Tôi từng coi viêc tiết kiệm tiền như một mục đích tối thượng, một cuộc đua marathon không ngừng nghỉ. Tôi cất từng đồng với niềm tin càng nhiều tiền trong tài khoản, cuộc sống càng an toàn. Nhưng rồi tôi nhận ra một điều thú vị, thậm chí là hơi phũ phàng: Chúng ta tiết kiệm tiền, cuối cùng, cũng chỉ để tiêu mà thôi.
Bởi nếu chỉ khư khư giữ tiền trong tay mà không bao giờ dùng đến, liệu nó có còn giá trị? Tiền chỉ phát huy ý nghĩa thực sự khi nó được sử dụng để phục vụ những mục đích nhất định, dù là hiện tại hay trong tương lai.
Ảnh minh họa
Tiêu tiền thực ra chẳng có gì xấu, quan trọng là tiêu vào việc gì mà thôi.
Khi có sức khỏe, chúng ta có thể cảm giác như cuộc đời mình có 1000 vấn đề. Nhưng nếu không có sức khỏe, bạn sẽ nhận ra cuộc đời mình chỉ còn đúng 1 vấn đề thôi: Chẳng có sức để làm gì!
Không có sức khỏe, mọi thứ đều trở nên vô nghĩa. Tiền bạc chất đống cũng chỉ là những con số vô hồn khi người ta phải nằm trên giường bệnh. Việc tiết kiệm để rồi phải chi trả hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng cho viện phí là điều không ai mong muốn. Chính vì vậy, đầu tư vào sức khỏe là khoản chi thông minh nhất, không bao giờ lỗ vốn.
Chi tiền để “phòng bệnh” luôn đỡ tốn kém hơn là phải chi tiền để “chữa bệnh”, mong bạn không quên điều đó.
Ảnh minh họa
Mỗi năm đi khám sức khỏe định kỳ 1-2 lần. Mỗi tháng chi vài triệu tiền mua thực phẩm sạch, rồi tập luyện thể dục thể thao. Thế là thể chất khỏe, cũng đơn giản thôi chứ cũng chẳng có gì xa xôi khó nhằn.
Bên cạnh đó, cũng đừng lơ là sức khỏe tinh thần Trong cuộc sống hiện đại đầy áp lực, việc chi tiền cho các liệu pháp thư giãn, tham gia các khóa học thiền, hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý khi cần thiết là vô cùng quan trọng. Một tinh thần minh mẫn, khỏe mạnh cùng sức khỏe thể chất dẻo dai, bền bỉ là nền tảng để chúng ta làm việc, kiếm tiền và theo đuổi những mục tiêu lớn hơn trong tương lai.
Khoản tiền bạn đầu tư vào việc học sẽ không bao giờ mất đi, mà ngược lại, nó sẽ sinh sôi nảy nở theo cấp số nhân, tạo ra những cơ hội thu nhập mà bạn không ngờ tới.
Đầu tư vào tri thức, trước mắt là để làm tốt công việc chính, lâu dài là để kiếm thêm công việc phụ, từ đó có thêm nguồn thu nhập. Khi đã đa dạng hóa được nguồn thu nhập, kết quả trực tiếp và dễ thấy nhất là tiền bạc sẽ “tự chảy vào túi”, tiền tiết kiệm hay tài sản cá nhân cũng nhờ đó mà dần dần tăng lên.
Cứ tưởng tượng thế này cho dễ hiểu: Bạn chỉ có một nguồn thu nhập cố định và cố gắng tiết kiệm 10% trong số đó, ok!
Nhưng nếu bạn có thêm một nguồn thu nhập phụ khác tương đương với 30% thu nhập chính, bạn có thể dễ dàng đẩy tỷ lệ tiết kiệm lên 20-30% hoặc thậm chí hơn nữa, mà không cần phải cắt giảm quá nhiều chi phí sinh hoạt hàng ngày.
Thế nên tiêu tiền để bồi đắp tri thức cũng chính là 1 cách để kiếm tiền, tăng tỷ lệ tiết kiệm và tiến gần hơn tới mục tiêu có thêm tài sản.
Cuộc sống không chỉ gói gọn trong việc kiếm tiền, tích lũy của cải vật chất. Tiền bạc được sinh ra để phục vụ cuộc sống, và những trải nghiệm chính là yếu tố làm cho cuộc sống trở nên đáng giá.
Ảnh minh họa
Đừng tiếc tiền cho những chuyến đi. Du lịch không chỉ là nghỉ ngơi mà còn là cơ hội để khám phá những nền văn hóa mới, gặp gỡ những con người mới, mở rộng tầm nhìn và làm phong phú vốn sống. Những trải nghiệm này mang lại niềm vui, sự thư thái và nguồn cảm hứng bất tận.
Cũng đừng tiếc tiền cho những bữa ăn, những buổi cà phê trò chuyện cùng bạn bè thân thiết. Những mối quan hệ chất lượng là tài sản vô giá, và việc chi tiền để bồi đắp chúng là một khoản đầu tư xứng đáng.
Những trải nghiệm này có thể không mang lại lợi nhuận tài chính trực tiếp, nhưng chúng lại làm giàu tâm hồn, mang lại sự thỏa mãn, hạnh phúc và những bài học cuộc sống vô giá mà tiền bạc không thể mua được.
Khi bạn hiểu rằng mục đích cuối cùng của việc tiết kiệm là để phục vụ cho những mục tiêu và giá trị sống của chính mình, mỗi quyết định tiêu tiền sẽ được cân nhắc một cách lý trí, chính xác hơn. Hành trình tích lũy tiền bạc sẽ cũng trở nên nhẹ nhàng, có ý nghĩa hơn.