Thời gian gần đây, sự việc gần 600 loại sữa bị làm giả với số lượng lớn, thu lợi gần 500 tỷ đồng khiến công chúng không khỏi hoang mang. Nhiều người cũng bàn tán xôn xao về tình trạng người nổi tiếng quảng cáo cho những loại sữa này và nhắc lại sự việc tương tự trong quá khứ. Trong đó có vụ việc TikToker Yona Cươn quảng cáo một loại sữa có tên viết tắt là Y. vào tháng 11/2023.
Theo đó, từ tháng 10/2023, trên kênh video của Yona Cươn bắt đầu xuất hiện các video quảng cáo sữa Y. và gây tranh cãi.
Yona Cươn bán sữa Y.
Thời điểm đó, cô nhận về phản ứng trái chiều từ cư dân mạng vì mặc trang phục giống như một nhân viên y tế đứng nhảy trong một nơi như xưởng sản xuất để quảng cáo sữa tăng cân. Ngoài ra, cô khẳng định sữa này an toàn cho người đang mang thai và trẻ em sử dụng. Giá bán khoảng 495.000 đồng/hộp, nhưng thường giảm 50% trong livestream.
Cuối tháng 11/2023, sản phẩm xuất hiện trên một phóng sự của VTV với nội dung sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và nhiều dấu hiệu bất thường như nguồn gốc không rõ ràng, không có thông tin về đơn vị sản xuất hay nguyên liệu, chứng nhận giả mạo, quá trình sản xuất bất thường, vi phạm quảng cáo,...
Đặc biệt, sản phẩm gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng. Nhiều người dùng phản ánh bị đau bụng, tiêu chảy, thậm chí nhập viện sau khi uống sữa Y., sản phẩm nhận hàng loạt đánh giá 1 sao trên nền tảng thương mại điện tử.
Yona Cươn gây tranh cãi khi mặc trang phục giống nhân viên y tế để quay quảng cáo sữa
Sau khi phóng sự vạch trần sản phẩm xuất hiện trên VTV, Yona Cươn xoá hết các video quảng cáo sữa và xoá sản phẩm ra khỏi giỏ hàng. Đồng thời mỹ nhân sơn cước công khai xin lỗi đến mọi người.
Trong lời xin lỗi của mình, Yona Cươn cho biết bản thân thiếu kinh nghiệm, tin tưởng giấy tờ từ phía đối tác và ngừng quảng bá sản phẩm khi nhận phản hồi tiêu cực. Yona nói cô và gia đình dùng sữa không gặp vấn đề, nhưng thừa nhận "sốc" trước thông tin bất lợi. Ngoài ra cô hứa sẽ rút kinh nghiệm và khắc phục hậu quả cho những gì bản thân đã gây ra.
Tuy nhiên từ đó đến nay, việc rút kinh nghiệm và khắc phục hậu quả chưa được Yona Cươn công bố.
Sau khi xảy sự việc, Yona Cươn im lặng, không đăng video trong gần 4 tháng. Đến tháng 4/2024, cô mới xuất hiện trở lại.
Cũng từ sự việc này, các nội dung của cô rơi vào tình trạng flop, video của cô cũng không còn lên xu hướng TikTok như trước đây, lượng người theo dõi và lượng xem video của Yona không còn tăng nhanh. Theo đó, từ tháng 11/2023 đến nay - tháng 4/2025 (khoảng 1,5 năm) Yona Cươn chỉ tăng khoảng 100k người theo dõi, từ 6,4 lên 6,5 triệu người theo dõi.
Hiện tại, Yona Cươn vẫn quay clip cùng với bố mẹ trong các hoạt động đời thường như đi rẫy, đi ăn cưới, nhảy đu trend, đi du lịch,... và quảng cáo sản phẩm nhưng không nhiều.
Yona Cươn (tên thật Đinh Thị Cươn, sinh năm 2004, người dân tộc Ba Na) là một TikToker nổi tiếng với hơn 6,5 triệu người theo dõi và tổng cộng 155 triệu lượt yêu thích toàn kênh. Thời điểm mới nổi tiếng, cô được yêu mến nhờ vẻ đẹp tự nhiên, trong trẻo, cuốn hút cùng các video giản dị, gần gũi, cập nhật cuộc sống miền sơn cước.
Sự việc của Yona Cươn và sữa Y. cũng như ồn ào gần 600 loại sữa giả hay kẹo rau gần đây nhấn mạnh trách nhiệm của các KOL nổi tiếng trong vấn đề quảng cáo sản phẩm, nhất là sản phẩm liên quan đến sức khoẻ. Bởi lẽ lời nói của các KOL, người nổi tiếng có khả năng ảnh hưởng lớn đến quyết định tiêu dùng của rất nhiều người, tác động lớn đến các vấn đề khác như kinh tế, sức khoẻ, niềm tin,...
Vì vậy, họ có trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin trung thực, đảm bảo an toàn và quyền lợi cho người tiêu dùng. Khi thiếu trách nhiệm, hành động quảng cáo sai sự thật không chỉ gây hại cho người khác mà còn tự hủy hoại sự nghiệp do công chúng quay lưng, thậm chí vướng vào lao lý.
Dưới góc độ pháp lý, quảng cáo sai sự thật là hành vi vi phạm pháp luật. Tiến sĩ - Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng VPLS Chính Pháp cho biết hành vi quảng cáo sai sự thật của bất kỳ tổ chức cá nhân nào cũng sẽ gây ra những hệ lụy trong môi trường kinh doanh, làm nhiễu loạn thị trường kinh doanh, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
"Quảng cáo có vai trò và tầm quan trọng trong kinh doanh thương mại, đặc biệt là bối cảnh thương mại bùng nổ. Vì vậy quảng cáo được đòi hỏi phải trung thực, phải tuân thủ các quy tắc để đảm bảo hoạt động mua bán được diễn ra thuận lợi, không có sự lừa dối và cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể kinh doanh cùng loại sản phẩm" - luật sư Cường nhấn mạnh.
Cũng theo luật sư, ở Việt Nam, Luật quảng cáo 2012, sửa đổi bổ sung 2018 đã có những quy định chi tiết về các hành vi bị cấm trong quảng cáo trong đó có cấm quảng cáo sai sự thật. Những hành vi nói quá về giá trị, tác dụng, công dụng của sản phẩm được xác định là quảng cáo sai sự thật, người thực hiện hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
(Tổng hợp)