Chuyện xoay quanh Negav - nam rapper trẻ vừa mới chạm tới hào quang nhưng nhanh chóng “tự huỷ” vẫn đang tạo ra những cuộc tranh luận không hồi kết trên mạng xã hội.
Chẳng cần phải nhắc thì nhiều người cũng biết đến những dòng trạng thái với từ ngữ tục tĩu, quấy rối đang lan truyền rộng rãi; một hội nhóm do Negav làm quản trị viên toàn đăng tải những thứ khiến ai xem cũng phải “sốc” và đặt dấu hỏi to lớn về đạo đức, nhân cách của nghệ sĩ trẻ; hàng loạt những phát ngôn vạ miệng, thiếu suy nghĩ,... tất cả những điều này khiến khán giả chỉ biết lắc đầu.
Có lẽ, mọi thứ đang diễn ra quá nhanh, đến mức chính Negav cũng chưa biết được tính nghiêm trọng của vấn đề. Dường như, Negav vẫn chỉ đang nghĩ rằng những điều này là do “hater” - những người vốn đã ghét mình “đào bới” lên vì ghen tị với thành công mà anh đang có mà không hiểu rằng bản thân đã làm sai.
Sở dĩ, Negav có cái sự tự tin đến ngông cuồng như vậy cũng là bởi được người hâm mộ nuông chiều, tung hô quá mức. Thậm chí, khi mọi chuyện đã vượt quá cả giới hạn chấp nhận của đa số thì fan Negav vẫn “chung một chiến tuyến” bất chấp bênh vực thần tượng, thậm chí “gây war” với cả những nghệ sĩ không liên quan khác.
Tự hỏi, sự “yêu thương” điên cuồng này của fan dành cho Negav là tốt hay đang tiếp tay “đẩy” idol của mình xuống vực?
Việc thần tượng một ai đó, chưa bao giờ là xấu. Nhưng để thần tượng đúng cách thì lại là một bài toán không hề dễ giải. Có nhiều lý do để chọn yêu mến và ủng hộ idol nhưng cái gì cũng có ranh giới giữa đúng và sai, tốt và xấu. Không phải cứ trở thành idol thì người đó mặt nào cũng tốt, phải chăm chăm chạy theo để khen ngợi. Và càng không phải lúc nào cũng khen ngợi, tung hô lên mây thì idol đó là sao hạng A không bao giờ bị đánh bại.
Trong trường hợp của Negav, nhiều người còn nghĩ rằng có thể người ta sẽ không chỉ trích anh chàng dữ dội như vậy nếu như không có sự xuất hiện của loạt post bênh vực bất chấp từ fan.
Người hâm mộ đang thần tượng điều gì ở một rapper có thể buông ra những lời nói khiếm nhã với phụ nữ, để đến mức phải lôi luận điểm: “Đó chỉ là chuyện quá khứ, ai cũng có thời bồng bột, bình thường thôi mà” ra bảo vệ? Từ bao giờ mà những vấn đề xã hội ngoài kia ai cũng lên án, hay thậm chí là một người bình thường, không nổi tiếng, vướng vào những sai lầm đó cũng phải nhận những bài học, hình phạt thích đáng mà vì làm idol nên tự nhiên lại được “thương”?
Rồi chưa kể, fan bị “lậm” idol là em bé, luôn chìm đắm trong hình tượng “út khờ”, vin vào đó để mang tâm lý bị antifan hại. Nhưng thử hỏi, nếu idol không làm, không phát ngôn ra những thứ tiêu cực đó, liệu ai đủ gan để “đổi trắng thay đen”? Không những thế, việc các bạn fan bình luận bênh vực idol cũng bằng những từ ngữ lăng mạ người khác chỉ khiến hình ảnh thần tượng xấu đi như cách người ta vẫn nói: “Fan cỡ đó, idol cỡ nào?”.
Cũng xin đừng lấy lý lẽ “nghe nhạc không nghe đời tư”. Bởi đó chỉ là một lời bào chữa bị vô hiệu hoá. Người ta vẫn sẽ nghe một sản phẩm nhạc nhưng không đồng nghĩa người ta sẽ quên đi đời tư không-trong-sạch. Nên đừng đem âm nhạc ra làm vũ khí hay khiến chắn để lấp liếm những lỗi sai.
Nếu thực sự là fan và yêu thương thần tượng thì điều duy nhất nên làm là im lặng, chấp nhận nhìn thẳng vào lỗi sai của idol. Người ta vẫn bảo “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, đừng bao bọc hay bênh vực, không nghiêm khắc với thần tượng thì người “đau lòng”, thiệt thòi nhất vẫn lại chính là những người hâm mộ.
Bởi thử nhìn xem, trong khi bạn đang “chạy đôn chạy đáo”, đăng bài từ Threads đến đi bình luận ở khắp các mặt trận để bảo vệ cho idol hay thậm chí gửi tin nhắn riêng để an ủi, động viên thì… “út khờ” vẫn không biết mình đang sai. Nam rapper trẻ được fan “bọc lót” vẫn đổ lỗi rằng công chúng không nhìn vào những mặt tích cực mà chỉ biết lôi quá khứ ra để chê bai, châm biếm.
Trong khi fan thậm chí phải “cầu xin”, mong chờ bài lên tiếng giải thích, xin lỗi hay có một động thái đúng nghĩa trưởng thành thì idol vẫn lặng thinh. Không có bất kỳ một động thái nào tự bảo vệ bản thân hay ít nhất là “trân trọng fan” như mọi người vẫn ca ngợi. Người làm sai lại không thấy mình sai, cứ mặc cho fan hoang mang, không có chỗ bám víu niềm tin, bị cộng đồng mạng công kích. Lúc này mà vẫn mê muội bảo vệ idol thì… tiếc quá.
Fan của Negav thực tế cũng giống rất nhiều fandom, người hâm mộ cuồng nhiệt ngoài kia. Họ thần tượng một ai đó giống như rơi vào “lưới tình yêu”, chìm sâu đến mức bị che mờ mắt, luôn nghĩ người kia là tốt đẹp nhất, mặc cho ai có khuyên ngăn, bàn tán thế nào.
Văn hóa thần tượng vốn đã có từ lâu, ở nhiều quốc gia và có nhiều giá trị, ý nghĩa tốt đẹp. Nhưng nếu trở nên mê muội, lạc đường thì “văn hoá” này lại trở nên tiêu cực hơn bao giờ hết. Nhiều người chỉ hâm mộ về tài mà quên mất coi trọng đạo đức. Thậm chí, họ còn “phát cuồng” đến mức ca ngợi cả những điều rất bình thường, đề cao những cái không thực tài. Rồi cũng vì bất chấp mà khi thần tượng mắc sai phạm lại quên luôn cả yêu bản thân để “hy sinh” vì idol kiểu như: Tình nguyện được đi tù thay cho thần tượng”, rồi cổ xúy “nếu anh sai, chúng em sẽ sai cùng anh”,...
Là thần tượng, ai cũng sẽ có tài năng nhưng không thể bao biện theo cách: Chỉ cần tài năng là đủ. Bởi ngoài giọng hát, ngoài sản phẩm nghệ thuật mà họ mang đến, bạn còn thần tượng vì tính cách, cách ứng xử,... Hay như người ta vẫn thường nói, thần tượng đúng nghĩa phải là một tấm gương hoàn hảo không tỳ vết để người hâm mộ soi vào mỗi ngày. Bản thân những fan hâm mộ cũng mong muốn được học hỏi những điều tốt, sự tử tế, lương thiện ở thần tượng của mình cơ mà?
Vậy nên chẳng có lý lẽ gì để cố chấp bảo vệ thần tượng với cái mác “tình yêu đích thực, tất cả đều tha thứ”. Vì như vậy có nghĩa bạn đang chấp nhận, bao dung và cả tiếp tay cho những điều xấu. Đó không phải là hâm mộ. Hâm mộ không phải cứ cố chấp nhắm mắt, bịt tai, kể cả khi họ làm sai cũng tặc lưỡi bỏ qua, cho rằng họ bị hại.
Fan nuông chiều sẽ tạo ra một thần tượng không biết mình sai!
Thần tượng ai đó, suy cho cùng cũng cần phải học, học cách hâm mộ văn minh, học cách tách biệt giữa thế giới của idol với đời thực.
Nếu không may có những ồn ào xảy ra, hãy giữ một cái đầu lạnh, suy xét sự việc một cách thấu đáo. Làm gì cũng đừng quên phải đứng về phía lẽ phải, sự thật. Đừng vì yêu thần tượng của mình mà chà đạp lên những tổn thương họ đã gây ra. Đó không phải là cách bảo vệ hay thể hiện “quyền lực” của người hâm mộ.
Đành rằng việc đó không dễ nhưng đó lại là cách tốt nhất để thể hiện tiếng nói của mình khi không còn cảm thấy được tôn trọng, yêu thương như cách mà họ từng làm với idol của mình. Ngoài kia, vẫn còn rất nhiều người có đủ tài, đủ đức và xứng đáng hơn với danh xưng idol để yêu thích, hâm mộ.