Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính, một cô gái 26 tuổi đã đặt ra câu hỏi: Có nên bán vàng lấy tiền kinh doanh vào thời điểm này hay không?
Nguyên văn tâm sự của cô như sau: “Em sinh năm 1999. Đi làm được 5 năm, đến hiện tại em có tích lũy được 13 chỉ vàng 24k và 3 chỉ vàng 18k. Giá vàng đang cao nên em định bán lấy vốn mở 1 xe bán mỳ trộn, cơm gần khu chợ và trường cấp 1. Lương em hiện tại 11,5 triệu nhưng thực lãnh chỉ 10,5 - 11 triệu. Em làm văn phòng, ít tăng ca, hiện đang ở Bình Dương.
Mọi người cho e hỏi tính vậy thì rủi ro cao không ạ? Em chưa có buôn bán lần nào nên hoang mang lắm, 1 phần vì chán việc 1 phần muốn thời gian tự do hơn nên e muốn kinh doanh buôn bán ạ”.
Ảnh minh họa
Trong phần bình luận của bài đăng, phần lớn mọi người đều ra sức cản cô gái này không nên bán vàng lấy tiền kinh doanh, càng không nên nghỉ việc.
“5 năm đi làm gom góp được chừng đó là giỏi nhưng giờ bán đi lấy tiền kinh doanh là dại đó em ạ. Lại còn nghỉ việc nữa thì rất không nên. Giờ giữ vàng thì sau này còn, chứ tính như em có khi vài tháng là trắng tay, vì buôn bán giờ khó lắm chẳng nói trước được gì đâu” - Một người khuyên.
“Công việc đang ổn định thì mắc gì nghỉ để bươn chải bạn ơi, buôn bán có ngày này ngày kia với không tự do hơn đâu, làm tối ngày luôn chứ không phải rảnh rang hơn đi làm văn phòng đâu” - Một người khác khẳng định.
“Nên suy nghĩ kỹ lại nha em. Mình phải có 1 mức lương ổn định, rồi tính đến chuyện bán đồ là kiếm thêm, chứ không nên dồn tất vào 1 cái” - Một người khác chia sẻ.
Trong bối cảnh hiện tại, nghỉ việc để rẽ hướng kinh doanh là quyết định có phần khá rủi ro. Khó khăn chung mà, dân văn phòng khó thì dân kinh doanh cũng không dễ dàng hơn là bao.
Nếu còn đi làm, thì chí ít cũng có một khoản thu nhập cố định hàng tháng, chứ việc buôn bán thì chẳng biết đâu là lường trước được.
Đặc biệt, nếu không có chỗ dựa tài chính vững chắc, thiết nghĩ, lựa chọn từ bỏ công việc đang ổn định để "tất tay" kinh doanh là khá mạo hiểm. Vốn liếng đã vét sạch để hiện thực hóa mong muốn được làm chủ, mà chẳng may việc buôn bán không thuận lợi, phải gồng lỗ hoặc thậm chí là gánh nợ, thử nghĩ xem bạn sẽ "xoay vốn" từ đâu? Lúc ấy, có một nguồn thu nhập ổn định và đều đặn "chảy" vào tài khoản hàng tháng, có phải tốt hơn không?
Ảnh minh họa
Đành rằng việc vừa làm văn phòng, vừa bắt đầu kinh doanh không phải chuyện dễ dàng. Đôi khi, bạn sẽ phải làm việc gấp đôi, thậm chí gấp 3 và phải hy sinh cả thời gian ăn uống, ngủ nghỉ của bản thân. Nhưng đổi lại, vừa làm việc văn phòng, vừa bắt đầu kinh doanh vẫn là phương án ít rủi ro hơn cho chính bạn. Nỗ lực chịu khó, chịu khổ một thời gian, cho đến khi hòa vốn, lãi đều và ổn định hàng tháng rồi nghỉ việc hành chính cũng chưa muộn.
Suy cho cùng, đi làm thuê hay tự làm chủ chẳng phải việc có thể mang lại kết quả mỹ mãn trong "ngày 1 ngày 2". Đưa ra quyết định một cách quá nóng vội là điều rất không nên.
Bên cạnh đó, cũng nên nhớ rằng: Làm gì thì làm, cũng phải duy trì quỹ dự phòng cho bản thân và gia đình! Kinh doanh dù nhỏ hay lớn cũng đều cần vốn, chuyện này không có gì khó hiểu hay đáng bàn. Nhưng vét sạch tiền tiết kiệm lẫn tiền dự phòng để làm vốn kinh doanh lại là chuyện khác.
Công việc hành chính đã nghỉ, tiền tiết kiệm đã hết, nếu không may buôn bán không thuận lợi, trong người chẳng còn 1 đồng, lại gặp cả tá chuyện "hỡi ơi" cần tiền,.., cứ thử đặt mình vào hoàn cảnh ấy, bạn sẽ hiểu quỹ dự phòng quan trọng đến thế nào.
Chuẩn bị quỹ dự phòng cho bản thân trước khi bắt đầu kinh doanh, khởi nghiệp là tự chừa cho mình một đường lui. Đừng chỉ chăm chăm tin rằng "liều ăn nhiều" mà quên tính tới khả năng nếu "ngã về không", mình sẽ ra sao?