Thi Tốt nghiệp THPT 2023: Bộ Giáo dục cần sớm công bố đề minh họa

Hà Linh, Theo Tiền phong 09:07 04/02/2023
Chia sẻ

Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) cho biết có đổi mới trong đề thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, tuy nhiên đến thời điểm này chưa công bố đề minh họa khiến giáo viên, học sinh lo lắng.

Mới đây, đại diện Bộ GD&ĐT thông tin, dự kiến, kỳ thi năm nay sẽ được tổ chức vào nửa đầu tháng 7/2023. Trong đó, đề thi sẽ vẫn giữ ổn định như năm ngoái. Cụ thể, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu nội dung, kiến thức ở lớp 12.

Tuy nhiên, đề sẽ tăng cường hợp lí một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn ở một số môn nhằm từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực phù hợp với mục tiêu yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất người học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT không thông báo về việc có công bố đề minh họa các môn thi hay không.

Thi Tốt nghiệp THPT 2023: Bộ Giáo dục cần sớm công bố đề minh họa - Ảnh 1.

Học sinh mong đợi Bộ GD&ĐT công bố đề minh họa kỳ thi năm nay

Thông tin đề thi sẽ tăng cường câu hỏi ở phần vận dụng thực tiễn ở một số môn thi khiến học sinh đứng ngồi không yên, giáo viên sốt ruột lo lắng vì có thể sẽ có nhiều thay đổi trong đề thi năm nay. Nhất là cả năm học và kỳ thi diễn ra trong bối cảnh không còn dịch COVID-19, sẽ không còn được giảm tải nội dung như một vài năm trước.

Thi tốt nghiệp vẫn là kỳ thi quan trọng, cơ quan quản lý cần công bố kế hoạch dài hơi, cụ thể cho năm nay cũng như kỳ thi năm tới và đặc biệt là năm 2025 đổi mới theo chương trình giáo dục phổ thông.

Em Đặng Hà Trang, học sinh một trường THPT tại Hà Tĩnh cho biết, học sinh năm nay vất vả, áp lực nhiều bề. Bởi lẽ, ngoài kỳ thi tốt nghiệp THPT, các trường ĐH còn có kỳ thi riêng.

Trang và các bạn hiện vừa học để ôn thi tốt nghiệp, lấy kết quả xét tốt nghiệp, xét tuyển các trường ĐH, vừa ôn thi đánh giá năng lực. Ở trường hiện thầy cô vẫn dạy theo chương trình học kỳ II.

“Sốt ruột, em đã đi ôn thi các môn từ đầu năm học, sau Tết tăng cường một số buổi học thêm nữa kín tuần.

Ở lớp luyện thi, thầy cô vừa dạy kiến thức cơ bản, nâng cao, vừa cho luyện đề các năm. Chỉ mong Bộ GD&ĐT có đề minh họa kỳ thi năm nay sớm để bọn em không hoang mang, áp lực”, Hà Trang nói.

Băn khoăn tăng câu hỏi thực tiễn

Cô Nguyễn Thị Thanh Hà, giáo viên Trường THPT Tử Đà (Phú Thọ) cho biết, đối với lớp 12 năm nay, từ đầu năm học giáo viên đã dần đổi mới cách thức để học sinh tiếp cận hướng đánh giá năng lực. Trong đó, các em không còn học thuộc, sao chép mà đề cao tính cảm thụ văn học, sự sáng tạo.

Tuy nhiên, đây vẫn là lứa học sinh học chương trình giáo dục phổ thông hiện hành do đó không thể đổi mới hoàn toàn. Khi hay không tin đề tăng các câu hỏi mang tính thực tiễn, giáo viên, học sinh đều có mong muốn Bộ GD&ĐT sớm công bố đề minh họa để có hình dung rõ hơn.

“Bất cứ sự thay đổi nào cũng nên có đề minh họa sớm để cô trò có kế hoạch dạy học và ôn tập rõ nét hơn, tránh sự hoang mang không cần thiết”, cô Hà nói.

Cũng theo cô Hà, đối với đề thi tốt nghiệp THPT, việc tăng cường các câu hỏi mang tính thực tiễn là phù hợp, kể cả môn Ngữ văn có những câu hỏi gần gũi thực tế sẽ giúp học sinh có cơ hội thể hiện, bộc lộ quan điểm, nhận thức của mình về cuộc sống.

Thực tế nhiều năm qua, đề Ngữ văn đã có 2 phần gồm, đọc hiểu - dùng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa và phần Nghị luận văn học - dùng ngữ liệu trong sách. Học trò vẫn quen thuộc với cách ra đề đó nên đề thi năm nay nếu có đổi mới chỉ nên đổi mới cách hỏi làm sao hạn chế phương thức đọc- chép và vẫn nên bám sát thực tế dạy học theo chương trình hiện hành, nếu không cô trò sẽ khó xoay xở.

Cô Nguyễn Thị Như Nguyệt, giáo viên dạy Địa lý một trường tại quận 9, TP Hồ Chí Minh cũng chia sẻ, từ nay đến kỳ thi không còn nhiều thời gian. Hiện học sinh vừa học vừa được giáo viên ôn tập từng phần theo hình thức cuốn chiếu.

“Điều mình băn khoăn là tăng tỉ lệ câu hỏi mang tính ứng dụng thực tiễn so với năm trước thì tăng bao nhiêu phần trăm và ở mức độ nào. Phải có đề minh họa giáo viên mới hình dung được để soạn bộ đề, bộ câu hỏi cho học sinh”, cô Nguyệt nói.

Nhiều giáo viên cùng chung quan điểm, dù kỳ thi tốt nghiệp THPT không giữ vị thế như trước nhưng nhiều trường ĐH hiện vẫn tuyển sinh dựa theo kết quả của kỳ thi. Bộ GD&ĐT cần định hướng để đội ngũ giáo viên các nhà trường có kế hoạch dạy học và ôn tập cho các em.

Thầy Lê Xuân Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi (Hà Nội) cũng đánh giá thực tế học sinh lớp 12 năm nay khá vất vả vì cùng lúc vừa ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, vừa chuẩn bị kiến thức, kỹ năng cho các kỳ thi riêng của nhiều trường ĐH, học viện khác nhau. Trong đó, nhà trường chỉ đạo giáo viên bám sát chương trình dạy học, ôn tập làm sao học sinh đảm bảo kiến thức nền tảng để có thể thực hiện các bài thi.

Thi tốt nghiệp vẫn là kỳ thi quan trọng, cơ quan quản lý cần công bố kế hoạch dài hơi, cụ thể cho năm nay cũng như kỳ thi năm tới và đặc biệt là năm 2025 đổi mới theo chương trình giáo dục phổ thông.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày