Ẩm thực xứ Lạng là sự giao thoa độc đáo giữa hương vị của nhiều nơi, được tô điểm thêm bởi sự sáng tạo của người dân địa phương. Nhờ đó mà vùng đất biên viễn này có nhiều món ăn không chỉ ngon mà còn độc lạ từ tên gọi cho tới cách chế biến. Những cái tên như cao sằng, bánh coóc, coóng phù, phoóng dăm... ban đầu nghe như "sai chính tả", nhưng ăn rồi mới thấy: nhớ tên khó chứ nhớ vị thì dễ!
Tên nghe lạ tai nhưng cao sằng thực chất là một món bánh mặn được biến tấu từ món ăn người Hoa, mang ý nghĩa là "bánh nhiều tầng" (cao = bánh, sằng = tầng). Bánh được làm từ gạo tẻ ngâm xay, hấp cách thủy nhiều lớp, mỗi lớp bột được đổ lên nhau cho thật dày, có khi gấp 10 lần bánh phở.
Khi lớp bánh chín, người ta sẽ phết nhân thịt heo băm xào lên mặt bánh, thêm lạc rang, rau mùi và giấm chua ngọt. Vị béo của nhân quyện cùng độ mềm mướt của bột, thêm chút chua dịu từ giấm khiến món ăn tưởng đơn giản mà lại đậm đà khó quên.
(Ảnh: Internet)
Mới nghe "bánh coóc", nhiều người dễ nhầm với bánh coóc mò (món bánh ống của người Tày). Nhưng bánh coóc thực chất là một dạng bánh hấp có vỏ làm từ bột gạo bao thai truyền thống, được xào chín sơ với mỡ lợn để thơm và không dính tay.
Nhân bánh gồm thịt lợn vai, mộc nhĩ, nấm hương, hành khô và su hào băm nhỏ, được gói khéo léo và đem hấp chín khoảng 40 phút. Khi ăn, chan nước dấm chua ngọt, rắc lạc rang, măng ớt và rau thơm là chuẩn vị. Món này khá giống sủi cảo, nhưng hương vị lại đậm chất xứ Lạng.
(Ảnh: Báo Lạng Sơn)
Phoóng dăm (còn gọi là coóng dăm) là món bánh lâu đời của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn. Bánh làm từ bột nếp xay khô, nhân là thịt lợn xào cùng mộc nhĩ, nấm hương, miến dong, hạt tiêu… dậy mùi thơm đặc trưng.
Điều thú vị là phoóng dăm không ăn khô, mà thường được ăn kèm với canh xương nấu từ sườn non, cho vị ngọt thanh mà không ngấy. Thêm rau cải cúc hoặc cải thảo vào nồi, ăn cùng bánh sẽ giúp cân bằng vị giác, làm món ăn trở nên tròn vị hơn bao giờ hết.
(Ảnh: Báo Lạng Sơn)
Trời lạnh ở vùng cao mà được xuýt xoa với một bát coóng phù nóng hổi thì đúng là không gì bằng. Món bánh này khá giống bánh trôi nước nhưng có những điểm đặc biệt riêng.
Vỏ bánh làm từ bột nếp dẻo dai, nhân là đỗ xanh trộn đường cát trắng. Mỗi viên bánh được vo tròn, ấn dẹt nhẹ mặt trên rồi chấm vừng trắng cho thơm. Ngoài bánh trắng truyền thống, người dân còn trộn thêm gấc chín để tạo màu đỏ cam bắt mắt.
Khi có khách gọi, người bán mới thả từng viên bánh vào nồi nước đường gừng đang sôi liu riu. Bánh nổi lên là chín, được múc ra bát, rưới nước đường, rắc lạc rang, dừa nạo, tinh dầu chuối - đủ để đánh thức mọi giác quan.
(Ảnh: Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Lạng Sơn)
Ẩm thực Lạng Sơn không chỉ độc đáo nhờ hương vị mà còn để lại ấn tượng từ những cái tên "khó gọi", nghe lần đầu tưởng đùa nhưng chính những món ăn này lại là phần hồn không thể thiếu của vùng đất biên giới. Nếu có dịp ghé xứ Lạng, đừng chỉ mải ngắm núi rừng, hãy thử bước vào một hàng quán nhỏ ven đường, gọi một phần cao sằng, nhâm nhi chút coóng phù nóng hổi... để thấy được cái duyên của ẩm thực nơi đây không hề nằm ở sự cầu kỳ, mà chính là cái chân chất và đậm đà tình người.