Ghana - "Địa ngục trần gian" của những người khuyết tật

Lương Hồng Phúc, Theo Trí Thức Trẻ 00:03 29/07/2015

Do kém hiểu biết, hủ tục lạc hậu nên nhiều người dân Ghana vẫn coi những người khuyết tật là một "lời nguyền" giáng xuống gia đình, xã hội.

Bị liệt hai chân từ khi mới 18 tuổi do gặp tai nạn giao thông, thế nhưng 12 năm sau Sophie Morgan đã trở thành một nữ phóng viên vô cùng thành công, được chu du khắp thế giới. Sophie có được ngày hôm nay là vì may mắn được sinh ra, sống và học tập tại Anh. Tuy nhiên, ở đâu đó trên thế giới này, không nhiều người được may mắn như Sophie.

Để tìm hiểu về cuộc sống của những người khuyết tật khác trên thế giới, Sophie đã bay từ thủ đô London tới Ghana và ở lại đây trong 2 tuần. Trong thời gian ở lại đất nước châu Phi này, cô đã tới một khu trại "cầu nguyện" và được chứng kiến số phận bi thảm của những con người tàn tật ở Ghana. Họ bị phân biệt đối xử, bị dè bỉu và bị coi như một "lời nguyền" giáng xuống gia đình, xã hội. 

1-45f0e
Người đàn ông này bị gia đình nhốt trong hơn 15 năm vì khuyết tật.

Người Ghana tin rằng việc những đứa trẻ sinh ra không được lành lặn không phải là sự khiếm khuyết về thể chất, tinh thần, mà đó là một hiện tượng tâm linh bất thường hay kết quả của sự nguyền rủa. Bởi vậy, thay vì đưa người khuyết tật vào các trạm xá, trung tâm y tế, họ lại sử dụng bùa ngải, các biện pháp trừ tà hoặc thậm chí bị đem đi hiến tế cho "thần linh".

"Tôi từng phải chứng kiến cảnh tượng một đứa bé 11 tuổi gào khóc, la hét trong hoảng loạn sau đó gục ngã xuống đất. Mẹ cô bé cố gắng để giữ con lại, nhưng cô bé không ngừng khóc. Khi tôi đến gần, em bé ấy vùng chạy tới chỗ tôi, trong ánh mắt cô bé tôi chỉ thấy sự nỗi kinh hoàng, tôi chưa bao giờ thấy ai sợ hãi đến như vậy", Sophie nói về trải nghiệm đáng sợ của mình.

Được biết, bé gái mà Sophie gặp bị mắc chứng động kinh. Người phụ nữ đứng đầu khu trại đó đã lấy "bùa thuốc" nhét vào mắt, mũi và tai cô bé với mục đích "trục tà ma". Những người "không may" bị tâm thần tại đây sẽ bị trói vào thân cây, bỏ đói, sau đó bị chích điện mà không được gây mê. Những tưởng đây đã là giới hạn của sự kinh hoàng thế nhưng thực ra, đó vẫn chưa là gì. Nhiều trẻ em khuyết tật bất hạnh thậm chí còn bị các thầy pháp đem ra hiến tế.

3-45f0e
Bị xua đuổi, xa lánh, những người khuyết tật chỉ còn cách đi ăn xin ngoài hè phố.

Sophie đã may mắn được tiếp xúc với một thầy pháp có tên Nana Ababio, người này chịu trách nhiệm "tiễn đưa" những đứa trẻ tàn tật do cha mẹ chúng không còn muốn chăm sóc con nữa. Theo ông Nana, một đứa trẻ khiếm khuyết được gọi là "Insuba", nghĩa là những đứa con của dòng sông, và nghĩa vụ của ông là trả lại đứa trẻ cho dòng nước. Đây cũng chính là lý do chính gây ra sự ô nhiễm độc hại trên các dòng sông khắp Ghana.

Sau chuyến đi, Sophie đã gửi báo cáo về vấn đề người khuyết tật bị ngược đãi lên các Tổ chức nhân quyền, mong có thể cứu giúp số phận những con người kém may mắn khỏi "địa ngục trần gian", nơi các hủ tục và sự thiếu hiểu biết vẫn còn tồn tại. 

(Nguồn: DailyMail)