"Thần đồng" 14 tuổi tự kết liễu đời mình vì bị thầy phê bình trước lớp, để lại bức thư tuyệt mệnh phanh phui bí mật tàn khốc

Đông, Theo Đời sống & Pháp luật 08:44 21/02/2025
Chia sẻ

Cái chết của cô bé này chính là hồi chuông cảnh tỉnh tất cả các bậc cha mẹ.

Đến bây giờ netizen Trung Quốc vẫn đôi lúc kể lại với nhau câu chuyện bi kịch về một thần đồng có tên Đàm Dao.

Đứa trẻ khiến cha mẹ và thầy cô bao năm tự hào ấy, đã nhảy xuống hồ trong khuôn viên trường, kết liễu cuộc đời mình theo cách đau buồn nhất.

Cô bé tên là Đàm Dao, mới 14 tuổi nhưng đã là học sinh lớp 11 của trường trọng điểm trong huyện, được mọi người gọi là "thần đồng". Thế nhưng, dù là "con nhà người ta", cô bé lại không hề cảm thấy hạnh phúc.

Vào một buổi trưa, trong giờ nghỉ, Đàm Dao không đi ăn trưa. Sau khi để lại thư tuyệt mệnh trong lớp học, cô bé đã tự sát. Trong bức thư tuyệt mệnh gửi đến cha mẹ, Đàm Dao không ngừng tự trách bản thân vì đã làm cha mẹ thất vọng, cũng như không biết phải đối diện với họ ra sao sau khi vi phạm kỷ luật trong lớp.

"Thần đồng" 14 tuổi tự kết liễu đời mình vì bị thầy phê bình trước lớp, để lại bức thư tuyệt mệnh phanh phui bí mật tàn khốc- Ảnh 1.

Chân dung "thần đồng" Đàm Dao.

Trước khi trở thành "thần đồng", thần đồng trước hết vẫn là một đứa trẻ

Đối với cha mẹ, có một đứa con được coi là thần đồng không chỉ là một niềm vinh dự mà còn mang lại lợi ích cho cả gia đình. Khi danh tiếng và lợi ích đều có thể đạt được, họ tất nhiên sẽ dốc hết sức để nuôi dạy con theo hướng đó.

Đàm Dao (SN 1994) sinh ra trong một gia đình có cả bố lẫn mẹ đều là giáo viên ở Hồ Bắc. Mẹ cô bé, Tạ Phượng Nga, là giáo viên tiểu học, còn cha cô bé, Đàm Thế Hùng, là giáo viên trung học.

Từ nhỏ, Đàm Dao đã rất hoạt bát, suy nghĩ nhanh nhạy đến mức cả người lớn đôi khi cũng không thể bắt kịp. Lúc hơn một tuổi, trên đường mẹ chở cô bằng xe đạp đến trường, hễ thấy ai đi ngang qua, cô bé liền hỏi: "Đây là ai vậy mẹ?".

Nếu mẹ không biết người đó, bà sẽ thành thật trả lời: "Mẹ không biết". Nhưng ngay lập tức, Đàm Dao sẽ phản bác lại: "Sao mẹ lại không biết chứ?".

Người mẹ bị nghẹn lời trước câu nói của con gái. Lần sau, khi gặp người qua đường, bà quyết định ra tay trước, liền hỏi con gái: "Đây là ai?".

Ai ngờ, Đàm Dao thản nhiên đáp: "Người khác".

Thế là kế hoạch "lấy gậy ông đập lưng ông" của bà Tạ Phượng Nga thất bại.

Đến khi con gái lại hỏi bà cùng một câu hỏi, bà cũng học được một câu trả lời: "Người khác". Đáng tiếc, con gái vẫn truy hỏi đến cùng: "Người khác nào cơ ạ?".

Không nghi ngờ gì nữa, người mẹ lại bị con gái làm cho cứng họng.

"Thần đồng" 14 tuổi tự kết liễu đời mình vì bị thầy phê bình trước lớp, để lại bức thư tuyệt mệnh phanh phui bí mật tàn khốc- Ảnh 2.

Đàm Dao bộc lộ tư chất thông minh từ nhỏ.

Theo lời kể của bà Tạ Phượng Nga, lý do bà dạy con gái đếm số từ khi bé mới hơn 1 tuổi là vì không muốn bị những câu hỏi "trên trời dưới đất" của con làm khó, đồng thời muốn tìm việc gì đó cho con làm. Bởi Đàm Dao thực sự rất thông minh, nên nhanh chóng học được cách đếm số.

Do tính chất công việc, cha mẹ của Đàm Dao rất coi trọng việc giáo dục con. Để giúp con "thắng ngay từ vạch xuất phát", họ đã nhờ mối quan hệ để sắp xếp cho cô bé vào học tiểu học khi mới 4 tuổi. Rồi Đàm Dao thành công "nhảy cóc" hai lớp, lên thẳng cấp hai khi mới 8 tuổi. Sau đó, nhờ thành tích xuất sắc, cô bé được tuyển thẳng vào cấp ba năm 12 tuổi. Lúc này, cô bé cực kỳ ưu tú, đến mức thu hút sự chú ý của truyền thông địa phương.

Những bài báo ca ngợi Đàm Dao xuất hiện lia lại. Khi trở về nhà, nhiều bậc cha mẹ lấy Đàm Dao làm hình mẫu lý tưởng. Mỗi khi không hài lòng với thành tích của con mình, họ lại mang Đàm Dao ra so sánh, yêu cầu con mình "học tập con nhà người ta" đi.

Có lẽ vì ánh hào quang "thần đồng" quá chói lọi nên nó đã vô tình tạo áp lực cho các bạn cùng lớp. Dù Đàm Dao là một cô bé vui vẻ, hòa đồng, nhưng xung quanh em lại có rất ít bạn bè thân thiết.

Vốn dĩ, do chênh lệch tuổi tác, Đàm Dao đã khó tìm được tiếng nói chung với bạn bè đồng trang lứa. Nay vì áp lực học tập, cô bé lại dành hầu hết thời gian cho việc học, gần như không còn thời gian để duy trì tình bạn.

Sự hy sinh của cha mẹ dành cho Đàm Dao

Có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc: Đã là "thần đồng" rồi, sao vẫn còn áp lực?

Thực ra, nhiều "thần đồng" không hẳn là thiên tài bẩm sinh. Họ có thể có chỉ số IQ nhỉnh hơn bạn bè cùng tuổi, nhưng phía sau ánh hào quang, họ cũng phải bỏ ra nỗ lực gấp nhiều lần người khác.

Đàm Dao tuy thông minh sớm, nhưng cô bé vẫn phải không ngừng cố gắng. Ngoài việc học, sở thích lớn nhất của cô là đọc sách và du lịch. Cô bé thậm chí không có thời gian để thành thạo các kỹ năng như đàn, hát, hay nhảy múa mà chỉ học và học mà thôi.

Thậm chí, ngay cả kỹ năng đạp xe - thứ mà hầu hết trẻ em cùng tuổi đều thành thạo - Đàm Dao cũng không biết. Lên lớp 9, vì không theo kịp tiến độ học tập và cảm thấy quá sức, cô bé đã được mẹ chuyển xuống học lại lớp 8.

Mẹ của cô bé giải thích rằng quyết định này được đưa ra vì con gái vẫn còn nhỏ, bà muốn cô bé có thời gian nghỉ ngơi, không muốn gây áp lực quá lớn cho con. Nhìn bề ngoài, có vẻ như Tạ Phượng Nga là một người mẹ rất thấu hiểu con gái. Nhưng nếu vậy, thì rốt cuộc ai mới là người đã tạo ra áp lực lớn đến vậy cho Đàm Dao?

Việc học của Đàm Dao bắt đầu chững lại vào năm lớp 9, thành tích sa sút. Sau khi chuyển xuống lớp 8, tình trạng này đã phần nào được cải thiện.

Nhưng khi lên cấp ba, Đàm Dao lại tiếp tục gặp khó khăn trong việc theo kịp bài vở, thậm chí trong kỳ thi giữa kỳ, cô bé chỉ xếp hạng hơn 500 toàn khối.

Đối với một học sinh bình thường, nếu thành tích trước đây khá tốt nhưng sau đó giảm sút và rơi xuống hạng 500+, điều này có thể khiến bản thân, phụ huynh và giáo viên quan tâm, song đó thực tế không phải là chuyện quá to tát, bởi còn cố gắng thì sẽ còn tiến bộ.

Nhưng Đàm Dao thì khác. Cô bé được tuyển thẳng vào Trường Trung học Chi Giang với danh hiệu "học sinh có điểm cao thứ hai toàn trường", lại còn mang danh "thần đồng". Sự tụt lùi này sẽ khiến các bạn học nghĩ gì về nữ sinh?

Thế là, có những bạn học bắt đầu bàn tán, cả trước mặt lẫn sau lưng, cho rằng cô bé không xứng với danh hiệu "thần đồng". Một số thậm chí còn biến cụm từ này thành biệt danh để trêu chọc cô bé.

Nữ sinh từng khổ tâm vì điều này, muốn thoát khỏi cái mác "thần đồng". Cô bé đã nói với mẹ rằng mình không muốn làm thần đồng. Sau khi con gái qua đời, bà Tạ Phượng Nga từng chia sẻ rằng bản thân chưa bao giờ coi con là thần đồng. Những câu chuyện được thần thánh hóa kia đều do truyền thông dựng lên trước khi Đàm Dao vào lớp 10.

Tuy nhiên, không ít người hoài nghi lời của bà, cho rằng bà đang cố tình đổ lỗi cho truyền thông. Nếu thực sự không muốn con gái bị gán mác "thần đồng" và chỉ muốn con được nghỉ ngơi, tại sao trước đây bà lại để con nhảy cóc hai lớp?

"Thần đồng" 14 tuổi tự kết liễu đời mình vì bị thầy phê bình trước lớp, để lại bức thư tuyệt mệnh phanh phui bí mật tàn khốc- Ảnh 3.

Thấy con có tư chất thông minh, bố mẹ cũng rất tạo điều kiện cho Đàm Dao học tập.

Bà Tạ Phượng Nga giải thích rằng: Chính con gái bà đã mong muốn nhảy cóc để có thể hoàn thành ước mơ trở thành tình nguyện viên tại Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Mọi thứ đều là ý nguyện của Đàm Dao.

Đáng tiếc, ngày 6 tháng 3 năm 2008, Đàm Dao đã qua đời, và giấc mơ ấy mãi mãi không thể thực hiện được.

Thực tế, sau khi Đàm Dao qua đời, những người chịu áp lực tinh thần lớn nhất chính là cha mẹ cô bé. Trên mạng xã hội, nhiều người chỉ trích bà Tạ Phượng Nga, cho rằng chính áp lực từ gia đình đã khiến con gái rơi vào tuyệt vọng mà lao xuống vực thẳm. Nhưng trong mắt Tạ Phượng Nga, bà vẫn luôn là một người mẹ tốt, đã làm tất cả vì con gái.

Con gái học tiểu học ngay tại ngôi trường mà Tạ Phượng Nga làm việc. Khi con vào cấp hai, để tiện chăm sóc, bà đã nhờ quan hệ để được điều chuyển công tác đến trường con đang theo học.

Năm 2015, khi chỉ còn một năm nữa là con gái vào cấp ba, và việc cô bé sẽ theo học tại Trường Trung học Chi Giang gần như đã chắc chắn, vợ chồng Tạ Phượng Nga đã mua trước một căn nhà gần trường để thuận tiện cho con. Căn nhà này có giá 150.000 tệ, một con số khá cao so với giá nhà đất ở huyện vào thời điểm đó.

Do công việc bận rộn, khi Đàm Dao vào lớp 10, ông bà nội là người trực tiếp chăm sóc cô bé. Đến năm lớp 11, để có thêm thời gian bên con, cả hai vợ chồng quyết định không đảm nhiệm vị trí giáo viên chủ nhiệm nữa.

Trừ những ngày phải trực, còn lại vợ chồng Tạ Phượng Nga đều cố gắng ở bên con. Nơi làm việc của bà cách trường con học khá xa, mỗi lần đi lại mất đến 3 tiếng. Cộng thêm việc giảng dạy và chấm bài, cuộc sống của bà Tạ Phượng Nga vô cùng vất vả. Dù vậy, bà vẫn ngày ngày đạp xe, kiên trì rong ruổi trên quãng đường dài ấy.

Đàm Dao cũng có tài khoản MXH, nhưng đáng ngạc nhiên là tất cả những bài viết trong nhật ký QQ của cô bé đều do mẹ - bà Tạ Phượng Nga - viết. Bản thân Đàm Dao chỉ để lại duy nhất một bình luận.

Mẹ luôn cố gắng đáp ứng mọi mong muốn của con gái. Chẳng hạn, trước ngày Đàm Dao qua đời, cô bé từng nói muốn ăn đậu xanh. Nhưng có lẽ do hôm đó chợ đã bán hết, gia đình không thể mua được món ăn này.

Tạ Phượng Nga thậm chí còn gọi điện dặn chồng vào ngày hôm sau: "Nhất định đừng quên mua đậu xanh về".

Thế nhưng, cô con gái từng mong được ăn đậu xanh, mãi mãi không còn cơ hội nếm lại món ấy nữa.

"Thần đồng" 14 tuổi tự kết liễu đời mình vì bị thầy phê bình trước lớp, để lại bức thư tuyệt mệnh phanh phui bí mật tàn khốc- Ảnh 4.

Sự ra đi của Đàm Dao khiến gia đình đau đớn.

Cái chết của Đàm Dao 

Vào ngày Đàm Dao để lại di thư rồi tự kết liễu, giáo viên chủ nhiệm đã khiển trách cô bé trong giờ ra chơi vì đọc sách ngoài chương trình trong giờ học.

Lời phê bình không quá nặng nề, chỉ xoay quanh hai điểm chính:

1. Tuần này, Đàm Dao sẽ không được "chấm sao" nữa.

Đây là một hình thức đánh giá trong lớp nhằm khuyến khích học sinh, chỉ những em có biểu hiện xuất sắc mới được nhận một ngôi sao.

2. Yêu cầu phụ huynh đến gặp giáo viên, vì đây đã là lần thứ ba Đàm Dao bị bắt gặp đọc sách ngoài lề trong giờ học.

Thực tế, giáo viên chủ nhiệm quản lý Đàm Dao nghiêm khắc hơn so với các học sinh khác trong lớp. Cô bé thậm chí còn được xếp ngồi ngay cạnh cửa sổ để thầy/cô có thể quan sát dễ dàng hơn từ bên ngoài lớp học. Lý do là bởi cha của Đàm Dao có mối quan hệ khá thân thiết với giáo viên chủ nhiệm, ông từng nhờ vả: "Nhờ thầy/cô quản lý con bé chặt một chút".

Kể từ khi bị thầy giáo trách phạt, Đàm Dao bắt đầu cư xử lạ lùng. Cô bé tỏ ra trầm mặc, không nói chuyện, chơi đùa vui vẻ với các bạn như trước. Đàm Dao cũng không ăn cơm trưa mà nhờ một người bạn mang cho gói mỳ tôm. Đến tầm 5-6 chiều, thầy Lý phát hiện cô bé mất tích. Trên bàn học của Đàm, người ta tìm thấy một lá thư tuyệt mệnh.

Ngay lập tức, giáo viên và phụ huynh lập tức đổ xô đi tìm Tiểu Đàm. Khả năng cô bé trốn học, đi ra khỏi cổng trường được loại bỏ bởi bảo vệ cho biết, bất kỳ học sinh nào đi ra đi vào đều phải có giấy phép. Dù mọi lực lượng đã tỏa đi tìm khắp nơi nhưng vẫn không ai trông thấy bóng dáng cô bé. Đến ngày 8/3/2008, tất cả mới bàng hoàng phát hiện xác của Đàm Dao trong ao nước cạnh trường.

"Thần đồng" 14 tuổi tự kết liễu đời mình vì bị thầy phê bình trước lớp, để lại bức thư tuyệt mệnh phanh phui bí mật tàn khốc- Ảnh 5.

Bức thư tuyệt mệnh của Đàm Dao.

Dù trách nhiệm chính trong cái chết của Đàm Dao thuộc về nhà trường, gia đình hay truyền thông xã hội, thì sự ra đi của một cô bé đang tuổi trăng tròn vẫn là điều đầy tiếc nuối. Cha mẹ của Đàm Dao đã đạt được thỏa thuận hòa giải với nhà trường. Cả hai bên đều không muốn thừa nhận rằng cô bé đã tự tử, mà thà tin rằng đó chỉ là một tai nạn.

Sự việc này là hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh: Trong quá trình nuôi dạy con cái, liệu chúng ta có nên giữ một tâm lý bình thản hơn? Có thể kiên nhẫn, để trẻ phát triển một cách tự nhiên, thay vì thúc ép quá mức hay không?

Ngoài ra, dư luận cũng nên dành sự khoan dung cho những "thần đồng" - những đứa trẻ từng xuất sắc nhưng rồi dần dần trở nên bình thường. Hãy thấu hiểu cảm xúc của chúng, cho chúng nhiều không gian riêng tư hơn, thay vì luôn đặt lên vai chúng những kỳ vọng nặng nề.

Theo Baidu

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày