Huyết khối thực chất là phản ứng sinh lý bình thường giúp cầm máu khi cơ thể bị chảy máu do vết thương hoặc vết cắt. Thông thường, sau khi vùng tổn thương lành lại, cơ thể sẽ tự phá vỡ những cục máu này. Vấn đề chỉ thực sự nguy hiểm khi huyết khối hình thành bất thường trong lòng mạch hoặc di chuyển đến các cơ quan khác, gây tắc nghẽn tĩnh mạch sâu, vỡ mạch máu hoặc đột quỵ.
Huyết khối và đột quỵ có mối liên hệ mật thiết với nhau. Huyết khối là nguyên nhân phổ biến gây ra đột quỵ dạng thiếu máu cục bộ (một loại đột quỵ xảy ra khi dòng máu lên não bị gián đoạn). Theo thông tin từ tạp chí Parade, một trong những nguyên nhân hàng đầu gây huyết khối chính là thói quen lười vận động.
Huyết khối có thể gây tắc nghẽn mạch máu và dẫn tới đột quỵ (Ảnh minh họa).
Lười vận động làm hình thành huyết khối
Trả lời phỏng vấn trên tạp chí Parade, bác sĩ Jayne Morgan, chuyên gia tim mạch và Phó Chủ tịch Y khoa tại Hello Heart (Mỹ), cảnh báo lối sống thụ động, ngồi nhiều, ít vận động là yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Theo bác sĩ Morgan, vận động thường xuyên giúp cải thiện tuần hoàn, ngăn máu ứ đọng, từ đó làm giảm nguy cơ hình thành huyết khối.
Đồng quan điểm với bác sĩ Morgan, bác sĩ Mohanakrishnan Sathyamoorthy, Trưởng khoa Nội tại Trường Y Burnett (Mỹ), cho biết: “Vận động đều đặn giúp tăng cường lưu thông máu, ngăn chặn tình trạng ứ trệ – nguyên nhân hàng đầu gây huyết khối”.
Một số triệu chứng cảnh báo của huyết khối là ho ra máu, tim đập nhanh, chóng mặt, khó thở, đau tức ngực, phù chi, da ấm và đổi màu. Đặc biệt, bác sĩ Sathyamoorthy nhấn mạnh, phù một bên chân kèm đau khi gập chân, nhất là ở bắp chân, là dấu hiệu cần đặc biệt lưu ý.
Phòng ngừa huyết khối: Không khó nhưng cần chủ động
Tăng cường vận động giúp phòng ngừa huyết khối (Ảnh minh họa).
Theo các chuyên gia, để phòng ngừa huyết khối, mọi người cần chủ động thực hiện những điều sau đây:
Tăng cường vận động: Nếu thường xuyên phải ngồi trong thời gian dài, ví dụ như dân văn phòng, hãy cố gắng đứng dậy, đi lại mỗi 1 – 2 tiếng. Thay vì đi thang máy, hãy chọn thang bộ.
Uống đủ nước: Nên giữ đủ nước trong cơ thể, nhất là trong thời tiết nóng. Mất nước làm máu đặc hơn, tăng nguy cơ hình thành huyết khối.
Hiểu rõ nguy cơ cá nhân và có biện pháp phòng ngừa: Một số yếu tố làm tăng nguy cơ huyết khối gồm: béo phì, tiểu đường, mang thai, tuổi cao, hút thuốc, lười vận động. Bạn cần biết mình có thuộc nhóm nguy cơ cao mắc huyết khối hay không để có những biện pháp chủ động phòng ngừa.
Đi khám nếu nghi ngờ bệnh: Có nhiều xét nghiệm không xâm lấn giúp chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc huyết khối động mạch. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc chống đông máu trong vài tuần hoặc vài tháng để ngăn tái phát và hỗ trợ phục hồi mạch máu.
(Nguồn: Tổng hợp)