Trận chiến gây xôn xao võ lâm Trung Quốc
Mới đây, một diễn đàn Trung Quốc đã đăng tải video về trận tỉ thí của một võ sư thuộc phái Thiếu Lâm và một võ sư theo trường phái nội gia. Được biết, trận đấu này diễn ra cách đây không lâu nhưng danh tính hai nhân vật còn chưa được làm rõ.
Trước khi thượng đài, võ sư Thiếu Lâm đã khoe công phu "khinh công" của mình theo cách tương đối đặc biệt. Ông gắn đôi giày của mình vào 2 chiếc đế bằng kim loại, có tổng trọng lượng lên tới 900 cân Trung Quốc (khoảng 450kg), rồi dùng chân để nhấc những khối đế kim loại đó.
Phương pháp này khá giống với cách luyện khinh công trong võ cổ truyền Trung Quốc từ thời cổ đại được ghi chép lại trong những tài liệu còn lưu truyền tới ngày nay, khi các võ sư thường đeo vật nặng vào chân để di chuyển nhằm tăng sức mạnh và linh hoạt cho cơ thể.
Cách luyện công của võ sư phái Thiếu Lâm.
Trong khi đó, đối thủ của ông lại khoe công phu Thiết sa chưởng bằng cách luyện công với một chảo lửa. Người đàn ông này cho rằng mình sở hữu "bàn tay sắt" nên có thể dễ dàng hạ đo ván đối thủ trên võ đài.
Vị võ sư này cũng có cách luyện công... như trong phim.
Sau những màn khẩu chiến trên mạng xã hội thì hai võ sư cũng lên đài tỉ thí. Võ sư phái Thiếu Lâm mang trang phục màu đen trong khi môn đồ có "Thiết sa chưởng" xuất hiện bằng trang phục màu trắng. Hai võ sư đánh theo luật dùng găng, có bảo hộ nhưng được ra đòn tự do. Khá nhiều khán giả cũng có mặt để theo dõi trực tiếp trận đấu.
Trận đấu diễn ra với thế trận nghiêng về võ sư phái Thiếu Lâm. Nhờ thể lực tốt hơn cộng với sự lì đòn, võ sư này chiếm thế áp đảo với nhiều pha tấn công. Sau ít phút giao đấu, ông đã tung ra nhiều đòn cước khiến đối thủ bị đau, phải xin thua.
Thời gian gần đây, các giải võ thuật Trung Quốc thường xuyên xếp kèo để những võ sư cổ truyền lớn tuổi có thể lên đài. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến từ cư dân mạng, những trận đấu này gần như không mang nhiều tính chất chuyên môn mà chỉ thuần để giải trí, mua vui cho những khán giả hiếu kỳ. Một số ý kiến cho rằng các trận đấu tương tự có thể gây phản tác dụng, làm mất đi nét đẹp của võ cổ truyền.