Thể thao điện tử lên ngôi, game thủ trở thành nghề hot: Có bằng cấp và thu nhập lên đến hàng nghìn USD

Gia Minh, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 07/10/2019
Chia sẻ

Nhờ sự phát triển của thể thao điện tử, game thủ giờ đây đã được công nhận tại nhiều trường đại học và họ sẽ có bằng cấp tốt nghiệp như bất kỳ ngành nghề nào.

Với sự phát triển mạnh mẽ của thể thao điện tử gần đây, chơi game không còn được xem là "vô công rỗi nghề" nữa. Các game thủ hoàn toàn có thể tự tin giành lấy tấm bằng đại học nhờ chơi game.

Thể thao điện tử lên ngôi, game thủ trở thành nghề hot: Có bằng cấp và thu nhập lên đến hàng nghìn USD  - Ảnh 1.

Game giờ không còn chỉ là một thứ dành cho người "vô công rỗi nghề". Ảnh: WINK News.

ĐH Staffordshire chính là một trong số những trường đào tạo game thủ. Staffordshire chỉ là một trong số nhiều trường đại học ở Anh và Mỹ gần đây mở các chương trình nhằm tận dụng nhu cầu ở ngành công nghiệp game đang bùng nổ.

Ngành game đã được công nhận

Tại Mỹ, một số trường đại học bao gồm ĐH Shenandoah của Virginia, CĐ Becker ở Massachusetts và ĐH Bang Ohio đã lần lượt ra mắt bằng cấp về thể thao điện tử chuyên nghiệp.

Ryan Chapman, sinh viên 18 tuổi chia sẻ rằng lúc đầu bậc phụ huynh tỏ ra khá hoài nghi khi được đề cập đến việc học về thể thao điện tử chuyên nghiệp. "Theo thời gian, họ bắt đầu nhận ra ngành công nghiệp này đang phát triển lớn và nhanh như thế nào. Cuối cùng, họ cũng công nhận đây là thời điểm tuyệt vời để tham gia ngành công nghiệp tuyệt vời này", anh nói.

Thể thao điện tử lên ngôi, game thủ trở thành nghề hot: Có bằng cấp và thu nhập lên đến hàng nghìn USD  - Ảnh 2.

Những chương trình học về game đã xuất hiện tại nhiều trường ĐH. Ảnh: cleveland.

Chapman là một trong số khá nhiều sinh viên đang tham gia nghiên cứu về việc chơi Counter Strike - tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất phổ biến nhất hiện nay trong giới thể thao điện tử.

Năm 2018, ĐH Staffordshire đã đưa ra các chương trình thể thao điện tử cho cử nhân và thạc sĩ. Sinh viên chủ yếu học về các kỹ năng tiếp thị và quản lý phù hợp với ngành. Dự kiến vào mùa thu này, trường sẽ mở rộng chương trình tới London ở Anh. Trong khi đó, nhiều trường khác cũng đang mở các khóa học cấp bằng thể thao điện tử tương tự ở Anh, Singapore và Trung Quốc.

Đặc biệt hơn, một số trường như ĐH California đang trao học bổng cho những tuyển thủ thủ hàng đầu để thu hút họ đăng ký. Đây tưởng chừng chỉ dành cho các vận động viên hàng đầu.

"Miếng bánh" trị giá 1,1 tỷ USD

Theo Newzoo, vào năm nay, thị trường thể thao điện tử toàn cầu dự kiến sẽ đạt mốc doanh thu 1,1 tỷ USD. So với năm 2018 về tài trợ và bán vé, con số đã tăng hơn 230 triệu USD.

Newzoo kỳ vọng trong năm 2019, lượng khán giả thể thao điện tử toàn cầu sẽ tăng lên khoảng 454 triệu nhờ lượng người xem trên những nền tảng livestream như Twitch hay Mixer của Microsoft.

Thể thao điện tử lên ngôi, game thủ trở thành nghề hot: Có bằng cấp và thu nhập lên đến hàng nghìn USD  - Ảnh 3.

Esport đang là "Miếng bánh béo bở" với tốc độ tăng trưởng khá nhanh. Ảnh: eSports Plus

Các giải đấu thể thao điện tử dần trở thành hiện tượng văn hóa. Giải đấu game là đối thủ xứng tầm với các sự kiện thể thao truyền thống về quy mô và khả năng mở rộng thị trường. Những giải đấu lớn liên tục được tổ chức tại các nhà thi đấu và nó được lấp đầy bởi hàng nghìn người hâm mộ.

Theo đó, các giải đấu thể thao điện tử đã tạo nên thương hiệu vững chắc ở Bắc Mỹ, Châu Âu lẫn Châu Á. Những tên tuổi lớn nhất, như siêu sao của tựa game Fortnite Tyler "Ninja" Blevins, có thể kiếm được hàng triệu USD từ tiền thưởng giải và sự ủng hộ của người xem khi livestream.

Thậm chí tại Đại hội thể thao Đông Nam Á (Seagame) sắp tới ở Philippines vào tháng 11, thể thao điện tử có tới 6 tựa game được đưa vào để tranh tài giành huy chương.

Thể thao điện tử không còn chỉ là chơi game

CĐ Becker đã chính thức mở ngành Cử nhân Khoa học về quản lý thể thao điện tử trong tháng này sau khi "nhá hàng" vào năm 2018. "Sẽ không còn những đứa trẻ phải lén chơi game ở gác xép của chúng nữa", Alan Ritacco - trưởng khoa thiết kế và công nghệ của trường nói.

Thể thao điện tử lên ngôi, game thủ trở thành nghề hot: Có bằng cấp và thu nhập lên đến hàng nghìn USD  - Ảnh 4.

Sau khi 2 lần liên tiếp giành chức vô địch The International 2018 và 2019, đội tuyển Optimism Greatness (OG) đã bỏ túi số tiền thưởng hơn 15 triệu USD. Ảnh: The International.

Những tuyển thủ thể thao điện tử hàng đầu hiện có thu nhập không hề kém cạnh so với các ngôi sao được trả lương cao nhất ở một số môn thể thao truyền thống như golf hay tennis. Huxley, người dạy một lớp về tổ chức các giải đấu, cho biết học về thể thao điện tử cũng tương tự học quản lý thể thao.

Thể thao điện tử lên ngôi, game thủ trở thành nghề hot: Có bằng cấp và thu nhập lên đến hàng nghìn USD  - Ảnh 5.

Trong khi đó, 2 tay vợt Novak Djokovic và Simona Halep cũng chỉ nhận được 2,9 triệu USD khi giành chức vô địch tại giải Grandslam lâu đời Wimbledon 2019. Ảnh: Tennis World USA.

"Nó tương tự như khi bạn đi học để trở thành một giám đốc bóng đá. Về cơ bản, bạn đang học kinh doanh đằng sau cách mà các tuyển thủ làm công việc của họ, hướng điều hành một nhà thi đấu và tất cả những hoạt động liên quan đến quản lý", Huxley giải thích.

Khi giảng viên là tuyển thủ chuyên nghiệp

Nếu phải tìm một người làm hình mẫu chuẩn nhất cho ngành này, các game thủ chuyên nghiệp là ứng viên không thể phù hợp hơn. Tại ĐH Chichester, những sinh viên tham gia khóa học về các tựa game esport như FIFA hay LMHT sẽ được đích thân cựu tuyển thủ chuyên nghiệp Rams "R2K" Singh truyền đạt kiến thức.

Trong khi đó, ĐH Ohio State dự kiến sẽ cấp bằng đại học cho chuyên ngành thể thao điện tử và game bao gồm áp dụng các tựa game cho lĩnh vực sức khỏe cùng y học. Ở Anh, học phí tiêu chuẩn được đặt ở mức 9.250 bảng Anh (11.430 USD) một năm trong khi các chương trình tại Mỹ có mức nhập học lên tới 36.000 USD một năm.

"Sẽ luôn có rủi ro nhưng tôi hoàn toàn không hối hận vì quyết định theo đuổi nó. Đây là thời điểm thích hợp nhất để nhảy vào ngành công nghiệp này", Ellis Celia - sinh viên 26 tuổi vừa tham gia khóa học ở Staffordshire chia sẻ.

Tham khảo: cbsnews.com

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày