Tình trạng lượng đường trong máu cao hơn bình thường kéo dài lâu là nguyên nhân dẫn đến tiền tiểu đường hoặc tiểu đường. Theo Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ (ADA), nguyên nhân đường huyết cao là do chế độ ăn uống không hợp lý, ít vận động, thể chất yếu, căng thẳng tâm lý… Người mắc bệnh tiểu đường sẽ phải đối diện với những biến chứng nguy hiểm như bệnh tim, thận và tổn thương thần kinh.
Chế độ ăn uống có thể góp phần cải thiện tình trạng đường huyết cao. Theo Tiến sĩ tốt nghiệp ĐH Harvard, tác giả sách Kanchan Koya, tác giả cuốn sách dạy nấu ăn Spice Spice Baby, gừng chính là loại gia vị đứng đầu khi xét về lợi ích kiểm soát đường huyết ở người. Đó là bởi gừng chứa các chất chống oxy hóa polyphenol mạnh như gingerol, có tác dụng chống viêm và gián tiếp giúp cân bằng lượng đường trong máu.
Trong một bài đánh giá và phân tích tổng hợp được công bố trên tạp chí y khoa Nutrients vào năm 2024, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm tác động của các loại thảo mộc đến lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2. Trong đó bao gồm các loại gia vị quen thuộc như thì là đen, đinh hương, mùi tây, nghệ tây, húng tây, gừng, tiêu đen, hương thảo, nghệ, húng quế, lá oregano và quế.
Kết quả cho thấy, gừng, nghệ tây, nghệ tây và quế làm giảm đáng kể lượng đường trong máu lúc đói. Bên cạnh đó, thì là đen và gừng làm giảm chỉ số A1C và lượng insulin.
“Một số nghiên cứu chỉ ra rằng gừng có thể tác động tích cực đến lượng đường trong máu bằng cách cải thiện độ nhạy insulin và làm chậm quá trình tiêu hóa carbohydrate, dẫn đến lượng đường trong máu ít tăng đột biến sau bữa ăn”, Colette Micko, chuyên gia dinh dưỡng về bệnh tiểu đường khẳng định lại.
Theo tổng hợp từ 10 nghiên cứu được công bố năm 2018, gừng có thể ức chế các enzyme đóng vai trò trong quá trình tiêu hóa và hấp thu carbohydrate. Đồng thời, loại gia vị tác động quá trình chuyển hóa glucose và bảo vệ beta tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy. Nhờ đó, gừng mang lại hiệu quả tích cực trong kiểm soát đường huyết.
“Gừng có rất ít nhược điểm, vì vậy tôi khuyên bạn nên sử dụng nó trong nấu ăn để tạo ra các polyphenol có lợi, chống viêm và tăng cường khả năng tiêu hóa”, Tiến sĩ Kanchan Koya cho biết.
Bên cạnh việc sử dụng trà gừng, nấu ăn với gừng, người muốn kiểm soát đường huyết nên kết hợp điều chỉnh lối sống, chẳng hạn như ăn theo chế độ ăn nhiều thực vật, tập thể dục thường xuyên, kiểm soát căng thẳng và ngủ đủ giấc.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh khuyến nghị nên kết hợp gừng với thực phẩm giàu chất xơ để hỗ trợ tốt nhất cho việc quản lý lượng đường trong máu. Chất xơ trong trái cây, rau, quả hạch, hạt, cây họ đậu và ngũ cốc nguyên hạt giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa đều đặn và cảm giác no, góp phần tăng cường sức khỏe đường ruột và giảm lượng đường trong máu tăng đột biến.
Bên cạnh việc giúp ổn định đường huyết, gừng còn có thể giúp giảm mức cholesterol LDL có hại trong cơ thể. Mức cholesterol LDL cao trong cơ thể có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Theo y học cổ truyền, gừng có vị cay, tính ấm, công dụng chữa cảm mạo phong hàn, nôn và buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, chữa ho...
Cùng với đó, gừng chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp loại bỏ sự tích tụ gốc tự do, hỗ trợ giảm nguy cơ phát triển ung thư.
Đồng thời, gừng còn được sử dụng để điều trị các vấn đề về tiêu hóa và đau dạ dày, có thể làm giảm đau bụng kinh. Loại gia vị này còn thường được dùng để chữa cảm, cải thiện sức khỏe răng miệng, giảm đau và làm dịu cơ bắp mệt mỏi.