Gần 7 giờ sáng, trời mưa rả rích, một cụ ông bán vé số với dáng người khắc khổ, trong chiếc áo mưa rách, lọm khọm tiến đến tủ bánh mì tại số 35 Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Hải Châu, Đà Nẵng) hỏi nhỏ: "Nghe nói ở đây phát bánh mì miễn phí hả con?".
"Dạ, ông chờ con xíu nghe!" - anh Nguyễn Văn Hòa (SN 1988) nhanh nhảu xẻ ổ bánh mì nóng hổi vừa mới ra lò, cho nhân thịt, trứng vào, rồi ân cần đưa cho ông lão và không quên dặn thêm: "Tụi con tặng bánh mì miễn phí cho những cô chú bán vé số, bán hàng rong... ông gặp ai thì nhắn đến đây lấy nha". Ông lão cười tươi, vẻ mặt mãn nguyện, cảm ơn rồi cầm lấy ổ bánh đẹp mắt đi khuất dần vào dòng xe cộ tấp nập.
Clip: Ấm lòng tủ “bánh mì yêu nước” giúp người lao động nghèo ở Đà Nẵng
Vừa tất bật lấy những ổ bánh mì nóng hổi ra khỏi lò nướng, anh Hòa cho biết, anh và nhóm bạn có tổng cộng 7 người vốn làm việc trong hệ thống 4 nhà hàng tại Hội An. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, do dịch Covid-19 khiến hoạt động dịch vụ, du lịch bị ngưng trệ, đến nay vẫn chưa thể mở cửa lại...
Trong những ngày thất nghiệp, thấy nhiều nơi làm bánh mì thanh long góp phần giải cứu nông sản giữa đại dịch, Hòa và các bạn đã nảy sinh ý tưởng tạo ra một sản phẩm độc đáo để phục vụ cộng đồng và cổ vũ tinh thần người Việt. Đó chính là những chiếc bánh mì mang màu sắc và hình ảnh của quốc kỳ. Sau nhiều tháng tìm tòi, nghiên cứu và thử nghiệm, nhóm bạn trẻ đã sản xuất thành công, cho ra đời những chiếc "bánh mì yêu nước".
Những chiếc "bánh mì yêu nước" có hình dáng thon dài, mang màu đỏ kèm với biểu tượng ngôi sao vàng 5 cánh
Tủ “bánh mì miễn phí” được trang trí lá cờ đỏ sao vàng, người bán mặc áo in hình quốc kỳ Việt Nam
Theo Hòa, để tạo ra loại sản phẩm bắt mắt này, nhóm của anh đã trải qua không ít lần thất bại mới cho ra lò được mẫu bánh như ý. Ban đầu, các bạn tham khảo trên mạng các công thức về việc làm bánh mì kết hợp với nước ép thanh long ruột đỏ. Tuy nhiên, sau gần hai tháng liên tục thử nghiệm các công thức nhưng thành phẩm ra lò là những ổ bánh mì màu hồng nhạt, kể cả thử cô đặc nước ép với hy vọng màu ra chuẩn hơn nhưng không thành. Sau đó, nhóm bạn của Hòa thử kết hợp nước ép củ dền với nước ép thanh long để trộn bột.
"Thật may mắn là tụi mình đã thành công, củ dền kết hợp với thanh long cho ra màu đỏ đậm, đẹp mắt hơn", Hòa chia sẻ.
"Bánh mì yêu nước" miễn phí cho người khó khăn
Dù miễn phí, nhưng chiếc bánh trao cho những người nghèo cũng luôn đầy đủ nhân thịt, chả, trứng, rau, pate…
Thành viên tủ “bánh mì yêu nước” (bên phải) tặng bánh mì miễn phí cho người lao động nghèo
Vỏ bánh được làm từ nguyên liệu tự nhiên với củ dền đỏ và thanh long ruột đỏ, để tạo hiệu ứng màu đỏ đẹp và tươi hơn, cùng điểm nhấn là ngôi sao 5 cánh màu vàng được làm từ củ nghệ. Sau khi tạo hình xong, bánh được đưa vào lò nướng ở nhiệt độ cao để tạo độ xốp bông, thơm lừng hương thanh long và có độ giòn rụm vừa phải.
"Tụi mình chọn bánh mì vì đây là món ăn đặc trưng của Việt. Gọi là 'bánh mì yêu nước' bởi nó được mô phỏng giống lá cờ Tổ quốc. Tất cả đều là những nguyên liệu thuần Việt. Ngoài ý nghĩa cổ vũ, động viên tinh thần vượt qua khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, những chiếc ‘bánh mì yêu nước’ còn hướng đến mục đích khuyến khích người dân sử dụng những sản phẩm của nông nghiệp nước nhà", anh Hòa chia sẻ.
Từ các đầu bếp thất nghiệp vì dịch Covid-19, hiểu được khó khăn của người khác nên nhóm bạn trẻ đã quyết định mở tủ bánh mì nhằm giúp đỡ cho những lao động nghèo
Những chiếc bánh nhiều màu sắc được làm từ nguyên liệu tự nhiên hoàn toàn thuần Việt của nông nghiệp nước nhà, hấp dẫn thực khách và ấm lòng người nghèo
Ngoài Đà Nẵng, hiện nhóm của anh Hòa còn 1 tủ bánh mì tương tự đặt tại TP. Hội An (Quảng Nam). Mỗi ngày, các thành viên tất bật làm bánh mì xuyên đêm tại lò ở Hội An. Khoảng 5 giờ sáng, bánh được vận chuyển ra điểm bán ở Đà Nẵng để kịp mở hàng vào sáng sớm. Tủ bánh mì hoạt động trong hai khung giờ, từ 6 giờ 30 sáng đến 12 giờ trưa và từ 16 giờ đến 19 giờ tối.
Đặc biệt, việc phát tặng bánh mì miễn phí hằng ngày không giới hạn số lượng. Có những ngày, số lượng bánh mì tặng miễn phí nhiều hơn hẳn số lượng bánh mì bán ra. Bất cứ ai có nhu cầu đến nhận đều được phục vụ chu đáo. Bánh mì có nhiều loại nhân như: pate trứng, xúc xích, thịt xíu, thịt nướng, chả cá, tóp mỡ. Tùy theo khẩu vị và sở thích của người lao động nghèo mà nhân viên sẽ phục vụ.
"Bất cứ ai đến đây dù là mua hay nhận bánh mì miễn phí đều được phục vụ chu đáo như nhau, không có sự phân biệt. Ai chọn loại nhân nào thì mình làm loại ấy, mục đích là làm sao để mọi người, nhất là các cô, chú lao động nghèo thấy thoải mái và có được bữa sáng ngon miệng, ấm lòng nhất", anh Đoàn Văn Lợi (32 tuổi, người bán bánh mì từ những ngày đầu) trải lòng.
Những người nghèo đã được tủ bánh chia sẻ bữa ăn mỗi ngày bằng những chiếc bánh lạ mắt, thơm ngon
Mỗi đêm, các thành viên tủ "bánh mì yêu nước" đều tặng hàng chục ổ bánh mì miễn phí cho người lao động nghèo
Cầm ổ bánh mì miễn phí trên tay, cô Trần Thị Anh (39 tuổi, làm nghề nhặt ve chai) cười tươi cho biết, mình là khách hàng "ruột" của tủ bánh mì từ ngày khai trương đến nay. Hằng ngày, cứ khoảng 7 giờ sáng, cô lại đến đây nhận bánh mì miễn phí để lót dạ buổi sáng.
Quê ở Quảng Trị, chồng không may chết sớm, vì hoàn cảnh quá khó khăn, cô Anh phải tha phương cầu thực. Suốt 4 năm qua, cô mưu sinh bằng nghề nhặt rác và mua ve chai. Nhưng thu nhập ít ỏi nên cô thường hay nhịn ăn sáng, dành dụm từng đồng gửi về quê để nuôi đứa con nhỏ ăn học và phụ dưỡng mẹ già đã ngoài 80 tuổi.
"Thường một ổ bánh mì có giá 12.000 - 20.000 đồng, nhưng tụi tui làm ròng rã cả ngày mới kiếm được vài chục ngàn, nếu ăn sáng ổ bánh mì thì tốn quá. Nhờ tủ bánh mì này mà suốt mấy tháng qua, tôi không phải nhịn ăn sáng nữa. Bánh mì ở đây ngon lắm, nhân thì đủ loại, ai muốn ăn loại gì cũng được. Những suất ăn miễn phí như thế này giúp những người lao động nghèo như tôi tiết kiệm được một phần chi phí sinh hoạt hằng ngày. Tôi cảm thấy ấm lòng và thật sự cảm ơn 'bánh mì yêu nước'", cô Anh xúc động nói.
Rất đông người đến mua ủng hộ, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên. Họ chia sẻ vừa thích thú, vừa thêm yêu tổ quốc khi thấy chiếc bánh mì này
Tiệm bánh mì còn thể hiện thông điệp bảo vệ môi trường khi cả người bán và người mua đều hạn chế tối đa sử dụng túi nilon
Không chỉ tặng miễn phí bánh mì cho người lao động nghèo, tủ "bánh mì yêu nước" còn lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường khi sử dụng toàn bộ túi giấy để đựng bánh mì, nói không với bao nilon.