Sự thật về hạn sử dụng ghi trên bao bì

Bảo Anh (theo Health), Theo VTV 13:10 23/07/2025
Chia sẻ

Ai trong chúng ta cũng từng do dự khi cầm một sản phẩm trên tay, nhìn thấy dòng chữ "hạn sử dụng" đã quá vài ngày và phân vân không biết có nên tiếp tục sử dụng hay vứt bỏ.

Ảnh: Getty Images

Ảnh: Getty Images

Những hiểu lầm phổ biến

Theo phát ngôn của đại diện Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), những thông tin về hạn sử dụng được đưa ra không nhằm mục đích giúp người tiêu dùng đánh giá mức độ an toàn của thực phẩm, mà chỉ để chỉ dẫn về chất lượng, độ tươi ngon tối ưu của sản phẩm trong một khoảng thời gian nhất định. Nói cách khác, những mốc thời gian ấy phục vụ nhiều hơn cho mục tiêu thương mại và kiểm soát hàng tồn kho hơn là cảnh báo y tế cho người tiêu dùng.

Tiến sĩ Vanessa Coffman, chuyên gia về lãng phí thực phẩm và giám đốc của Liên minh Ngăn chặn Bệnh do Thực phẩm, giải thích rằng các nhà sản xuất thường dựa trên thử nghiệm khoa học để đưa ra ngày "best by" (tốt nhất nếu dùng trước) hoặc "use by" (sử dụng trước). Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc sản phẩm sẽ lập tức trở nên nguy hiểm sau thời điểm ấy. Chẳng hạn, dòng chữ "best if used by" chỉ đơn thuần cho biết thời điểm thực phẩm đạt chất lượng cao nhất về hương vị và độ tươi, còn "use by" là thời gian khuyến nghị nên sử dụng để đảm bảo trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. Cả hai đều không phải là giới hạn tuyệt đối về mặt an toàn vệ sinh thực phẩm, ngoại trừ với sữa công thức cho trẻ sơ sinh, vốn được quy định nghiêm ngặt hơn.

Sự thật về hạn sử dụng ghi trên bao bì- Ảnh 2.

Một số khuyến cáo về hạn sử dụng ghi trên bao bì không liên quan đến sức khỏe (Ảnh: Eatthis)

Ngay cả dòng chữ "sell by" cũng không hề liên quan đến sức khỏe. Đây chỉ là thời gian mà nhà bán lẻ cần tuân thủ để đưa sản phẩm ra khỏi quầy, nhằm đảm bảo vòng đời hàng hóa phù hợp. Tương tự, nhãn "freeze by" nhằm khuyến nghị người tiêu dùng nên đông lạnh sản phẩm vào thời điểm nào để giữ được chất lượng tối ưu, chứ không đồng nghĩa với việc thực phẩm sẽ hỏng nếu không làm theo.

Điều này đặt ra một câu hỏi thiết thực: thực phẩm có thể dùng được bao lâu sau khi "hết hạn"? Câu trả lời là… khá lâu, nếu được bảo quản đúng cách. Theo chuyên gia dinh dưỡng Bhasin chia sẻ với tạp chí Health, nhiều loại thực phẩm như sữa, thịt hoặc các sản phẩm dễ hỏng khác vẫn có thể được sử dụng an toàn sau hạn sử dụng vài ngày, thậm chí một tuần. 

Sự thật về hạn sử dụng ghi trên bao bì- Ảnh 3.

Sự nhầm lẫn về hạn sử dụng khiến người tiêu dùng thường xuyên vứt bỏ thực phẩm còn dùng được (Ảnh; Goodwell)

Với những mặt hàng khô như mì gói, ngũ cốc, đồ hộp, bánh quy… chúng có thể để được trong nhiều năm nếu bao bì còn nguyên vẹn và không có dấu hiệu rỉ sét hoặc phồng rộp. Tất nhiên, theo thời gian, thực phẩm có thể mất đi độ giòn, thơm ngon ban đầu, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc nó không còn an toàn để ăn.

Sự nhầm lẫn giữa "chất lượng" và "an toàn" khiến người tiêu dùng thường xuyên vứt bỏ thực phẩm còn dùng được, góp phần làm gia tăng lãng phí thực phẩm toàn cầu. Và đó là lúc chúng ta cần hiểu rõ hơn về những gì thật sự nằm sau dòng chữ "hạn sử dụng".

Cách nhận biết thực phẩm còn an toàn

Nếu như phần lớn hạn sử dụng mang tính tham khảo về chất lượng, thì câu hỏi tiếp theo đặt ra là: làm thế nào để người tiêu dùng có thể biết được đâu là thực phẩm còn an toàn và đâu là thứ cần phải bỏ đi?

Câu trả lời nằm ở chính các giác quan của bạn. Thay vì chỉ nhìn vào con số in trên bao bì, bạn nên quan sát màu sắc, ngửi mùi và kiểm tra kết cấu của thực phẩm. Các dấu hiệu phổ biến cho thấy thực phẩm không còn an toàn bao gồm nấm mốc xuất hiện, mùi chua hoặc hôi bất thường, thực phẩm đổi màu, có kết cấu vón cục, lỏng hơn bình thường hoặc bao bì bị phồng lên, rỉ sét, rách.

Sự thật về hạn sử dụng ghi trên bao bì- Ảnh 4.

Ngửi mùi và quan sát bằng mắt là một trong những cách hữu hiệu để đánh giá độ an toàn của thực phẩm (Ảnh: Getty Images)

Mặc dù trong nhiều trường hợp, ăn thực phẩm đã hỏng sẽ không gây ngộ độc ngay lập tức, nhưng nguy cơ xuất hiện các triệu chứng như buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng là hoàn toàn có thật. Điều này đặc biệt quan trọng với người già, trẻ nhỏ hoặc những người có hệ miễn dịch yếu.

Để bảo vệ sức khỏe và kéo dài thời gian sử dụng thực phẩm một cách an toàn, các chuyên gia khuyến nghị nên bảo quản thực phẩm đúng cách. Cụ thể, tủ lạnh nên được đặt ở mức 4 độ C hoặc thấp hơn, trong khi tủ đông cần giữ ở mức 0 độ F (tương đương 18 độ C) hoặc thấp hơn. Thịt sống, cá và gia cầm nên để ở ngăn thấp nhất để tránh nước rò rỉ sang thực phẩm khác. Trứng và sữa không nên đặt ở cánh cửa tủ lạnh, nơi nhiệt độ dao động nhiều nhất khi mở ra đóng vào. Những thực phẩm khô như đồ hộp, mì, ngũ cốc nên để ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh các khu vực ẩm thấp.

Ngoài ra, nếu có thể, hãy đông lạnh sớm các loại thực phẩm tươi sống ngay sau khi mua về, đặc biệt là nếu bạn không có kế hoạch sử dụng trong vòng vài ngày. Với các thực phẩm đóng hộp, loại có hàm lượng axit cao như cà chua hay trái cây thường có thể bảo quản đến 18 tháng. Trong khi đó, đồ hộp ít axit như thịt có thể giữ được từ 2 đến 5 năm, miễn là bao bì còn nguyên.

Sự thật về hạn sử dụng ghi trên bao bì- Ảnh 5.

Bảo quàn thưc phẩm đúng cách sẽ giữ được độ tươi ngon và an toàn (Ảnh: Getty Images)

Một mẹo nhỏ nữa là bạn nên để riêng chuối với các loại trái cây khác, bởi khí ethylene mà chuối tiết ra có thể khiến trái cây lân cận chín nhanh và dễ hỏng hơn. Tương tự, rau và các loại thảo mộc tươi không nên để chung ngăn với trái cây nếu muốn kéo dài thời gian sử dụng.

Cuối cùng, đừng quá phụ thuộc vào con số trên bao bì. Hãy để mắt và mũi của bạn trở thành "người kiểm duyệt" thông minh. Hạn sử dụng chỉ là lời khuyên, độ tươi và an toàn của thực phẩm mới là điều đáng quan tâm nhất.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày