Vốn đã quá mệt mỏi với văn hóa làm việc đến kiệt sức, người dân Hàn Quốc "tức nước vỡ bờ" trước đề xuất tăng giờ làm của chính phủ

Hạ Khương, Theo Thể Thao Văn Hoá 19:56 04/04/2023
Chia sẻ

Đề xuất tăng giờ làm hằng tuần đã tạo nên làn sóng bất bình tại xứ sở Kim chi, quốc gia nổi tiếng với văn hóa làm việc khắc nghiệt.

Làm việc quần quật - câu chuyện không của riêng ai

Phải làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối gần như mỗi ngày trong tuần, Steve Yoon gần không còn thời gian dành cho bản thân. Trước đây anh từng làm công việc tổ chức sự kiện và thường phải làm việc vào cuối tuần.

Hiện tại, ở độ tuổi ngoài 20, Yoon nhận thấy bản thân và những người xung quanh đều “vật lộn” để đạt được sự cân bằng giữa sự nghiệp và cuộc sống. Họ cố gắng không bỏ lỡ công việc để tránh làm phật ý đồng nghiệp. Anh nhớ câu chuyện về một đồng nghiệp nữ của mình, dù từng được xét nghiệm dương tính với Covid, nhưng cô vẫn phải làm việc quần quật để không bị mọi người đánh giá thấp.

Yoon giải thích về chuẩn mực chốn công sở ở Hàn Quốc: “Nếu muốn thành công, bạn phải làm việc chăm chỉ, tăng ca và thậm chí đánh đổi cả thời gian dành cho bản thân. Thái độ không nỗ lực hoặc không dành nhiều thời gian cho công việc được coi là chấp nhận bỏ cuộc và không dám bước ra khỏi vùng an toàn”. Sau một khoảng thời gian dài chịu áp lực, Yoon phải bỏ việc và quay lại trường đại học để tiếp tục con đường học vấn của mình.

Vốn đã quá mệt mỏi với văn hóa làm việc đến kiệt sức, người dân Hàn Quốc tức nước vỡ bờ trước đề xuất tăng giờ làm của chính phủ - Ảnh 1.

Người Hàn vốn đã rất mệt mỏi với việc tăng ca hằng ngày

Những tưởng người dân chưa đủ mệt, chính phủ Hàn Quốc đề xuất tăng giờ làm

Cảm giác bất bình về sức ép công việc đã sục sôi từ lâu tại đất nước này. Gần đây, động thái của chính phủ Hàn Quốc về đề xuất tăng thêm giờ làm tối đa hằng tuần từ 52 lên 69 tiếng đã châm ngòi cho làn sóng phản đối.

Đầu tháng 3, Bộ trưởng Lao động Hàn Quốc đã đưa ra dự thảo sơ bộ cho kế hoạch này, vốn đã được đưa ra bàn luận từ năm ngoái. Ông tuyên bố, việc tăng giờ làm thêm sẽ giúp nhân viên linh hoạt hơn.

Chính phủ cũng cho biết chính sách này còn nhằm cho phép những người lao động thời vụ, ví dụ như tài xế giao hàng, công nhân nhà máy và thợ xây có thể làm việc hợp pháp và kiếm được nhiều tiền hơn, đồng thời sẽ có nhiều thời gian nghỉ hơn vào khoảng thời gian thấp điểm (không có nhiều người du lịch). Nhưng sau phản ứng dữ dội từ các liên đoàn lao động và các công nhân trẻ, chính phủ đã rút lại kế hoạch của mình khoảng một tuần sau khi đề xuất.

Yoon mong muốn chính phủ “lắng nghe những ý kiến đa chiều của những người làm việc, đặc biệt là những người thuộc thế hệ Gen Y và Gen Z”.

Vốn đã quá mệt mỏi với văn hóa làm việc đến kiệt sức, người dân Hàn Quốc tức nước vỡ bờ trước đề xuất tăng giờ làm của chính phủ - Ảnh 2.

Theo các liên đoàn lao động, đề xuất của chính phủ sẽ làm trầm trọng văn hóa làm việc vốn đã rất khắc nghiệt tại Hàn. Theo dữ liệu mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hàn Quốc được biết đến là một trong những quốc gia phát triển có lực lượng lao động chăm chỉ nhất. Vào năm 2021, người Hàn Quốc làm việc trung bình 1.915 giờ một năm, nhiều hơn gần 200 giờ so với mức trung bình của OECD. Nhật Bản, nổi tiếng với văn hóa “làm việc đến chết”, có số giờ làm trung bình là 1.607 giờ. Còn người lao động ở Mỹ trung bình làm việc 1.791 giờ.

Liên đoàn Công đoàn Hàn Quốc lo ngại chính sách này sẽ hợp thức hóa “mô hình” làm việc từ 9 giờ sáng đến nửa đêm trong 5 ngày liên tiếp, và điều này cực kỳ làm tổn hại sức khỏe cũng như tước đoạt thời gian nghỉ ngơi chính đáng của người lao động.

Phản ứng dữ dội từ công chúng

“Làm việc đến chết” là một hiện tượng lần đầu tiên được ghi nhận phổ biến ở Nhật Bản, sau đó đã lan sang Hàn Quốc. Liên đoàn Công đoàn Hàn Quốc lo ngại đề xuất chính sách mới sẽ vô tình hợp thức hóa “mô hình” làm việc từ 9 giờ sáng đến nửa đêm trong 5 ngày liên tiếp, và điều này cực kỳ làm tổn hại sức khỏe cũng như tước đoạt thời gian nghỉ ngơi chính đáng của người lao động.

Các tổ chức của phụ nữ nhấn mạnh rằng nếu không có sự thay đổi căn bản trên toàn xã hội, chính sách mới sẽ ảnh hưởng đến các bà mẹ đang đi làm. Họ chỉ ra, Hàn Quốc là một đất nước trọng nam khinh nữ, trong đó nhiều phụ nữ phải đảm nhận những gánh nặng về chăm sóc con cái và nội trợ.

Lee Sook-young, khoảng 30 tuổi, là một cây viết tự do. Cô cũng lo sợ việc có con sẽ làm gián đoạn sự nghiệp của mình. Dù hiện tại độc thân, nhưng cô biết những người đàn ông tầm tuổi mình sẽ muốn cô lựa chọn giữa công việc hoặc gia đình.

Vốn đã quá mệt mỏi với văn hóa làm việc đến kiệt sức, người dân Hàn Quốc tức nước vỡ bờ trước đề xuất tăng giờ làm của chính phủ - Ảnh 3.

Nếu nhìn ở một khía cạnh nào đó, đề xuất này được đưa ra nhằm góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng sinh đẻ diện rộng tại Hàn Quốc, nơi có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Chính phủ cho biết việc nếu người lao động tích lũy nhiều giờ làm thêm hơn thì họ sẽ có nhiều thời gian nghỉ ngơi bù lại.

Và nhờ vậy họ sẽ có thời gian để nghĩ đến chuyện kết hôn và chăm sóc gia đình. Cho phép làm thêm giờ cũng được cho là cách giải quyết tình trạng thiếu lao động do dân số giảm và già hoá lực lượng lao động. Tình trạng thiếu nhân lực đã trở nên rõ rệt trong ngành đóng tàu của Hàn Quốc, với số lượng lao động giảm từ 203.000 vào năm 2014 xuống còn 95.000 chỉ 8 năm sau đó. Vào tháng 8, chính phủ cũng đã tăng hạn ngạch cho lao động nước ngoài thêm 10.000 để giúp giảm bớt tình trạng thiếu lao động.

Tuy nhiên, rõ ràng là chính sách này đã bộc lộ không ít bất cập nên vấp phải vô số chỉ trích từ nhóm lao động trẻ tuổi. Các cuộc biểu tình đã được tổ chức, với sự tham gia của một số thành viên của Liên đoàn Công đoàn Hàn Quốc. Một số người còn biểu tình phản đối bằng cách giả vờ gục ngã (vì làm việc quá sức).

Đối với những người lao động vẫn đang cống hiến ngày đêm vì công việc như Steve Yoon (đã từng), có nhiều vấn đề cấp bách hơn mà chính phủ cần giải quyết trước tiên. Anh nói: “Văn hóa làm việc vẫn coi con người như những bộ phận máy móc có thể thay thế được, và điều này cần phải thay đổi càng sớm càng tốt”.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày