Thị trường việc làm khốc liệt tại Mỹ: Nhân viên văn phòng điêu đứng, nghề lao động tay chân lại gặp thời

Hạ Khương, Theo Tổ Quốc 23:51 20/05/2023

Có được một vị trí “tạm ổn định” tại một tập đoàn Mỹ là ước mơ của nhiều người trong thời gian này.

Trong vài năm qua, rất nhiều nhân viên văn phòng bị sa thải do tình trạng tuyển dụng ồ ạt hậu Covid và lãi suất tăng. Theo các giám đốc điều hành và các nhà kinh tế tại Mỹ, có thể sẽ không còn ai muốn tuyển lại vị trí của họ nữa, hay nói cụ thể hơn là công việc của họ sẽ “biến mất” luôn.

Robot bắt đầu đảm nhận các công việc sản xuất tay chân, còn trí tuệ nhân tạo thì được tận dụng trong các công việc lao động trí óc. Và những công cụ này cần sự điều hành của các chuyên viên cao cấp, đòi hỏi nhiều kiến thức chuyên môn hơn.

Mark Zuckerberg đã nói với các nhân viên sau đợt sa thải mới gần nhất rằng nhiều công việc sẽ không còn nữa vì công nghệ mới đã cho phép Meta hoạt động hiệu quả hơn mà không cần tốn nhiều nhân lực.

Thị trường việc làm khốc liệt tại Mỹ: Nhân viên văn phòng điêu đứng, nghề lao động tay chân lại gặp thời - Ảnh 1.

Các nhân viên văn phòng có nguy cơ bị sa thải cao hơn

Giám đốc điều hành của International Business Machines, Arvind Krishna, gần đây cho biết công ty có thể tạm dừng một số hoạt động tuyển dụng để xem xét, đánh giá loại công việc nào có thể dùng AI hỗ trợ. AI có thể dẫn đến tình trạng cắt giảm nhân sự nhưng cũng cho phép những nhân viên ở lại có thời gian tập trung vào các đầu việc khác.

Cuối tháng 3, số lượng nhân viên văn phòng thất nghiệp tại Mỹ đã tăng khoảng 150.000 người, theo một phân tích từ Employ America, bao gồm cả những người làm quản lý thuộc ngành nghề về máy tính, kỹ thuật và khoa học.

Các nhà lãnh đạo công ty nói rằng có nhiều lớp quản lý cồng kềnh, vừa quá tải, vừa làm chậm tiến trình ra quyết định. Giám đốc điều hành mới của Lyft, David Risher, dự định trong tháng 5 sẽ cắt giảm số lượng cấp quản lý từ tám xuống còn năm để tinh giản bộ máy. Đối với nhà quản lý cấp trung, rất có thể họ phải từ bỏ đội nhóm của mình và quay trở lại làm một nhân viên bình thường. Đồng thời trong thời gian tới công ty cũng giảm bớt khoảng 1.000 công việc văn phòng trong đợt sa thải mới nhất.

Giai đoạn trước đây, khi nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái do lãi suất cao, tình trạng mất việc làm thường diễn ra ở ngành nhạy cảm nhất với sự thay đổi lãi suất, chẳng hạn như sản xuất và xây dựng.

Thị trường việc làm khốc liệt tại Mỹ: Nhân viên văn phòng điêu đứng, nghề lao động tay chân lại gặp thời - Ảnh 2.

Sau 14 tháng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ tăng lãi suất, cơ hội việc làm đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai năm trở lại đây. Dữ liệu cho thấy số lượng sa thải trong lĩnh vực thông tin đã tăng 88% trong tháng 3 so với một năm trước đó và tăng 55% trong lĩnh vực tài chính và bảo hiểm.

Theo các nhà kinh tế và chuyên gia nhân sự, các công ty hiện đang tập trung vào việc giữ chân nhân viên lao động tay chân, như nhân viên phục vụ nhà hàng, nhân viên kho hàng, tài xế. Ví dụ như Walt Disney dù có sa thải nhân viên nhưng vẫn giữ lại các nhân viên làm dịch vụ như nhân viên tập hóa, nhân phiên phục vụ tài các công viên giải trí.

Theo LinkedIn, nhân viên bán lẻ, bao gồm nhân viên bán hàng và thu ngân, là một trong những vị trí có nhu cầu tuyển dụng cao nhất trong quý đầu tiên của năm, cùng với y tá và tài xế.

Lật ngược cán cân

Nhân viên văn phòng, hay nhân viên cổ áo trắng (White-collar) được hiểu là những người làm việc có trình độ học vấn cao, có bằng cao đẳng, cử nhân trở lên. Còn nhân viên cổ áo xanh (Blue-collar) thì được xếp vào nhóm lao động tay chân, kiếm được thu nhập thấp hơn. Trước khi Covid bùng nổ, nhu cầu tuyển dụng nhân viên có trình độ đại học vẫn rất cao, vì thế khoảng cách kinh tế ngày một tăng lên.

Tình thế xoay chuyển 180 độ sau Covid, các nghề văn phòng trong lĩnh vực tài chính và bảo hiểm giảm sâu chưa từng thấy, còn tiền lương của những người có thu nhập thấp tăng nhanh nhất, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch, xây dựng, giải trí. Sự tăng vọt lần đầu tiên kể từ năm 1980 đã đảo ngược tình trạng mất cân bằng về tiền lương, theo một nghiên cứu của các nhà kinh tế Viện Công nghệ Massachusetts.

Thị trường việc làm khốc liệt tại Mỹ: Nhân viên văn phòng điêu đứng, nghề lao động tay chân lại gặp thời - Ảnh 3.
Thị trường việc làm khốc liệt tại Mỹ: Nhân viên văn phòng điêu đứng, nghề lao động tay chân lại gặp thời - Ảnh 4.

Bộ Lao động Hoa Kỳ dự đoán rằng trong số 20 ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất cho đến năm 2031, có đến 2/3 sẽ là các công việc lao động tay chân, mức lương của họ rơi vào khoảng 32.000 đô một năm. Các công việc này bao gồm trợ lý chăm sóc sức khỏe tại nhà, trợ lý chăm sóc cá nhân, đầu bếp nhà hàng, nhân viên bán đồ ăn nhanh, nhân viên phục vụ và vận chuyển hàng hóa.

Các ngành nghề văn phòng có triển vọng phát triển tốt nhất gồm nhà phát triển phần mềm, trưởng phòng vận hành, với mức lương 100.000 đô một năm.