Liên tiếp xảy ra các vụ án xâm phạm sức khỏe, tính mạng của người khác với sự manh động, tàn bạo.
Theo luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng luật sư Giang Thanh), nguyên nhân chính là do ý thức tuân thủ, thượng tôn pháp luật của không ít người dân rất thấp, nếu như không nói rằng họ coi thường pháp luật và chỉ làm theo ý muốn của mình. Điều này dễ dàng nhận thấy qua những bình luận, chia sẻ của nhiều người ủng hộ việc làm của người vi phạm nếu như nạn nhân trước khi bị sát hại có phần lỗi nào đó. Cổ súy cho một việc làm sai để giải quyết việc làm sai khác không bao giờ là cách hành xử văn minh, văn hóa.
Những vụ án manh động xảy ra thời gian gần đây cho thấy nhiều bất ổn cùng ứng xử lệch chuẩn trong xã hội cần phải lên án. Luật sư Hoàng Ngọc (Văn phòng luật sư Nhiệt Tâm và Cộng sự) cho rằng, để chỉ ra nguyên nhân tuyệt đối của những vụ việc như thế rất khó. Tuy nhiên, rất đáng báo động là việc khó kiểm soát những thông tin xấu độc. Hình ảnh, video clip xấu độc lan truyền trên mạng xã hội thời gian qua đáng ra cần phải loại trừ, lên án thì lại được nhiều người chấp nhận như việc đương nhiên.
Khi hành vi bạo lực xảy ra, từ nguồn tin ban đầu, rất nhanh sau đó, không chỉ các phương tiện truyền thông dẫn lại mà qua mạng xã hội, qua việc chia sẻ của cá nhân tham gia mạng xã hội khiến thông tin được "nhân bản" rất nhanh.
Dẫn chứng chuyện “lòng xào dưa” liên quan tới cô giáo mầm non ở Thái Bình gây "bão mạng" thời gian qua, luật sư Hoàng Ngọc cho rằng, đáng ra đó là vụ việc cần lên án thì cách ứng xử của một bộ phận lại giống như chuyện hài hước, không quan tâm câu chuyện có vi phạm đạo đức hay không mà vô tình đã đẩy lên thành trào lưu, được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội.
Luật sư Hoàng Ngọc nhấn mạnh, với nhóm đối tượng thanh thiếu niên ít kinh nghiệm sống, thiếu trải nghiệm, trước những câu chuyện như thế sẽ khó nhận biết đâu là hành vi đúng và hành vi nào cần phải lên án, rồi tích tụ dần, sẽ dễ dẫn đến những hành vi lệch chuẩn, tiêu cực.
Theo luật sư Hoàng Ngọc, vấn đề đặt ra hiện nay là xã hội, đặc biệt giới trẻ, cần được lan truyền bằng những thông tin, hình ảnh tích cực. Không chỉ ở Việt Nam, mà nhiều nước trên thế giới cũng đang báo động về tình trạng phải tiếp nhận quá nhiều thông tin tiêu cực, cứ tích tụ dần, sớm muộn cũng ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành vi, khó mà có được những suy nghĩ tích cực.
Luật sư Giang Hồng Thanh (Ảnh LS cung cấp)
Để ngăn ngừa những vụ án xâm phạm sức khỏe, tính mạng người khác, theo luật sư Giang Hồng Thanh, bên cạnh việc xử phạt nghiêm minh (mà biện pháp này thường chỉ đáp ứng yêu cầu trừng trị), thì cần tập trung nâng cao ý thức pháp luật của người dân (đáp ứng yêu cầu phòng ngừa). Việc giáo dục con người biết yêu thương, quý trọng con người cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục ngay từ nhà trường; Việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật tới từng người dân phải được triển khai mạnh mẽ, sâu rộng, không ngừng.
"Nếu như chúng ta biết coi trọng người khác, hiểu được các chính sách pháp luật điều chỉnh, thì khi có tranh chấp, mâu thuẫn, chúng ta cũng sẽ biết điểm dừng của bản thân để kiềm chế hành động chính mình. Khi đó chắc chắn những vụ án manh động như trên sẽ được hạn chế", luật sư Giang Hồng Thanh nhấn mạnh.
Còn luật sư Hoàng Ngọc cho rằng, cần quay lại khái niệm gia đình là tế bào của xã hội, vai trò của gia đình cần được đề cao hơn nữa, không chỉ tạo điều kiện cho con cái được học hành đầy đủ mà cần phải giáo dục những suy nghĩ, hành động đẹp, tích cực, tạo cho con em hành trang để tự bảo vệ trước những hành vi, ứng xử không đẹp ngoài xã hội.