Cô gái 26 tuổi lương 13 triệu, tiết kiệm được 100 triệu với 1 cây vàng: Sao làm được hay vậy?

Ngọc Linh, Theo Phụ nữ số 11:49 27/05/2025
Chia sẻ

Nhìn cách chi tiêu của cô gái này, nhiều người phải thốt lên "không có dư mới là chuyện lạ".

Chi tiêu đâu ra đấy, còn biết lo xa cho tương lai!

Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm - kiến thức quản lý tài chính cá nhân, một cô gái 26 tuổi (độc thân) đã khiến nhiều anh chị phải "ngả mũ thán phục". Với mức thu nhập dao động trong khoảng 11-13 triệu/tháng, cô cho biết hiện tại bản thân đã tiết kiệm được 100 triệu cùng 1 cây vàng.

Cô gái 26 tuổi lương 13 triệu, tiết kiệm được 100 triệu với 1 cây vàng: Sao làm được hay vậy?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nguyên văn tâm sự của cô như sau: "Em là nữ, năm nay 26 tuổi. Hiện tại em đang làm công việc văn phòng tại Hà Nội với mức lương 9 triệu. Ngoài ra, em có làm thêm bên ngoài, kiếm thêm được khoảng 2 - 4 triệu tùy tháng.

Hiện tại chi tiêu của em như sau:

1. Chi phí ăn ở: 5 triệu/tháng.

2. Xăng xe, điện thoại, 4G: 500k/tháng.

3. Phát triển bản thân (học ngoại ngữ): 500k/tháng.

4. Mua sắm, chi tiêu phát sinh (cho bản thân): 500k/tháng.

5. Chi phí giao lưu bạn bè, các mối quan hệ: 500k/tháng.

6. Gửi biếu bố mẹ: 2 triệu/tháng.

Các khoản biếu Tết bố mẹ và họ hàng, hoặc các dịp về quê thì chi vào các khoản thưởng trong năm (khoảng 20 triệu/năm).

Hiện tại, về tài sản thì em có 100 triệu gửi tiết kiệm trong ngân hàng với 1 cây vàng nhờ bố mẹ giữ giúp. 

Em dự định đến năm 30 tuổi mới kết hôn, từ giờ đến đó em muốn cố có tài sản riêng, nên đang phân vân 2 phương án: Rút tiết kiệm và bán vàng, rồi vay mượn thêm để mua mảnh đất; hoặc đầu tư đi học ngoại ngữ lấy chứng chỉ, sang năm có thể đi dạy để tăng thu nhập lên. Mong các anh chị cho em lời khuyên ạ...".

Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người phải "vỗ tay" cho cách chi tiêu đâu ra đấy của cô gái 26 tuổi này. Thu nhập 11-13 triệu mà tiết kiệm được 100 triệu với 1 cây vàng rõ ràng là điều không đơn giản. 

"Giỏi thật đấy, chị 32 tuổi đọc mà còn thấy xấu hổ vì nếu chị làm được như em thì chắc giờ này chị cũng phải có mấy trăm triệu với vài cây vàng rồi... Theo chị thì nên đầu tư đi học để tăng thu nhập em ạ, chứ 11-13 triệu thì hơi thấp, cố vun vén chi tiêu là tốt nhưng lâu dài thì vẫn phải tăng thu nhập mới được" - Một người đưa lời khuyên.

"Chi tiêu thế này không có dư mới lạ... Nếu xác định ở Hà Nội lâu dài thì bạn cố gắng tăng thu nhập ấy, chứ giờ 100 triệu với 1 cây vàng bán đi cũng chưa đủ để mua đất ở quê, mà vay mượn thêm thì lại thành ra áp lực, không còn tâm trí đi học mà cải thiện thu nhập nữa" - Một người khác đồng tình.

"Bạn này suy nghĩ chín chắn với biết lo cho tương lai thật đấy. Mình đến tận lúc lấy chồng xong vẫn còn tiêu hoang, phải đến lúc có bầu mới bắt đầu biết tiết kiệm luôn ấy hic" - Một người khác bộc bạch.

Đầu tư vào bản thân là khoản đầu tư không bao giờ lo lỗ vốn!

Với những bạn trẻ mới đi làm chưa lâu, nếu tích góp được một khoản tiền nho nhỏ - khoảng 100-300 triệu, không ít người sẽ muốn đầu tư chứng khoán, hoặc cố gắng vay mượn để mua đất. Tất cả cũng chỉ vì mục tiêu làm "tiền đẻ ra tiền". 

Cô gái 26 tuổi lương 13 triệu, tiết kiệm được 100 triệu với 1 cây vàng: Sao làm được hay vậy?- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Đó là mong muốn chính đáng, tuy nhiên, lại không phải là khoản đầu tư ưu tiên số 1, bởi nó vẫn tiềm tàng rủi ro "ngã về không". Khi còn trẻ, chỉ có 1 khoản đầu tư chắc chắn không bao giờ sợ lỗ, đó chính là đầu tư vào bản thân.

Đừng vội đánh đồng đầu tư vào bản thân với việc ăn chơi thâu đêm suốt sáng, hay chi bộn tiền du lịch sang chảnh để rồi nợ nần,... đó là "hủy hoại bản thân". Còn đầu tư vào bản thân chính là đầu tư vào kỹ năng, kiến thức - trước mắt là để làm tốt công việc chính, lâu dài là để kiếm thêm công việc phụ, từ đó có thêm nguồn thu nhập.

Khi bạn đa dạng hóa được nguồn thu nhập, kết quả trực tiếp và dễ thấy nhất là tiền bạc sẽ chảy về túi bạn từ nhiều hướng. Việc tăng tỷ lệ tiết kiệm cũng trở nên dễ dàng hơn hẳn.

Thử nghĩ thế này cho dễ hiểu: Bạn chỉ có một nguồn thu nhập cố định và cố gắng tiết kiệm 10% trong số đó, ok!

Nhưng nếu bạn có thêm một nguồn thu nhập phụ khác tương đương với 30% thu nhập chính, bạn có thể dễ dàng đẩy tỷ lệ tiết kiệm lên 20-30% hoặc thậm chí hơn nữa, mà không cần phải cắt giảm quá nhiều chi phí sinh hoạt hàng ngày.

Khoản tiền bạn kiếm được từ trau dồi tri thức, kỹ năng chính là tiền lời và cũng chính là tài sản. Thế nên đầu tư vào bản thân cũng là 1 cách để kiếm tiền, để tăng tỷ lệ tiết kiệm và tiến gần hơn tới mục tiêu có thêm tài sản.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày