Rất lâu sau chiến tích cùng đội tuyển Việt Nam giành HCV SEA Games 2019, thủ môn Trần Thị Kim Thanh mới đồng ý trò chuyện cùng chúng tôi. Phần vì bận tiếp tục tập trung cùng đội tuyển để chuẩn bị vòng loại Olympic, phần vì như chia sẻ rất thật của cô: "Thiệt tình em thích không ai biết đến em".
Thủ môn Trần Thị Kim Thanh, sinh năm 1993, cao 1m65, là thủ môn số 1 của đội tuyển nữ Việt Nam từ năm 2018.
Hỏi tiếp lý do vì sao lại có suy nghĩ như vậy, cô thủ môn sinh năm 1993 thật thà cho hay: "Vị trí nếu thắng thì được tung hô, lúc không được thì bị lời ra tiếng vào, dễ mất hết tự tin, xuống tinh thần".
"Sau SEA Games về, nhiều người khen thì khen thôi chứ thực sự em ngại lắm. Em trốn hết à. Thiệt tình, em thích mọi người không biết đến em, chứ giờ nhiều người biết em hơn, dễ lại giống như Bùi Tiến Dũng thì em cũng... "chết". Thà để im im, không nói gì em vẫn luôn nỗ lực, chứ mà tung hô quá, rồi đến lúc lỡ em có lỗi là bắt đầu bàn tán nhiều. Em sợ đến phiên em".
Sở dĩ có điều này là bởi Kim Thanh cũng từng mắc sai lầm khiến cả đội thất bại, rồi sau đó dằn vặt bản thân cho đến ngày đã về nước. Đó là ở trận bán kết AFF Cup 2018, giải đấu đầu tiên mà cô được bắt chính cho đội tuyển nữ Việt Nam.
Kim Thanh từng mắc sai lầm khi ra vào bóng bổng ở AFF Cup 2018, nhưng điều đó đã được cải thiện rất nhiều sau đó, ở AFF Cup 2019 và SEA Games 30.
"Năm 2018 , ban huấn luyện và bác Mai Đức Chinh đặt niềm tin vào em cho suất bắt chính tại AFF Cup nữ. Giải đó là lần đầu em thi đấu chính thức trong màu áo tuyển. Nhưng cuối cùng em để bị lỗi ở trận quan trọng. Đội thua chung cuộc 2-4 U20 Australia ở trận bán kết, chỉ đá được trận tranh 3-4. Lỗi em phán đoán sai, đứng sai vị trí để đối thủ lốp bóng qua đầu".
"Sau đó em mất tự tin vì sợ cơ hội sẽ không đến nữa. Giải đó lần đầu em thi đấu màu áo tuyển. Không biết đối thủ ra sao hết. Cũng run nhiều. Khi về rồi, nghĩ tới sai lầm là cứ khóc, buồn lắm. Đội trưởng Huỳnh Như lúc đó mới kêu em ra rồi bảo, thôi có gì đâu, sai thì sửa, mai làm lại".
Sau sai lầm ở AFF Cup 2018, Kim Thanh được ban huấn luyện tuyển nữ Việt Nam tạo cơ hội ở AFF Cup 2019. Kết quả, thủ môn quê Long An đã thi đấu tốt, góp phần giúp đội vô địch và điều này tiếp tục lặp lại ở kỳ SEA Games 30. Giải đấu mà Kim Thanh thăng hoa trong khung thành và tạo ra cơn sốt nhỏ trên MXH với nhiều lời ví cô kiên cường như Iker Casillas, hay đề xuất cô chuyển qua đội nam U22 Việt Nam thay thế Bùi Tiến Dũng, Văn Toản.
Tuy nhiên, như tâm sự của Kim Thanh ở đầu bài, và cũng có thể do chính cảm giác dằn vặt sau khi mắc sai lầm khiến cả đội thua cuộc, Kim Thanh khá rụt rè khi nhắc tới thành công:
"Thiệt tình vì em cũng quen các đối thủ rồi, nhớ được sở trường của đối thủ để phán đoán nên ổn định được tâm lý, tự tin hơn. Thành công của năm nào thì vui năm đó được rồi. Vì năm sau vẫn còn giải đấu nữa mà".
Sự chắc chắn với nhiều pha ra vào lăn xả và chính xác của Kim Thanh ở trận bán kết SEA Games 30, Việt Nam 2-0 Philippines, đã gây cơn sốt nhỏ trên MXH thời điểm đó.
Thủ môn Kim Thanh đến với bóng đá ở độ tuổi 14, độ tuổi đã muộn và chính cô cũng thú nhận rằng khi đó "không biết gì về bóng đá hết trơn". Thậm chí lên thành phố tập một thời gian rồi cũng không biết người chỉ dạy mình là ai dù đó là HLV thủ môn Kim Hồng, người từng có 7 năm trấn giữ khung thành tuyển nữ Việt Nam và đảm nhiệm vai trò huấn luyện ở CLB TP.HCM rồi đội tuyển từ năm 2004 đến nay.
"Năm lớp 8 có cô Mỹ Oanh về trường em tuyển cầu thủ nữ, được 2 bạn rồi nhưng vẫn cần thêm thủ môn. Vậy là sau đó thầy em giới thiệu em. Lúc đó em có biết gì đá bóng đâu. Ở trường em chạy điền kinh 100, 200m. Thầy thấy em cao cao, tay chân dài nên giới thiệu vậy để lên mấy cô chỉ dạy sau"
"Thiệt tình là hồi nhỏ em thích bóng chuyền. Chiều chiều đi đánh bóng chuyền, còn đá banh thấy mấy đứa con trai nó chơi, lâu lâu chạy vô bày đặt vậy thôi chứ có biết đá đâu".
"Lúc đầu lên trung tâm Tao Đàn (Quận 1, TP.HCM) em tập sức mạnh. Khi đó cô Hồng bận dạy các chị đội tuyển. Mà lúc đó em cũng không biết cô là ai hết. Cô kêu chạy thì chạy, tập tạ thì tập tạ. Khi nào cô từ tuyển về thì chỉ cụ thể động tác, đỡ bóng, bay người như thế nào. Hồi đầu tay chân bầm dập hết".
Kim Thanh được học hỏi rất nhiều từ HLV thủ môn Kim Hồng.
Kim Thanh xem nhẹ và nói cho qua chuyện về những khó khăn trong quãng đường trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, rồi sau đó có một vị trí ở đội tuyển nữ Việt Nam. Vì giống với rất nhiều đồng đội cũng xuất thân từ gia đình làm nông khác, một trong những động lực của Kim Thanh là để "gia đình bớt đi một miệng ăn".
"Ban đầu ba cho em đi thể thao. Nhưng mẹ em không cho vì nhỏ giờ con mình có đi đâu xa đâu. Lên thành phố biết như nào đâu. Ba với em thay nhau động viên mẹ, con lên đó được người ta nuôi ăn học, cho tập bóng đá, con đi cho ở nhà đỡ phần nào đó".
Như bao cô gái đá bóng xuất thân nghèo khó, Kim Thanh gắn bó với cái nghiệp bóng đá để gia đình bớt đi một gánh nặng.
Tết 2020, Kim Thanh sẽ chỉ ở bên gia đình trọn vẹn mùng 2 âm lịch. Vào mùng 3, cô sẽ ra Hà Nội tập trung cùng đội tuyển nữ Việt Nam để mùng 9 sang Hàn Quốc, thi đấu vòng loại Olympic Tokyo 2020.
"Tranh thủ thời gian này em chỉ muốn ở bên ba mẹ thôi. Bạn bè em ở nhà không còn ai. Vì em đi lâu quá mà nhiều người cũng đã lập gia đình. Ở nhà chơi với cháu, phụ việc ba mẹ thôi. Em đi xa về luôn vậy đó. Chứ đi miết vậy, việc nhà toàn ba mẹ phải lo thôi".
"Nói chung tết này vui hơn mọi năm vì lúc em về ba mẹ rồi hàng xóm nhắc chuyện giành HCV SEA Games. Tiền thưởng từ thành tích em cũng đang tích cóp để xây một căn nhà to to cho ba mẹ".