Thấy 2 triệu chứng này trên mặt, coi chừng huyết áp cao 'gõ cửa'

Trà My, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 07:44 30/10/2024
Chia sẻ

Huyết áp cao hiếm khi biểu hiện triệu chứng rõ ràng nhưng có thể có một số dấu hiệu cảnh báo trên khuôn mặt.

Các cơ quan y tế đã cảnh báo về hai dấu hiệu trên mặt có thể chỉ ra huyết áp cao.

Khoảng 1/3 người trưởng thành ở Vương quốc Anh được cho là đang sống chung với huyết áp cao. Tình trạng này có nghĩa là tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể. Do đó, đây là yếu tố gây ra nhiều tình trạng sức khỏe và bệnh tật nghiêm trọng, bao gồm bệnh tim mạch, bệnh thận, đột quỵ, suy tim và đau tim.

Mặc dù huyết áp cao là một tình trạng khá phổ biến, nhưng nó thường không được chú ý và chẩn đoán cho đến khi gây ra tình huống cấp cứu y tế. Khoảng 50% người bị tăng huyết áp thậm chí không biết mình mắc bệnh, theo báo Anh Daily Express.

Một trong những lý do chính là huyết áp cao hiếm khi biểu hiện triệu chứng. Cơ quan Y tế Công cộng Anh gọi huyết áp cao là "kẻ giết người thầm lặng" vì lý do này.

Quỹ Tim mạch Anh (BHF) cho biết: "Huyết áp cao hiếm khi có triệu chứng đáng chú ý. Nhiều người bị huyết áp cao cảm thấy khỏe. Nhưng ngay cả khi bạn cảm thấy khỏe, bạn vẫn nên kiểm tra huyết áp thường xuyên”.

Tuy nhiên, có một số dấu hiệu cảnh báo ảnh hưởng đến một số người.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hai triệu chứng cảnh báo huyết áp cao có thể xuất hiện trên khuôn mặt là chảy máu cam và nhìn mờ. Tuy nhiên, những dấu hiệu này chủ yếu xảy ra ở những người có huyết áp "rất cao".

Hai triệu chứng trên mặt có thể cảnh báo huyết áp cao

  1. Chảy máu cam
Thấy 2 triệu chứng này trên mặt, coi chừng huyết áp cao 'gõ cửa'- Ảnh 1.

Chảy máu cam dễ xảy ra hơn ở những người bị huyết áp cao. (Ảnh minh họa)

Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) cho biết chảy máu cam dễ xảy ra hơn ở những người bị huyết áp cao.

Tuy nhiên, có một số tranh luận về việc chảy máu cam có phải do huyết áp cao gây ra hay không.

Trong một bài đăng, Hiệp hội Y tế Bắc Texas cho biết: "Hầu hết các chuyên gia tin rằng một mình tăng huyết áp không gây chảy máu cam trừ khi huyết áp của bạn cực kỳ cao, nhưng huyết áp cao có thể làm tổn thương các mạch máu bên trong mũi, khiến khả năng chảy máu cao hơn”.

"Một số nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng tăng huyết áp có thể làm tăng nguy cơ chảy máu cam nghiêm trọng hơn”.

Một nghiên cứu năm 2020 phát hiện ra rằng những người huyết áp cao có khả năng cần cấp cứu do chảy máu cam cao gấp 2,7 lần so với những người có huyết áp bình thường.

Và nghiên cứu khác năm 2015 đã đo huyết áp của 80 người trong ba tháng và phát hiện ra rằng một nửa số người tham gia bị chảy máu cam thường xuyên. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng huyết áp cao không gây chảy máu cam, nhưng tình trạng chảy máu trở nên khó kiểm soát hơn ở những người bị tăng huyết áp.

  1. Nhìn mờ
Thấy 2 triệu chứng này trên mặt, coi chừng huyết áp cao 'gõ cửa'- Ảnh 2.

Nhìn mờ hoặc các thay đổi về thị lực khác có thể xảy ra ở những người có huyết áp cao.

WHO cho biết nhìn mờ hoặc các thay đổi về thị lực khác có thể xảy ra ở những người có huyết áp 180/120 trở lên.

Nguyên nhân là huyết áp cao có thể gây hại cho nhiều mạch máu nhỏ trong mắt.

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cho biết những vấn đề về thị lực sau đây có thể xảy ra ở những người bị tăng huyết áp:

- Tổn thương mạch máu: Nhìn mờ hoặc mất thị lực hoàn toàn có thể xảy ra khi không có máu lưu thông đến võng mạc.

- Tụ dịch dưới võng mạc: Tụ dịch dưới võng mạc có thể gây ra thị lực méo mó hoặc sẹo, ảnh hưởng tới thị lực.

- Tổn thương thần kinh: Lưu lượng máu bị chặn sẽ làm tổn thương dây thần kinh thị giác.

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cho biết thêm: "Huyết áp cao có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về mắt khác như bệnh tăng nhãn áp và thoái hóa điểm vàng, có thể gây suy giảm thị lực hoặc mù lòa nếu không được điều trị".

Các dấu hiệu khác của huyết áp cao

BHF liệt kê các dấu hiệu khác của huyết áp cao là:

- Khó thở

- Đau ngực

- Chóng mặt

- Đau đầu.

Tuy nhiên, cách duy nhất để biết chắc chắn bạn có bị huyết áp cao hay không là đo huyết áp bằng dụng cụ chuyên biệt.

 (Theo Express)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày