Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ 14/2, yêu cầu không tổ chức dạy thêm với học sinh tiểu học, trừ bồi dưỡng về nghệ thuật, thể thao, kỹ năng sống.
Thông tư nhận được nhiều ý kiến đồng tình nhưng cũng không ít quan điểm trái chiều.
Một trong những vấn đề đau đầu của phụ huynh, nhất là phụ huynh có con đang học tiểu học, đó chính là làm sao để đón con lúc 16h30. Thời gian qua, không ít người gửi con cho cô giáo chủ nhiệm sau giờ học để được học thêm, chăm sóc. Nhiều phụ huynh cho con tham gia các lớp học thêm ở trường.
Kể từ khi Bộ Giáo dục cấm giáo viên dạy thêm, việc chăm sóc con cái sau giờ học trở thành vấn đề lớn. Cụ thể, hầu hết các trường tiểu học đều kết thúc buổi học vào khoảng 4h30 chiều, nhưng thời gian làm việc của các cơ quan nhà nước và công ty tư nhân lại thường kéo dài đến 5h30 chiều. Điều này khiến nhiều phụ huynh không thể đón con đúng giờ, nhất là khi họ không có ông bà hay người thân hỗ trợ.
Ảnh minh hoạ
Một phụ huynh ở TP. HCM mới đây nêu ý kiến:
"Trước đây khi Bộ Y tế khuyến cáo nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất 6 tháng, Bộ Lao Động - Thương binh và Xã hội đã có sự điều chỉnh để nghỉ thai sản được kéo dài đến 6 tháng, nhằm đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em. Vậy tại sao trong bối cảnh hiện nay, khi Bộ Giáo dục đưa ra những quy định mới, Bộ Lao Động không có sự điều chỉnh để hỗ trợ phụ huynh có con tiểu học, đặc biệt là những gia đình mà cả cha lẫn mẹ đều phải làm việc đến giờ muộn?".
Người này đề xuất: Khi Bộ Giáo dục cấm giáo viên tiểu học dạy thêm, thì nên có quy định cho phép bố hoặc mẹ nếu cả hai đều đi làm ở các cơ quan nhà nước hoặc công ty tư nhân sẽ được tan làm lúc 16h30 nếu có con đang là học sinh tiểu học để họ đón con.
"Mình ứa nước mắt khi thấy mấy bữa nay các phụ huynh có con tiểu học (trong đó có bạn bè mình) đang chạy đôn chạy đáo nhờ người trong chung cư đón con về và giữ giùm. Vì cha mẹ đều 17h30 mới hết giờ làm việc, 18h mới về đến nhà. Hoàn cảnh như gia đình mình lúc trước. Con toàn ngồi một mình ở phòng bảo vệ trường chờ ba mẹ đến 18h30. Khi con học lớp 4 - 5, may mắn cô phụ trách bán trú chịu giúp chở về nhà và dặn con khoá cửa ở trong nhà tự học bài", người này nói thêm.
Tranh cãi
Luồng ý kiến đồng tình với phụ huynh nói trên cho rằng, thực tế nhiều gia đình không thể đón con lúc 15-16h, nên nhu cầu tìm chỗ học thêm như một hình thức trông giữ là có thật. Trên các diễn đàn, nhóm lớp, không ít phụ huynh có con ở tiểu học cho hay bối rối, loay hoay tìm cách đưa đón, trông con sau giờ chính khóa.
"Mình làm công nhân toàn 18h mới tan ca. 2 đứa con, 1 đứa lớp 5 đứa lớp 1. Không có người thân nhờ đón, mệt mỏi vô cùng. Để trẻ ở cổng thì sợ mất an toàn. Bảo sao nhiều gia đình phải nghỉ làm 1 người khi sinh con là vậy. Đâu phải gia đình nào cũng có người đón, rồi bài vở thì 1 mà bài thi thì trình độ 2 - 3, không học thêm biết làm sao", một phụ huynh chia sẻ.
Tuy nhiên, đa số cho rằng, quy định cấm học thêm với học sinh tiểu học là hợp lý, bởi các em đang ở lứa tuổi vừa học, vừa chơi, nên việc học hai buổi ở trường, xong lại học thêm là không cần thiết. Có thể để trẻ chơi, vận động ở trường chờ bố mẹ đón, chạy nhảy sẽ bổ ích hơn ngồi học suốt ngày.
Ngoài việc ủng hộ Thông tư 29, nhiều phụ huynh cũng mong muốn, sau giờ học chính khóa, nhà trường tạo thêm không gian chơi cho học sinh để các em có thể thoải mái đá cầu, chơi bóng hay đọc sách ở các thư viện mở. Nhà trường có thể mở thêm các CLB trau dồi thể chất, kỹ năng mềm sau giờ học, vừa là cách giúp phụ huynh có thời gian đưa đón, vừa giúp cho trẻ, vừa giúp nhà trường có thêm thu nhập.
"Với những thành phố lớn các trường nên có bố trí hợp tình hợp lý 1 chút. Trẻ cấp 1 học chương trình sách giáo khoa 1 buổi, ăn bán trú buổi trưa, chiều có các lớp kỹ năng sống, C:B thể thao, ngoại ngữ, năng khiếu... để lấp thời gian trống buổi chiều. Phụ huynh làm hành chính đến 17h - 17h30 mới tan ca. Nhà trường cũng nên có tuỳ chọn để nhà nào có nhu cầu gửi cháu", một phụ huynh góp ý. Người này cũng cho rằng, không nên so sánh với hoàn cảnh ngày xưa, học sinh đi học 1 buổi rồi tự đi về nhà cơm nước, bởi hoàn cảnh hiện nay phức tạp hơn nhiều.
Bạn nghĩ sao về quan điểm này?