Chị Nguyễn Thu Quỳnh (33 tuổi, sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) từng nghĩ mình đang làm chủ tài chính khá tốt: gia đình 3 người, tổng thu nhập hàng tháng khoảng 35 triệu đồng (chồng làm kỹ sư 22 triệu, chị làm kế toán part-time 13 triệu), không nợ nần, sinh hoạt ổn định.
Thế nhưng, một đêm đầu tháng 3, con trai 4 tuổi sốt cao liên tục, phải nhập viện trong tình trạng viêm phổi nặng. Khi bác sĩ thông báo tổng chi phí điều trị dự kiến khoảng 10–12 triệu , chị Quỳnh sững người.
"Tôi không có sẵn 10 triệu để rút ra lúc đó. Chồng tôi cũng vậy. Cảm giác như cả hai chúng tôi làm việc mỗi ngày, nhưng lại không giữ nổi tiền của mình" , chị Quỳnh chia sẻ.
Trong túi chỉ có 2 triệu, tài khoản ngân hàng gần như trống rỗng. Hai vợ chồng phải vội vàng xoay tiền từ bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí tạm ứng lương tháng sau.
Sau khi con khỏe lại, chị Quỳnh quyết định ngồi lại và kiểm kê toàn bộ dòng tiền của gia đình trong suốt 6 tháng vừa qua. Kết quả khiến chính chị cũng giật mình.
Ăn uống hàng tháng (bao gồm đặt đồ ăn ngoài, cà phê, ăn nhà hàng 1-2 lần/tuần): ~12 triệu
- Chi tiêu cá nhân (quần áo, mỹ phẩm, làm đẹp): 5–6 triệu
- Đồ chơi, học liệu, sách vở cho con: ~2 triệu
- Tiền học + sinh hoạt phí + điện nước: ~7 triệu
- Chi phí di chuyển, bảo dưỡng xe máy: 1 triệu
- Dã ngoại, vui chơi mỗi tháng một lần: 2–3 triệu
- Tiết kiệm cố định hàng tháng: 0 đồng
"Chúng tôi tiêu gần hết những gì kiếm được mỗi tháng, đôi khi còn ứng trước chi tiêu tháng sau vì có lương ổn định. Tưởng là đang sống ổn, hóa ra là đang tiêu sạch" , chị Quỳnh nói.
Sự cố vừa qua khiến chị Quỳnh thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận với tiền bạc. Ba điều chị rút ra sau trải nghiệm "thức tỉnh tài chính":
- Không có quỹ dự phòng là sai lầm lớn nhất của người làm cha mẹ: Chỉ cần một biến cố y tế là đủ khiến cả gia đình rơi vào khủng hoảng. Tôi không thể để chuyện này lặp lại.
- Tiết kiệm phải là khoản "chi tiêu bắt buộc", không phải đợi có dư mới làm. Từ tháng sau, chị Quỳnh bắt đầu chuyển ngay 5 triệu vào tài khoản tiết kiệm khi vừa nhận lương, không chờ cuối tháng còn bao nhiêu thì để dành.
- Cắt bỏ những khoản chi cảm tính. Chị hủy thẻ thành viên spa, bỏ theo dõi các trang bán hàng online và lập danh sách "những gì không mua trong tháng này".
Sau 30 ngày điều chỉnh, chị Quỳnh chia sẻ:
- Chi phí ăn uống giảm còn 8 triệu/tháng, nhờ nấu ăn ở nhà và mang cơm đi làm.
- Không còn tiêu tiền vào việc "giải khuây" như mua đồ online, đặt trà sữa.
- Đã có 5 triệu trong quỹ dự phòng, và mục tiêu là lên 30 triệu trong 6 tháng tới.
Rất nhiều gia đình tưởng đang "ổn", nhưng thật ra đang chạy sát mép tài chính mỗi tháng, không hề có vùng an toàn cho những chuyện bất ngờ – mà ai trong đời rồi cũng sẽ gặp. Nếu bạn đang có thu nhập ổn định nhưng chưa từng lập quỹ dự phòng, hãy bắt đầu từ 500.000 hay 1 triệu mỗi tháng. Không nhiều, nhưng nó chính là cái phao của bạn trong những tình huống tưởng như không bao giờ xảy ra.