Theo báo cáo tổng kết năm học 2021 - 2022 của Bộ GD&ĐT, công tác tuyển chọn, tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế trong năm học qua được nâng cao chất lượng, hiệu quả. Kết thúc đợt thi Olympic khu vực, quốc tế năm 2022, các đội tuyển đều đạt thành tích vượt trội và dư luận xã hội đánh giá cao.
Cụ thể 37/39 lượt học sinh tham gia dự thi đạt giải với: 12 huy chương Vàng, 11 huy chương Bạc, 9 huy chương Đồng, 5 bằng khen (chưa tính đội tuyển Olympic Tin học quốc tế do các thí sinh đang dự thi, chưa có kết quả).
Cuộc thi | Vàng | Bạc | Đồng | Bằng khen |
---|---|---|---|---|
Olympic Vật lý châu Âu | - | 2 | 1 | - |
Olympic Vật lý châu Á - Thái Bình Dương | - | 1 | 2 | 5 |
Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương | 3 | 4 | - | - |
Olympic Toán học quốc tế | 2 | 2 | 2 | - |
Olympic Vật lý quốc tế | 3 | 1 | 1 | - |
Olympic Sinh học quốc tế | - | 1 | 3 | - |
Olympic Hóa học quốc | 4 | - | - | - |
Tổng | 12 | 11 | 9 | 5 |
Thành tích điển hình như đội tuyển Olympic Hóa học quốc tế với 4/4 thí sinh dự thi đều đạt Huy chương Vàng, xếp thứ 2 trên thế giới, đội tuyển Olympic Vật lý quốc tế xếp thứ 5 trên thế giới và đội tuyển Olympic Toán học quốc tế xếp thứ 4 trên thế giới với 1 thí sinh Ngô Quý Đăng đạt điểm tuyển đối 42/42.
Kể từ lần đầu tham dự vào năm 1974, đến nay đoàn học sinh Việt Nam chỉ có 10 người đạt điểm tuyệt đối tại kỳ thi Olympic Toán học quốc tế và sau 19 năm kể từ lần cuối cùng (năm 2003), Việt Nam mới có học sinh giành điểm tối đa.
Đại diện Bộ GD&ĐT đánh giá, thành tích xuất sắc của các đội tuyển khẳng định nỗ lực vượt bậc trong học tập, rèn luyện của học sinh, giáo viên và các nhà trường trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Qua đó cũng khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông, ngay cả trong 3 năm học chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 và hướng đi đúng trong công tác dạy học, phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi của ngành.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng qua (12/8), Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá, 2021 - 2022 là năm học với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động giáo dục.
Đây cũng là năm học quan trọng, lần đầu tiên ngành giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và là năm học thứ 2 triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Vượt qua những khó khăn, ngành giáo dục đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tỷ lệ học sinh đến lớp tăng, nhiều em đạt giải thưởng quốc tế và các trường đại học phát triển mạnh, tăng xếp hạng trên thế giới.
Để ứng phó với dịch COVID-19 bùng phát trở lại, Bộ trưởng nhấn mạnh, ngành giáo dục phải tiếp tục chủ động xác định trạng thái thích ứng, chuẩn bị các điều kiện để dạy và học trong mọi hoàn cảnh. Các đơn vị cần tiếp tục thực hiện đổi mới thể chế, nhằm tháo gỡ những “nút thắt”, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản, toàn diện.