về khái niệm giới tính thứ 3, nhưng khi người đó là con, là cháu, là em mình thì dường như chính mình cảm thấy khó chấp nhận sự thật hơn là những câu chuyện trên báo, đài. Theo một cuộc khảo sát trong cộng đồng LGBT, người tham gia nhận định việc gia đình không ủng hộ là khó khăn lớn nhất (47.3%), lớn hơn cả sự kỳ thị của xã hội với người LGBT (44.6%) hay việc không được pháp luật công nhận (32.4%) (*).
Về cuộc sống nội tại, với những chuẩn mực và định kiến "lâu đời" của xã hội, chính những người đồng tính cũng phải trải qua một hành trình khá dài và phức tạp về tâm lý để tự tìm hiểu, nhận định và tự chấp nhận giới tính thật của mình. Tiếp sau đó là sự can đảm trong việc quyết định công khai giới tính (come out) trước người thân, bạn bè, đồng nghiệp và cuối cùng là bước ra xã hội.
Một lần nữa, rào cản khó khăn nhất mà người đồng tính phải vượt qua chính là áp lực dư luận đặt lên những người thân yêu trong gia đình họ, nhất là ba mẹ. Đa phần điều họ quan tâm và băn khoăn nhất, đó là việc sẽ đánh mất gia đình sau khi công khai bản thân. Nhiều người còn lo lắng việc công khai sẽ khiến ba mẹ thất vọng và hạnh phúc gia đình tan vỡ. Vì thế họ chọn việc im lặng và cố gắng sống trong vỏ bọc của một người con "bình thường".
Nếu như ở một đất nước tự do và phát triển như Hoa Kỳ, pháp luật mới công nhận hôn nhân đồng tính trong vài năm đổ lại, thì ở Việt Nam dù vẫn chưa được chính thức thông qua về mặt pháp luật nhưng có thể thấy xã hội chúng ta đã có những hoạt động và chiến dịch kêu gọi ủng hộ hết sức ý nghĩa và tích cực cho vấn đề hôn nhân đồng tính những năm gần đây. Vậy, đối với người đồng tính tại Việt Nam, thì việc được gia đình chấp nhận và được sống cùng người mình yêu là điều trân quý hạnh phúc nhất nhưng vẫn còn vấp phải rất nhiều khó khăn.
Thậm chí, nhiều người tham gia khảo sát trực tuyến cho biết họ đã hoặc đang trải qua hôn nhân khác giới do gia đình ép buộc, áp lực xã hội hoặc chấp nhận hôn nhân "bình phong" (62.8% trong số 94 người có trải nghiệm hôn nhân dị tính). Sức ép về hôn nhân dị tính vẫn còn nặng nề đối với cộng đồng LGBT. Hôn nhân không xuất phát từ tình yêu đa phần đều kết thúc bằng nhiều bất hạnh, không chỉ cho chính những người vợ, người chồng, mà còn cho cả những người thân xung quanh họ.
Bên cạnh đó, việc không được bố mẹ chấp nhận đã khiến cho nhiều bạn trẻ LGBT phải sớm từ bỏ gia đình. Không nơi nương tựa, không một sự giúp đỡ từ gia đình, trong khi phải chịu nhiều cái nhìn nghi kỵ của xã hội, họ gặp vô vàn khó khăn trong việc bươn chải và ổn định cuộc sống. Nhiều người vì hoàn cảnh đẩy đưa mà sa ngã vào con đường phạm pháp. Giá như họ được gia đình đón nhận vì giới tính thật của mình, được yêu thương theo đúng con tim mình mách bảo, thì họ sẽ có thêm nhiều động lực và cảm hứng sống để theo đuổi ước mơ và phát huy khả năng của bản thân, và tương lai của họ chắc hẳn cũng sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều.
Nhiều bạn trẻ lại may mắn sớm có được sự cảm thông từ gia đình. Hải An, hiện đang là nhân viên kinh doanh, và người yêu đã từng cảm động chia sẻ: "Tôi và anh đều may mắn khi có gia đình rất hiểu cho tình cảm của hai đứa. Lần đầu tiên dẫn anh về nhà tôi cũng lo lắng lắm nhưng không ngờ từ bà ngoại đến bố mẹ đều rất thương anh và cũng không có ý kiến gì về chuyện giới tính của chúng tôi".
Câu chuyện của một cặp đôi khác, Lan Phương (28 tuổi) và Ngọc Như (30 tuổi), đang sống và làm việc tại TP.HCM và đã quen nhau hơn 7 năm qua, lại không êm đẹp như thế. Trái với những bạn bè được gia đình chấp nhận và ủng hộ, gia đình Như đã phản ứng gay gắt, thậm chí có lời lẽ nặng nề về phía Lan Phương vì cho rằng Phương lôi kéo dụ dỗ con gái mình. Hai cô gái đã can đảm đến với nhau, sống một cuộc sống chung đôi đầy sóng gió mà đa phần là do áp lực từ cha mẹ, nhưng cả hai chưa bao giờ bỏ cuộc.
Cả hai đã không kìm được nước mắt trong một lần dự đám cưới của hai người bạn trong giới. Khi nghe ba của cô dâu nói: "Miễn con hạnh phúc, là ba vui rồi!", Lan Phương và Ngọc Như đã nắm chặt tay mà khóc nức nở. Bởi đó là câu nói họ chờ đợi từ ba mẹ của mình suốt 7 năm trời.
Đối với những người trẻ hiện đại, được sống như ý không phải lúc nào cũng dễ dàng vì nhiều khi họ thiếu đi sự cảm thông và ủng hộ từ gia đình do các khác biệt về thế hệ. Đặc biệt với những bạn trẻ LGBT, một cuộc sống như ý lại càng xa tầm với. Sống như ý đối với họ không chỉ là được làm những điều mình muốn, được gắn bó với người mình yêu thương cả đời mà còn là được ba mẹ chấp nhận con người thật của họ, chia sẻ và ủng hộ cho họ được yêu thương đúng nghĩa.
[Sống Như Ý] Miễn Con Hạnh Phúc Là Ba Vui Rồi | Generali Vietnam
Mỗi người có một cuộc đời để sống và một con đường để đi. Nếu yêu thương, hãy đón nhận và sẻ chia để ai cũng được "sống đúng như ý muốn" của mình – can đảm, mạnh mẽ sống cuộc sống mình mơ ước với nhiệt huyết và đam mê.
(*) Số liệu trích dẫn theo nguồn: http://isee.org.vn/song-chung-dong-gioi-boi-moi-tinh-yeu-deu-binh-dang/.