Mỗi bậc cha mẹ đều mong con cái lớn lên sẽ hiếu thảo với mình. Thế nhưng, thực tế đôi khi không như mong đợi. Có những đứa con chẳng những không biết ơn công lao dưỡng dục của cha mẹ, mà còn ngại khổ, lười làm, ở nhà ăn bám... Dù cha mẹ đã già yếu, họ vẫn không quan tâm chăm sóc, thậm chí còn để cha mẹ phải nuôi mình. Đây chính là biểu hiện của sự bất hiếu điển hình.
Tuy nhiên, hiện nay đang xuất hiện một kiểu "bất hiếu kiểu mới" âm thầm lan rộng. Hành vi này thậm chí còn làm tổn thương cha mẹ hơn cả việc ăn bám. Đáng buồn là nhiều người trẻ hiện nay đang mắc phải.
Bà Vương (Trung Quốc) có con trai đã kết hôn được 2 năm. Gần đây, con dâu bà vừa sinh một bé gái đáng yêu. Vì là con đầu lòng nên con dâu không có kinh nghiệm chăm sóc trẻ nên đã nhờ bà Vương giúp trông cháu.
Thế nhưng, bà Vương đã có tuổi, sức khỏe không còn như trước, nên từ chối: "Hai đứa cố gắng tự chăm, chứ mẹ già rồi, thực sự không kham nổi".
Nghe mẹ từ chối thẳng thừng, con trai và con dâu bà Vương tức giận: "Mẹ cũng phải thông cảm cho bọn con chứ! Hai vợ chồng đi làm cả ngày, làm sao có thời gian trông con? Hơn nữa, mẹ cũng chỉ ở nhà thôi mà, giúp trông cháu cũng là cách giết thời gian mà! Đó là cháu mẹ chứ có phải cháu ai đâu".
Dù con trai cố gắng thuyết phục, bà Vương vẫn kiên quyết từ chối. Con dâu nổi giận: "Nếu mẹ không giúp trông cháu, sau này cũng đừng mong con chăm sóc mẹ lúc già!".
Bị con dâu dùng việc dưỡng lão để uy hiếp, bà Vương đành phải miễn cưỡng đồng ý.
Ảnh minh họa
Hiện nay, áp lực cuộc sống của giới trẻ rất lớn, nên sau khi sinh con, họ thường mong muốn ông bà hỗ trợ chăm cháu. Dù việc ông bà giúp trông cháu là tình nghĩa chứ không phải nghĩa vụ, nhưng nhiều người trẻ lại cho rằng nếu ông bà từ chối thì sau này cũng không cần phải phụng dưỡng họ. Bất đắc dĩ, nhiều ông bà phải gạt đi ý muốn của bản thân để giúp chăm cháu. Đáng buồn là kiểu "bất hiếu kiểu mới" này đang dần trở thành một hiện tượng phổ biến trong xã hội.
Ở một diễn biến khác, điều kiện sống được nâng cao, ai cũng muốn dành cho con mình những gì tốt nhất, không muốn để con chịu khổ. Trong khi đó, thế hệ trước quen với lối sống tiết kiệm, họ cho rằng giản dị mới là điều đúng đắn. Sự khác biệt trong quan niệm này dẫn đến mâu thuẫn giữa ông bà và cha mẹ trẻ.
Ví dụ, ông bà nghĩ rằng trẻ nhỏ có thể mặc đồ cũ của anh chị em để tiết kiệm chi phí, nhưng cha mẹ trẻ lại cho rằng làm vậy là thiệt thòi cho con. Một số người trẻ còn thường xuyên chê bai ông bà chăm cháu không tốt, làm cái này chưa đủ, cái kia chưa đạt yêu cầu, rằng ông bà không tuân thủ được phương pháp này phương pháp kia... Trong khi đó, ông bà đã cố gắng hết sức nhưng lại bị con cháu trách móc, khiến họ vô cùng đau lòng.
Ảnh minh họa
Hậu quả của "bất hiếu kiểu mới" là gì?
Đầu tiên chính là khiến cha mẹ già kiệt sức. Cha mẹ đã vất vả cả đời, tuổi già cần được nghỉ ngơi, nhưng một số người trẻ lại coi việc ông bà chăm cháu là điều hiển nhiên, khiến họ bị vắt kiệt sức lực, thậm chí sinh bệnh vì quá lao lực.
Thứ hai là trở thành tấm gương xấu, nuôi dạy nên những đứa trẻ vô ơn. Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường như vậy sẽ không biết trân trọng sự hy sinh của cha mẹ, từ đó hình thành nhân sinh quan lệch lạc, ảnh hưởng đến sự phát triển của chúng sau này.
Câu hỏi được đặt ra là làm sao để con cái không trở thành người "bất hiếu kiểu mới"?
1. Không nuông chiều con quá mức
Cha mẹ không nên đáp ứng mọi yêu cầu của con một cách vô điều kiện. Hãy để con hiểu rằng sự hy sinh của cha mẹ không phải là điều hiển nhiên. Nếu được chiều chuộng quá mức, con sẽ quen với việc dựa dẫm, không có khả năng tự giải quyết vấn đề.
2. Dạy con biết suy nghĩ cho người khác
Ngay từ nhỏ, hãy nói cho con biết cha mẹ đã vất vả thế nào để chăm sóc chúng. Hãy để con hiểu rằng tình yêu thương là điều hai chiều, không phải chỉ có cha mẹ hy sinh cho con mà con cũng cần quan tâm đến cha mẹ.
3. Làm gương cho con
Cha mẹ là người thầy đầu tiên của con, muốn con biết ơn và hiếu thảo thì bản thân cũng phải làm gương. Hãy thường xuyên về thăm ông bà, thể hiện lòng hiếu kính, để con cái học theo qua từng hành động nhỏ.
Theo Sohu