Cố cắt giảm chi tiêu để tiết kiệm nhưng cuối cùng lại tiêu nhiều tiền hơn: Mong bạn đừng sai lầm như tôi!

Ngọc Linh, Theo Đời sống pháp luật 21:26 12/04/2025
Chia sẻ

Tôi đã mắc phải 3 sai lầm “chí mạng”, chẳng những không tiết kiệm được thêm mà còn mệt hết cả người.

Những năm gần đây, nhiều người - trong đó có tôi, tìm đến lối sống này với hy vọng giảm bớt gánh nặng vật chất, để từ đó tiết kiệm được nhiều hơn. Tôi cũng mon men làm quen với lối sống tối giản với mục đích ấy, tuy nhiên, dù cố gắng đến đâu, tiền trong túi tôi vẫn cứ không ngừng “vỗ cánh bay”.

Ban đầu, tôi chẳng hiểu tại sao lại xảy ra sự mâu thuẫn này, cho tới khi rơi vào bế tắc và đành phải lên mạng xin lời khuyên của những người có kinh nghiệm sống tối giản, tôi mới nhận ra suy nghĩ của tôi về cuộc sống tối giản đã sai ngay từ đầu!

1 - “Tối giản” không có nghĩa là “chỉ mua đồ rẻ”

Sai lầm đầu tiên và cũng là sai lầm nguy hiểm nhất mà tôi lại cứ đinh ninh là đúng: Đánh đồng tối giản với việc mua những thứ rẻ tiền nhất có thể. Với tâm lý cắt giảm chi phí, tôi nghĩ rằng mình chỉ nên chọn các sản phẩm giá rẻ, càng rẻ càng tốt. Việc này có thể có lợi trước mắt nhưng về lâu dài, nó lại khiến tôi tốn nhiều tiền hơn.

Vì đồ rẻ thì tuổi thọ ngắn, dễ hỏng hoặc nhanh lỗi mốt nên dùng chưa được bao lâu đã phải thay mới, vòng lặp chi tiêu cứ thế tiếp diễn không dứt. Đơn cử như việc mua máy xay cầm tay. Trên thị trường có cả ngàn loại với mức giá khác nhau, tiền triệu cũng có mà vài trăm ngàn cũng đầy. Đương nhiên, tôi chỉ chọn mua chiếc máy xay có giá 165k. Nhưng dùng được khoảng hơn 1 tháng, lưỡi dao đã cùn, không thể xay nhuyễn được trái cây, vậy là tôi lại phải chi tiền mua cái mới.

Cố cắt giảm chi tiêu để tiết kiệm nhưng cuối cùng lại tiêu nhiều tiền hơn: Mong bạn đừng sai lầm như tôi!- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Cuối cùng, tôi nhận ra thay vì chỉ nhìn vào giá cả, hãy tập trung vào chất lượng, độ bền và tính hữu dụng của món đồ mình chi tiền rước về. Thà mua sản phẩm xịn, đắt một chút mà dùng được lâu còn hơn là mua đồ rẻ rồi lại tốn tiền thay mới. Đó mới là chi tiêu thông minh - yếu tố quan trọng trên hành trình sống tối giản.

2 - "FOMO" phiên bản sống tối giản

Tôi thấy có một nghịch lý trớ trêu là đôi khi, những người theo đuổi lối sống tối giản lại rơi vào "bẫy" của chính cộng đồng này. Tôi là một trong số đó. Trong các hội nhóm thảo luận về chủ đề sống tối giản, có rất nhiều người review những món đồ đa công năng như sofa giường, bàn ăn gấp gọn,...

Đọc những bài review như vậy, tôi cảm thấy “ồ nếu mình mua cái sofa này thì mình có thể thanh lý cái giường bây giờ đi, vừa tối ưu không gian, vừa tiết kiệm”. Và thế là tôi lại chi tiền chốt đơn. Mãi sau này, tôi mới nhận ra đây là một dạng "FOMO" phiên bản tối giản. Giải thích một cách dễ hiểu, đó là cảm giác bản thân thiếu một món đồ nào đó chỉ vì thấy người khác sở hữu và cho rằng nó là sản phẩm "must-have" của lối sống này.

Trong các cộng đồng sống tối giản, đôi khi sẽ xuất hiện một chuẩn mực ngầm về những món đồ nên có. Việc không sở hữu những món đồ này có thể khiến một số người cảm thấy lạc lõng hoặc chưa thực sự "tối giản".

Cố cắt giảm chi tiêu để tiết kiệm nhưng cuối cùng lại tiêu nhiều tiền hơn: Mong bạn đừng sai lầm như tôi!- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Chưa kể, các nhãn hàng ngày càng tinh vi trong việc tiếp thị sản phẩm của họ dưới mác "tối giản", đánh vào tâm lý muốn sở hữu những món đồ đơn giản, tiện dụng và có tính thẩm mỹ cao. Những người thiếu tỉnh táo và dễ tự ti như tôi rất dễ bị cuốn vào vòng xoáy mua sắm những thứ "tối giản" nhưng lại không thực sự cần thiết.

3 - Trạng thái “tiết kiệm ảo”

Một lỗi sai khác của tôi là tập trung quá mức vào việc cắt giảm những chi phí nhỏ nhặt hàng ngày, chẳng hạn như tự pha cà phê thay vì mua ở ngoài, hoặc tranh thủ mua sắm vào các đợt sale lớn,...

Thoạt nghe, những hành động này có vẻ khá có lợi, nhưng sau khi được mọi người góp ý, tôi lại nhận ra mình đang cắt giảm sai.

Việc tiết kiệm vài chục ngàn từ việc pha cà phê hay săn đồ giảm giá có thể không đáng là bao so với việc tôi đang chi một phần lớn thu nhập để thuê nhà. Lẽ ra tôi phải cắt giảm từ những khoản chi lớn nhất, tốn nhiều tiền nhất chứ không phải là bắt đầu với những khoản chi vặt vãnh như cốc cà phê hàng ngày.

Việc quá chú trọng vào những khoản chi nhỏ cũng khiến tôi tốn nhiều thời gian và công sức một cách không hiệu quả, đồng thời, làm tôi không có được cái nhìn về bức tranh tài chính cá nhân của bản thân.

Hiện tại sau khi đã nhận ra và dần sửa đổi những lỗi sai trong tư duy khi nghĩ về lối sống tối giản và việc tiết kiệm, tôi nhận ra vấn đề quan trọng nhất không phải là chúng ta theo đuổi lối sống nào, mà chính là tính bền vững và lâu dài. Phải lên kế hoạch thế nào, lựa chọn hướng suy nghĩ và mục tiêu ra sao để bản thân có thể kiên nhẫn duy trì trong dài hạn, đó mới là cái khó và nếu làm được thì mới có hiệu quả.

Chứ nếu chỉ cố gắng sống tối giản, cắt giảm chi tiêu trong vòng vài tháng ngắn ngủi, rồi nản lòng và từ bỏ, thì suy cho cùng cũng vẫn là vô nghĩa.

Theo Toutiao

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày